Tại
Hội thảo “Khung pháp lý và chính
sách sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” do Bộ Công Thương và Tạp
chí Công Thương phối hợp tổ chức vào
cuối tháng 6 vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh, trong năm 2015, Bộ Công Thương
sẽ ban hành thông tư quy định tiêu chuẩn định mức tiêu thụ năng lượng cho một số
ngành công nghiệp trọng điểm, trong đó có
ngành giấy.
Sản xuất giấy là ngành công nghiệp trọng điểm trong danh sách áp dụng tiêu chuẩn định mức năng lượng
Ngành giấy
được đánh giá là một ngành tiêu thụ năng lượng khá lớn. Nhiên liệu phục vụ sản
xuất là 1 trong 3 yếu tố tác động lớn đến giá thành của sản phẩm. Trong đó, 2 dạng
nhiên liệu tiêu thụ chủ yếu gồm điện và than.
Không chờ đến
khi các quy định của Nhà nước có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp trong ngành giấy
đã chủ động thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng.
Tại công ty
giấy Phát Đạt (Bắc Ninh), mỗi năm công ty này tiêu tốn hơn 2,1 triệu kWh và khoảng
1.325 tấn than. Trong khi đó, tại công ty Cổ phần giấy Vạn Điểm (Hà Nội) có quy
mô sản xuất lớn hơn, mỗi năm tiêu tốn khoảng gần 11 triệu kWh điện và khoảng
4.670 tấn than. Hai công ty này đã áp dụng nhiều biện pháp để tiết kiệm triệt để
các nguồn năng lượng.
Tiết kiệm điện
Thay thế
bóng đèn tiết kiệm năng lượng, tận dụng tối đa nguồn ánh sáng tự nhiên là cách
làm phổ biến mà các doanh nghiệp đã áp dụng. Tại công ty CP giấy Vạn Điểm bóng
đèn huỳnh quang T8 được thay thế bằng loại bóng T5 tiết kiệm điện được 16W/bóng
mà vẫn đem lại hiệu quả chiếu sáng tương đương. Với vốn đầu tư khoảng 16 triệu
đồng, chỉ sau 1 năm công ty đã thu hồi lại được vốn đầu tư nhờ tiết kiệm được gần
11 ngàn kWh, trị giá 15 triệu đồng.
Bóng đèn tiết kiệm điện được thay thế tại cho các loại bóng cũ
Trong khi
đó, tại công ty giấy Phát Đạt, ngoài việc thay đèn tiết kiệm điện ở các khu chiếu
sáng công cộng, Ban lãnh đạo công ty còn cho lắp đặt các tấm lấy ánh sáng tự
nhiên tại khu nhà xưởng. Ban ngày, hầu như các khu vực sản xuất không phải dùng
đến đèn, nhờ đó tiết kiệm được hơn 88 ngàn kWh/năm, tương đương với gần 200 triệu
đồng tiền điện.
Công ty CP giấy Vạn Điểm cũng triển khai lắp đặt biến tần cho hệ thống
máy nén khí. Máy biến tần có chức năng điều áp, giúp cân bằng công suất cho hệ
thống máy nén khí khi chạy quá tải hoặc non tải. Hệ thống này đảm bảo cho
máy nén khí hoạt động ở hiệu suất cao nhất với mức tiêu thụ năng lượng thấp nhất.
Nhờ đó, giảm được lượng điện năng tiêu thụ.
Tại Công ty giấy Phát Đạt, Ban lãnh đạo đã cho lắp đặt dàn tụ bù 400 kV Ar ở trạm
biến áp, giúp giảm tổn thất đường dây, tăng công suất hữu dụng và giảm công suất
phản kháng. Nhờ cách làm này công ty đã tiết kiệm được gần 15 ngàn kWh mỗi
năm, giảm được gần 30 triệu đồng tiền điện.
Tiết kiệm than
Lò hơi là hệ
thống tiêu thụ nguồn than tại các nhà máy giấy. Tại công ty giấy Phát Đạt,
với việc sử dụng hệ thống lò hơi 10T/h và dùng than cám để đốt lò, trong quá
trình sử dụng lâu ngày thường có cặn than bám lại, làm giảm hiệu suất của lò. Để
khắc phục, công ty đã lên kế hoạch bảo dưỡng định kỳ cho lò hơi, giúp tiết kiệm
được 8 tấn than, tương đương với hơn 146 triệu đồng.
Lò hơi chạy bằng than
Trong khi
đó, tại công ty CP giấy Vạn Điểm, lò hơi đang được duy trì ở mức từ 8-11 tấn/giờ.
Tuy nhiên, lò hơi của công ty là loại lò hơi tầng sôi mới, nên việc vận hành và
sử dụng lò hơi còn điểm đáng chú ý như chế độ vận hành lò chưa tối ưu, dẫn đến
hiệu suất lò còn thấp, mới đạt từ 65-70%.
Hiện, công
ty đã cử đội ngũ cán bộ năng lượng đi đào tạo thêm để hiểu rõ hơn về quy trình
vận hành cũng như cách thức sử dụng lò hơi mới. Với đường ống phân phối hơi,
công ty cũng tiến hành bọc bảo ôn vị trí các van nối, đường ống hỏng để tránh
thất thoát nhiệt và tiết kiệm được than. Công ty đã tiết kiệm được 3.6 tấn
than, tương đương với 110 triệu đồng.
Chú trọng vào quản lý năng lượng
Đánh giá về
hiệu quả của hoạt động tiết kiệm năng lượng, công ty giấy Phát Đạt cho biết công
ty mới tiết kiệm được 1% lượng điện tiêu thụ. Dù tỷ lệ giảm không phải lớn,
nhưng có thể thấy rằng những giải pháp của công ty đã bước đầu mang lại hiệu quả.
Trong thời gian sắp tới, bên cạnh việc tiếp tục duy trì các biện pháp hiện có, công ty sẽ tập trung vào việc xây dựng, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ trong Ban quản lý năng lượng. Đồng thời, tiến hành kiểm toán năng lượng để tìm thêm các cơ hội TKNL. Theo đánh giá của Ban lãnh đạo công ty, hoạt động quản lý năng lượng sẽ được chú trọng ngang tầm với các giải pháp công nghệ để thu được hiệu quả tích cực nhất.
Các doanh nghiệp sản xuất giấy sẽ chú trọng hơn nữa vào quản lý năng lượng
Còn tại công
ty CP giấy Vạn Điểm, đơn vị này cũng xây dựng kế hoạch để giảm cường độ năng lượng
trong các năm tiếp theo, với mục tiêu mỗi năm giảm 1%. Công ty cũng đặt kế hoạch
hoàn thiện hệ thống QLNL trong doanh nghiệp, hoàn thiện hệ thống giám sát năng
lượng cho từng thiết bị để được cấp giấy chứng nhận ISO 50001.
Thanh Xuân