Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) được công bố ngày 31/3, đầu tư toàn cầu về năng lượng tái tạo đã phục hồi và tăng mạnh lên tới 270 tỷ USD trong năm qua sau hai năm suy giảm.
Các tấm gương hấp thụ năng lượng mặt trời tại nhà máy điện Horus, Guatemala.
Việc mở rộng lắp đặt thiết bị thu năng lượng Mặt Trời ở Trung Quốc và Nhật Bản cùng với các khoản đầu tư kỷ lục trong dự án điện gió ngoài khơi ở châu Âu đã giúp thúc đẩy đầu tư toàn cầu trong năm 2014, tăng 17% so với con số 232 tỷ USD trong năm 2013.
Đây là mức tăng đầu tiên tính theo năm trong việc cam kết và đầu tư vào năng lượng tái tạo (không tính các dự án thủy điện lớn) trong ba năm qua.
Trên toàn thế giới, công suất lắp đặt thêm trong năm 2014 là 103 GW, so với 86 GW năm 2013, 89 GW năm 2012 và 81 GW năm 2011.
Việc giảm mạnh chi phí công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió, cũng là yếu tố góp phần gia tăng công suất.
Ông Achim Steiner, Phó Tổng thư ký LHQ kiêm Giám đốc điều hành UNEP cho biết một lần nữa vào năm 2014, năng lượng tái tạo chiếm gần một nửa công suất điện lưới lắp đặt thêm trên toàn thế giới.
Công nghệ năng lượng thân thiện với môi trường hiện là một thành phần không thể thiếu trong cơ cấu năng lượng toàn cầu và tầm quan trọng của nó sẽ gia tăng khi thị trường trưởng thành, giá cả công nghệ tiếp tục giảm và sự cần thiết hạn chế lượng khí thải có carbon ngày càng trở nên cấp bách hơn.
Sự thâm nhập ngày càng tăng của việc phát triển năng lượng tái tạo ở các nền kinh tế đang phát triển trên thế giới là một trong những khía cạnh quan trọng và đáng khích lệ trong báo cáo “Xu hướng đầu tư năng lượng tái tạo toàn cầu” của UNEP.
Trong năm 2014, đầu tư vào năng lượng tái tạo của các thị trường mới ở các nước đang phát triển đã gia tăng nhanh chóng với mức tăng 36% lên 131,3 tỷ USD.
Trung Quốc với 83,3 tỷ USD, Brazil (7,6 tỷ USD), Ấn Độ (7,4 tỷ USD) và Nam Phi (5,5 tỷ USD) đều nằm trong nhóm 10 nước đầu tư hàng đầu, trong khi hơn 1 tỷ USD đã được đầu tư ở Indonesia, Chile, Mexico, Kenya và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngược lại, tổng đầu tư vào năng lượng tái tạo ở các nền kinh tế phát triển chỉ tăng 3% lên 138,9 tỷ USD. Thậm chí tính cả việc phát triển mạnh lĩnh vực năng lượng gió ngoài khơi thì các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo ở châu Âu hầu như không thay đổi ở mức 57,5 tỷ USD.
Báo cáo UNEP nhấn mạnh, mặc dù 2014 là một năm bước ngoặt cho năng lượng tái tạo sau hai năm sụt giảm, song vẫn còn nhiều thách thức dưới các hình thức như sự bất ổn chính sách, các vấn đề về cơ cấu trong hệ thống điện – vì chính bản chất của việc phát triển năng lượng gió và năng lượng Mặt Trời vẫn phụ thuộc vào sức gió và ánh sáng Mặt Trời. Đấy là còn chưa kể đến các thách thức liên quan đến những biến động của giá dầu thô thế giới.
Theo Vietnamplus.vn