Tiếng chuông vang lên báo hiệu kết thúc một ngày học ở ngôi trường tiểu học Donyo Wasin, Kenya. Nhưng đối với những học sinh như em Sotik Leleno, đây lại là tiếng chuông báo hiệu bắt đầu thời gian tự học tại trường với nguồn điện sản xuất từ năng lượng mặt trời.
Ngôi làng Donyo Wasin là nơi có khí hậu rất khắc nghiệt. Nhiệt độ trung bình mỗi ngày ở mức 35oC. Khoảng 9 giờ sáng, ánh mặt trời đã gay gắt và nhiều người dân phải trú ẩn dưới các bụi cây để tìm bóng mát.
Nhưng tại ngôi trường Donyo Wasin, ánh nắng mặt trời đã không còn là nỗi khiếp sợ, mà trở thành “người bạn thân thiết” của các học sinh. Kể từ khi mái của ngôi trường được lắp đặt các tấm pin mặt trời, nguồn năng lượng này đã được chuyển hóa thành điện và phục vụ cho các em học sinh đến học vào buổi tối.
Điện mặt trời tại đang được sử dụng tại nhiều trường học ở Kenya
Điện mặt trời đã làm thay đổi cuộc sống của những học sinh như Sotik Leleno. “Trước đây, sau giờ học, em và các bạn thường về nhà chăm sóc gia súc. Giờ đây, buổi tối em có thể ngồi học bài ở trường”, Sotik Leleno chia sẻ.
Donyo Wasin là một trong rất nhiều ngôi làng tại Kenya chưa có đường lưới điện. Cục Thống kê của nước này cho biết có 28% dân số đang sống trong tình trạng thiếu điện. Để khắc phục tình trạng trên, Chính Phủ Kenya đang tích cực triển khai chương trình cung cấp năng lượng sạch cho các ngôi làng ở vùng nông thôn, thông qua việc lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái các trường học.
Những ngôi làng này được gọi là “làng khí hậu”. Theo các nhà chức trách, 1 MW điện mặt trời có thể cung cấp đủ điện năng cho khoảng 150 ngôi làng khí hậu. Tuy nhiên, chi phí để tạo ra nguồn điện này khá lớn, ở mức 2 triệu USD và đang phụ thuộc chủ yếu vào các nguồn viện trợ quốc tế.
Hiện, nguồn điện mặt trời mới chỉ được sử dụng tại các trường học để phục vụ việc học tập của học sinh. Sotik Leleno bày tỏ mong ước trong tương lai, nguồn điện mặt trời sẽ được đưa đến các hộ dân để gia đình em có điện sinh hoạt và em có thể ngồi học tại nhà mỗi tối.
Hải Yến