Phát triển điện hạt nhân là chiến lược năng lượng dài hạn của Việt Nam
Thứ sáu, 26/12/2014 - 14:31
Phát triển điện hạt nhân của Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng, giảm phụ thuộc nhập khẩu năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường từ nhiên liệu hóa thạch, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và cơ sở hạ tầng.
Ông Nguyễn Cường Lâm - Phó Tổng EVN - khẳng định: phát triển điện hạt nhân là chiến lược dài hạn của Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng, giảm phụ thuộc nhập khẩu năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường từ nhiên liệu hóa thạch, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và cơ sở hạ tầng...
Theo ông Lâm, để triển khai thành công và vận hành an toàn nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam, cần phải thực hiện tốt và đồng bộ nhiều biện pháp như: lựa chọn địa điểm an toàn và công nghệ tiên tiến, đào tạo nhân lực, cung cấp nhiên liệu, xử lý chất thải…
Liên quan đến dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, các chuyên gia Việt Nam và Tập đoàn Rosatom đã thảo luận về tiến độ triển khai cũng như công tác chuẩn bị nhân sự, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ dự án này. Hiện Tập đoàn Rosatom (tổng thầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1) đã bàn giao tài liệu khả thi cho chủ đầu tư là EVN nghiên cứu để trình hội đồng thẩm định nhà nước. Sau khi được thẩm định và phê duyệt, Rosatom sẽ đưa vào thiết kế và thực hiện.
Nhằm tạo điều kiện phát triển ngành năng lượng hạt nhân cho Việt Nam, Tập đoàn Rosatom đã hỗ trợ đào tạo chuyên gia về thi công và vận hành các cơ sở hạt nhân.150 chuyên viên Việt Nam đã hoàn thành khóa kiến tập tại công trường lò phản ứng số 3 và số 4 của nhà máy điện hạt nhân Rostv - Nga.
Trong giai đoạn 2014-2015 sẽ có thêm 340 sinh viên Việt Nam được học tập các chuyên ngành công nghệ hạt nhân tại Nga theo học bổng của Chính phủ Nga và sẽ tăng đến 1.000 sinh viên trong tương lai.
Tháng 11/2009, Chính phủ đã giao EVN làm chủ đầu tư Dự án Điện hạt nhân gồm 2 Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, mỗi nhà máy có hai lò phản ứng với công suất 1.000 MW mỗi lò. Việt Nam đã lựa chọn Nga là đối tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.
Rất nhiều vấn đề đang đi đến thống nhất như: tiềm năng, triển vọng phát triển của năng lượng hạt nhân khu vực Đông Nam Á; công nghệ và an toàn lò phản ứng hạt nhân của Nga; yêu cầu về năng lực của nhà cung cấp đối với các nhà thầu và khả năng nội địa hóa; xây dựng cơ sở hạ tầng hạt nhân và hợp tác đào tạo nguồn nhân lực; nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng và sự cần thiết của năng lượng hạt nhân trong phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Nikolay Drozdov - Giám đốc Khối Phát triển quốc tế - Tập đoàn Rosatom - cho biết: tỷ lệ nội địa hóa trong sản xuất nhà máy điện hạt nhân vào khoảng 30-40%, với nguyên tắc không hạn chế doanh nghiệp nước sở tại tham gia. Tuy vậy, khoảng 25% số thiết bị có vai trò đặc biệt quan trọng trong dự án sẽ do Rosatom cung cấp.
Ngoài quy trình lựa chọn nhà thầu phụ theo quy định, Tập đoàn Rosatom sẽ chú ý đến các đơn vị đã có kinh nghiệm trong việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện, thủy điện, các công trình cầu cảng có quy mô lớn...
Được biết, tháng 10 vừa qua, Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam và Trung tâm nghiên cứu hạt nhân của Nga đã ký thỏa thuận khung xây dựng Trung tâm nghiên cứu năng lượng hạt nhân tại Việt Nam. Hai bên đã ghi nhận những giai đoạn cần thiết cho dự án và đang thương thảo các điều kiện chính của hợp đồng khả thi; tiến tới Hiệp ước liên Chính phủ bổ sung về tín dụng. Ước tính, quy mô dự án vào khoảng 500 triệu USD. Địa điểm xây dựng trung tâm chủ yếu tại TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) và bổ sung thêm 2 địa điểm dự phòng nhằm đánh giá điều kiện an toàn của từng địa điểm (như địa chất, khí hậu...).
Tháng 11/2009, Chính phủ đã giao EVN làm chủ đầu tư Dự án Điện hạt nhân gồm 2 Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, mỗi nhà máy có hai lò phản ứng với công suất 1.000 MW mỗi lò. Việt Nam đã lựa chọn Nga là đối tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.
Theo Báo Công Thương