[In trang]
Phát triển kinh tế xanh: Cần hoàn thiện khung pháp lý
Thứ tư, 15/04/2015 - 13:37
Trong xu thế phát triển, bài toán về môi trường cho đến nay vẫn được xem là vấn đề phải đánh đổi của các nước đang phát triển.

Trong xu thế phát triển, bài toán về môi trường cho đến nay vẫn được xem là vấn đề phải đánh đổi của các nước đang phát triển. Tuy nhiên, theo các chuyên gia vẫn có thể dung hòa được cả hai yếu tố này nếu có sự chung tay của Chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Đối diện nhiều thách thức

Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam nằm trong khu vực phát triển năng động nhất thế giới, Việt Nam đang hội tụ những điều kiện thuận lợi từ điều kiện tự nhiên, xã hội đến chủ trương, chính sách để tiến hành xanh hóa nền kinh tế. Chúng ta có nhiều lợi thế so sánh về tài nguyên thiên nhiên, khu dự trữ sinh thái; tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sinh học, sinh khối từ gỗ, phụ phẩm công nghiệp tương đối cao; môi trường chính trị xã hội ổn định; quan hệ quốc tế mở rộng… Tuy nhiên, con đường tiến tới “nền kinh tế xanh” của Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức. Điển hình như hiệu quả sử dụng tài nguyên thấp, thiệt hại kinh tế do ô nhiễm suy thoái ở mức cao. Ngoài ra, công nghệ sản xuất nước ta còn lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng. Do đó, chất lượng sản phẩm thấp, phát sinh nhiều chất thải gây ô nhiễm suy thoái môi trường, kèm với đó là tốc độ gia tăng phát thải khí nhà kính cao. Các ngành kinh tế “nâu” đang chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế. Đa dạng sinh học suy giảm, tài nguyên không tái tạo cạn kiệt, tác động biến đổi khí hậu gia tăng...

Doanh nghiệp sản xuất trên dây chuyền lạc hậu làm hao tốn nhiều năng lượng, nguyên liệu... gây tác động xấu đến môi trường. 

Tiến sĩ Phạm Thái Lai, Tổng giám đốc Tập đoàn Siemens Việt Nam, cho rằng, Việt Nam và các nước trên thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ việc phát triển kinh tế, đô thị hóa quá nhanh. Theo tính toán, vào năm 2020 sẽ có 70% dân số thế giới di chuyển về các đô thị lớn để sinh sống. Ở Việt Nam con số này vào khoảng 45% và đến năm 2030 sẽ là 60%. Việc dân số sinh sống ở các đô thị lớn ngày càng tăng đã và đang gây ra những mặt tiêu cực. Chẳng hạn như, quá tải về cơ sở hạ tầng, tác động đến môi trường không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Do đó, phát triển xanh là một trong những hướng đi tất yếu mà Việt Nam cần quan tâm một cách đặc biệt để thích ứng với tình trạng này. Tuy nhiên, việc phát triển xanh ở Việt Nam lại đang gặp một số khó khăn nhất định như nguồn vốn, công nghệ, nhân lực và nhận thức.

Cần hành động chung

Ông John Nielsen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam và Lào, cho biết, phát triển xanh là hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế. Với cách tiếp cận này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn hướng tới phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên nuôi dưỡng cuộc sống con người, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, nhiều quốc gia trên thế giới đang tiếp cận theo xu hướng mới này nhằm hướng tới phát triển bền vững. Song để làm được điều này, Chính phủ Việt Nam cần phải có những chính sách cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân. Việt Nam không nên phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn FDI mà cần phải có những giải pháp hữu hiệu để có sự tham gia của toàn xã hội. Cần có nhiều hỗ trợ về vốn, khung pháp lý cho các doanh nghiệp để đầu tư phát triển xanh. Kinh nghiệm này đã được áp dụng tại Đan Mạch. Nhờ vậy mà Đan Mạch bây giờ được xem là quốc gia hàng đầu trong việc sử dụng hiệu quả năng lượng, phát triển các sản phẩm xanh thân thiện với môi trường.

Một số ý kiến cũng cho rằng, xét trong dài hạn, đầu tư vào kinh tế xanh sẽ cải thiện hiệu quả kinh tế và tăng tổng lượng của cải trên toàn cầu. Mặt khác, sự đầu tư đó sẽ đem lại hiệu quả trong việc phục hồi các nguồn tài nguyên có khả năng tái tạo, giảm thiểu những rủi ro môi trường. Với các nước đang phát triển, mặc dù biết vậy nhưng về dài hạn nguồn vốn cho đầu tư phát triển xanh vẫn là trở ngại, khó khăn lớn nhất; vì các nước này còn phải tập trung nguồn lực cho xóa đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Tuy nhiên, các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam phải có những giải pháp thích hợp để có thể thực hiện được mục tiêu, thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm, sự hỗ trợ lẫn nhau và bằng nội lực của mỗi nước. Điều quan trọng nhất chính là những chính sách của Chính phủ Việt Nam. Cần hoàn thiện khung pháp lý cho doanh nghiệp đầu tư vào phát triển xanh và hệ thống công cụ quản lý môi trường. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần vốn từ ngân hàng, các tổ chức... Do đó Chính phủ cũng phải đảm bảo doanh nghiệp được tiếp cận vốn, ưu tiên hỗ trợ vốn không lãi suất hoặc lãi suất thấp. Triển khai các chương trình nhằm tuyên truyền, kêu gọi người tiêu dùng thay đổi tâm lý quay sang sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Theo SGGP