Các nhà vật lý thuộc Đại học Purdue, Mỹ cho biết, rau chân vịt hay còn gọi là cải bó xôi hoặc rau bina có khả năng biến đổi ánh sáng mặt trời thành một nguồn năng lượng thay thế sạch và hiệu quả.
Các protein trong rau chân vịt có thể chuyển đổi năng lượng mặt trời thành năng lượng hóa học với hiệu suất 60%
Nhóm nghiên cứu đang tìm hiểu về quá trình quang hợp của loại thực vật này, trong đó có việc chuyển đổi ánh sáng mặt trời thành carbonhydrate để cung cấp năng lượng cho các tế bào. Để thực hiện nghiên cứu, nhóm đã trích xuất protein từ quá trình quang hợp của rau chân vịt. Các protein này có thể chuyển đổi năng lượng mặt trời thành năng lượng hóa học với hiệu suất 60%.
Nhóm nghiên cứu tại Đại học Purdue
Yulia Pushkar, trợ lý nghiên cứu cho biết: “Việc nghiên cứu cơ chế quang hợp của rau chân vịt là bước quan trọng để xây dựng quá trình quang hợp nhân tạo”. Kết quả, nhóm đã xây dựng thành công mô hình này. Nhờ đó, cho phép chuyển đổi năng lượng mặt trời thành năng lượng tái tạo, năng lượng có chứa nhiên liệu hydro thân thiện với môi trường .
Hiện công trình nghiên cứu đang được Quỹ khoa học quốc gia và Bộ Năng lượng của Mỹ tài trợ.
Mai Lan ( Theo sciencedaily.com)