[In trang]
Sửa đổi cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió tại Việt Nam
Thứ tư, 16/07/2014 - 17:20
Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) và Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về việc sửa đổi cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió tại Việt Nam vào ngày 10/7.

Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) và Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về việc sửa đổi cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió tại Việt Nam vào ngày 10/7.

Tham dự Hội thảo có sự tham dự của ông Lê Tuấn Phong - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng. Hội thảo lần này được xem là Hội thảo tham vấn cuối cùng trong việc hoàn chỉnh các ý kiến sửa đổi cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió tại Việt Nam. Dự kiến ngày 30/7 Tổng Cục Năng lượng sẽ hoàn tất báo cáo cuối cùng để trình lên Chính phủ.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Tuấn Phong cho biết, giá năng lượng trong nước đang phụ thuộc nhiều vào giá năng lượng thế giới. Trong khi đó, các nguồn năng lượng hóa thạch đang có nguy cơ cạn kiệt, khiến việc xem xét, phát triển các nguồn năng lượng tái tao có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế- xã hội tại Việt Nam.

Việt Nam đã đặt mục tiêu đưa tổng công suất nguồn điện gió hiên ở mức 52 MW lên khoảng 1.000 MW vào năm 2020, chiếm 0,7% tổng điện năng cả nước và lên mức 6.200 MW, chiếm 2,4% tổng điện năng cả nước vào năm 2030.

c2a414874_dien_gio.jpg

Việt Nam đặt mục tiêu đạt 1.000 MW điện gió vào năm 2020

Để thực hiện mục tiêu đặt ra, năm 2011, Chính phủ đã ban hành Quyết định 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/7/2011 về cơ chế hỗ trợ điện gió tại Việt Nam theo đề xuất của Bộ Công Thương. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ quy hoạch phát triển điện gió quốc gia, chỉ đạo UBND các tỉnh lập kế hoạch và cập nhật bản đồ điện gió tại Việt Nam.

Các chuyên gia của Việt Nam và Đức đã thu thập các thông tin cơ sở về các sự án điện gió tại Việt Nam, thông qua việc phỏng vấn các chủ đầu tư, đánh giá chi phí thiết bị và công nghệ gió toàn cầu để đưa ra những đề xuất kiến nghị phù hợp với thực tiễn phát triển điện gió tại Việt Nam hiện nay. Song song với đó, nhóm nghiên cứu cũng phân tích và rà soát lại khung chính sách và giá hỗ trợ cho điện gió.

Theo đó, đáng chú ý là đề xuất của các chuyên gia trong việc đa dạng hóa các nhà đầu tư để phát triển điện gió. Việt Nam có thể vận dụng 3 hình thức đầu tư bao gồm: các nhà đầu tư ODA, các nhà đầu tư chiến lược và các nhà đầu tư thương mại.

Ngoài ra, viêc phát triển điện gió tại Việt Nam nhất định phải có sự hỗ trợ về tài chính. Theo tính toán, để đạt được con số 1.000 MW điện gió vào 2020, Việt Nam cần đầu tư 2,1 tỷ USD. Khi đó, giá cho mỗi kWh điện gió ở mức 10,4 UScent là hợp lý để thúc đẩy đạt chỉ tiêu trên.

Hải Nhy