Trong 2 ngày 23 và 24-10, tại thủ đô Brussels, Vương quốc Bỉ đã diễn ra Hội
nghị thượng đỉnh với sự tham gia của 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Đây là hội nghị để xác định lộ trình về năng lượng và khí hậu của tổ chức này cho
đến năm 2030.
3 lộ trình mà EU đã đưa ra bao gồm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính,
nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tiêu thụ năng lượng và giảm tiêu thụ năng
lượng.
Các nhà hoạch định chính sách của Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc mục
tiêu tăng hiệu quả sử dụng năng lượng trong khối lên 30-35% vào năm 2030, khi
đang nỗ lực cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, giảm chi phí cho
nhiên liệu và đảm bảo an ninh năng lượng hơn nữa.
Tuy nhiên, Tổng thống và Thủ tướng các nước châu Âu đều
biết đạt được thoả thuận về năng lượng và khí hậu sẽ không dễ dàng. Hạn chế tiêu
thụ năng lượng và cắt giảm khí thải khó song hành được với nhu cầu tăng trưởng
sản xuất công nghiệp. Trước đó, đề tài này đã được thảo luân vào Hội nghị
thượng đỉnh tổ chức vào tháng 3 vừa qua, nhưng không đưa ra được kết quả cuối
cùng do có quá nhiều bất đồng.
Tại Hội nghị lần này, sau 8 tiếng đồng hồ tranh luận, cuối
cùng các nhà lãnh đạo Châu Âu đã đưa ra một thống nhất chung, đó là Châu Âu sẽ
nâng tỷ trọng điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác lên mức
27%, để giảm lệ thuộc vào nguồn dầu khí bên ngoài. Mục tiêu nữa nhằm tăng hiệu
quả sử dụng, tiết kiệm 27% năng lượng, cũng là cách để tăng tự chủ về năng lượng.
Đồng thời, Châu Âu cũng cam kết giảm 40% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính
vào năm 2030 so với mức của năm 1990.
Thanh Xuân (TH)