Ngày 11/3, tại Khu đô thị Ecopark – Hưng Yên đã diễn ra Hội thảo Phát triển Đô thị sinh thái và Ứng dụng công nghệ Giảm thải Carbon. Hội thảo do Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng Thành phố Hồ Chí Minh (ECC – HCMC) phối hợp với Cục Phát triển Đô thị - Bộ Xây dựng tổ chức.
Toàn cảnh hội thảo
Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với đô thị hóa là một xu thế tất yếu tại mỗi vùng lãnh thổ, mỗi quốc gia và trên toàn thế giới. Là một trong những quốc gia đang phát triển và có tốc độ đô thị hóa nhanh ở khu vực Đông Nam Á, những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành công đáng kể trong việc phát triển đô thị gắn liền với các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Hiện nay, GDP của đô thị chiếm trên 70% GDP cả nước. Hệ thống các đô thị đã có sự phát triển nhanh chóng về số lượng, chất lượng và quy mô.
Tuy nhiên, mặt trái của việc phát triển đô thị nhanh chóng chính là sự đe dọa với môi trường sống. Lượng năng lượng tiêu thụ và lượng phát thải khí nhà kính khổng lồ của các đô thị lớn là một trong những nguyên nhân khiến thế giới đang phải đối mặt với những rủi ro chung mang tính chất toàn cầu như biến đổi khí hậu, hạn hán, bão lụt, động đất, cháy rừng, hiện tượng băng tan, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là lượng khí thải carbon toàn cầu liên tục gia tăng và đã đạt tới mức kỷ lục là 36 tỷ tấn vào năm 2013.
Tại Việt Nam, tốc độ đô thị hóa nhanh đã dẫn tới việc các đô thị phải đối mặt với nhiều vấn đề như kết cấu hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, tình hình úng ngập tại các đô thị, ùn tắc giao thông…
Bà Phan Thị Mỹ Linh – Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, Việt Nam hiện có tổng số 774 đô thị, tại các đô thị lớn của Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều phải đối diện với các vấn đề lớn về gia tăng dân số (khu trung tâm thành phố), ngập úng, ùn tắc giao thông, thiếu năng lượng, ô nhiễm/ nguồn nước có nguy cơ nhiễm mặn. Dự kiến năm 2015 Việt Nam sẽ có khoảng 850 đô thị, đến năm 2025 sẽ có 1.000 đô thị. Xuất phát từ hiện trạng nêu trên, phát triển carbon thấp đã trở thành một ưu tiên trong các chính sách, chiến lược quan trọng của quốc gia.
Bà Phan Thị Mỹ Linh phát biểu tại hội thảo
Ông Michio Daito – Tham tán, Đại sứ quán Nhật Bản cho biết thêm, trong thời gian qua, hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng được mở rộng, phát triển mạnh mẽ và Nhật Bản là một trong những nhà tài trợ hàng đầu cho Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu. Hai quốc gia đã ký kết Thỏa thuận hợp tác về Cơ chế tín chỉ chung JCM. Với những ưu đãi nhất định về vốn và công nghệ, đây là cơ hội để các thành phố, khu đô thị tại Việt Nam tiếp cận và sử dụng nguồn hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản để áp dụng những công nghệ tiên tiến, ít phát thải carbon, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp như công nghệ năng lượng mặt trời, công nghệ chiếu sáng đèn Led, công nghệ xử lý nước thải, hệ thống chia sẻ xe đạp thông minh… đã áp dụng thành công tại Nhật Bản.
Tại hội thảo Phát triển Đô thị sinh thái và Ứng dụng công nghệ Giảm thải Carbon, các chuyên gia đã tập trung giới thiệu tổng quan về chính sách, thực tiễn phát triển đô thị sinh thái tại Việt Nam, đồng thời giới thiệu các tiêu chuẩn đô thị sinh thái của Nhật Bản; các chương trình hỗ trợ cho phát triển các thành phố sinh thái thông qua các nghiên cứu khả thi thông qua Cơ chế tín chỉ chung JCM. Các chuyên gia đến từ các tổ chức và doanh nghiệp Nhật Bản đã giới thiệu những giải pháp công nghệ ứng dụng, khả năng chuyển giao công nghệ cho các khu đô thị tại Việt Nam Hiện mới chỉ có số ít khu đô thị phát triển thành công theo mô hình đô thị sinh thái tiêu biểu như khu đô thị Xanh Ecopark (Hưng Yên), khu đô thị Vincom Reverside (Hà Nội), khu đô thị Golden Hill (Đà Nẵng)… Hội thảo là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp bất động sản tại Việt Nam tiếp cận các sáng kiến khoa học kỹ thuật cho việc phát triển đô thị sinh thái. Ngoài việc thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm, các học giả và nhà khoa học trong và ngoài nước, các doanh nghiệp đã đi thăm quan thực tiễn khu đô thị Ecopark và đánh giá đây là một mô hình kiểu mẫu của đô thị sinh thái.
Bảo Anh