[In trang]
“Chìa khóa” tiết kiệm năng lượng trong gia đình
Thứ ba, 17/06/2014 - 15:37
Chiếm hơn 50% dân số, lại là “tay hòm chìa khóa” trong gia đình, phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện tiết kiệm năng lượng.

Chiếm hơn 50% dân số, lại là “tay hòm chìa khóa” trong gia đình, phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện tiết kiệm năng lượng. Bởi vậy, nhiều chương trình tiết kiệm năng lượng đã được Hội Liên hiệp phụ nữ triển khai tại nhiều tỉnh thành và thu được những hiệu quả thiết thực.

Theo bà Phạm Hạnh Sâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Hội LHPN Việt Nam, ban đầu việc triển khai những hoạt động tiết kiệm năng lượng tới các chị em, đặc biệt là các chị em vùng nông thôn còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do nhiều chị em chưa hiểu rõ hiệu quả của các hoạt động trên, kèm theo tâm lý ngại thay đổi những thói quen cũ.

c7c87176a_tuyen_truyen_tkd.jpg

Một buổi tuyên truyền về tiết kiệm điện cho các chị em 

Để khắc phục, Hội LHPN đã tổ chức những buổi tập huấn dưới hình thức chia sẻ kinh nghiệm, những bài giảng với nội dung thiết thực, có hình ảnh minh họa. Ngoài ra, Hội cũng tranh thủ sự giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương, đẩy mạnh việc đọc loa tuyên truyền tại các phường xã, thôn xóm.

Những hoạt động này đã thay đổi mạnh mẽ nhận thức của các chị em và tạo chuyển biến tích cực trong sinh hoạt hàng ngày. Nhiều gia đình đã thay thế bóng sợi đốt bằng bóng đèn compact tiết kiệm điện. Ngoài ra, các gia đình còn lắp đặt giàn nước nóng năng lượng mặt trời và xây dựng hầm biogas.

Những biện pháp trên đã mang lại lợi ích rõ rệt. Chị Phạm Thị Thẻ (Thái Bình) cho biết: "Trước đây chúng tôi nghĩ là chỉ có thành phố mới cần phải tiết kiệm năng lượng. Nhưng đến nay chúng tôi hiểu được rằng, năng lượng không chỉ là điện mà còn có nhiều dạng khác nữa, vì vậy chỉ cần tiết kiệm mỗi thứ một ít, từ điện, xăng, dầu, than, củi cũng đã lên tới 100.000 đồng mỗi tháng. Ðây là một khoản tiền không nhỏ đối với nông thôn chúng tôi".

fa459fdac_biogas.jpg

Biogas vừa cung cấp khí đốt, giảm ô nhiễm môi trường và giải phóng sức lao động cho phụ nữ nông thôn

Chị Phạm Thị Hệ (Thái Bình) từ chỗ chỉ nuôi 10 con lợn, nhưng sau khi xây công trình biogas, chị đã nuôi đến 30 con lợn. Công trình của chị đã sử dụng được bếp gas đun nấu và hai đèn mạng để thắp sáng. Ngoài nấu ăn ngày ba bữa, chị còn nấu cám lợn và cho hàng xóm đun nhờ nước sôi, vì không sử dụng hết khí. Như vậy, mỗi tháng gia đình chị có thể tiết kiệm tiền mua nhiên liệu và tiền điện khoảng 200.000 đồng.

Với những hộ gia đình không trồng trọt hoặc chăn nuôi, tiết kiệm năng lượng được chú ý từ những hành động nhỏ nhất như tắt các thiết bị điện khi không cần thiết, điều chỉnh thời gian sử dụng các thiết bị tránh giờ cao điểm.

Chị Phan Thị Phương (Bến Tre) cho biết, gia đình chị có 3 thành viên, mỗi tháng sử dụng trên 150 kW điện. “Trước kia khi chưa tham gia mô hình gia đình tiết kiệm điện, hàng tháng gia đình tôi đóng tiền điện gần 200.000 đồng/tháng. Nhưng khi tham gia mô hình được hướng dẫn cách sử dụng điện tiết kiệm, gia đình đã bỏ các loại bóng đèn cũ chuyển sang sử dụng đèn compact, rút dây nguồn các thiết bị điện khi không sử dụng, trong sử dụng tủ lạnh những gì không cần thiết thì không bỏ vào. Vì thế, tiền điện phải đóng mỗi tháng  chỉ còn từ 120- 130 ngàn đồng”.

ba792ea25_chi_phan_thi_phuong.jpg

Chị Phan Thị Phương chia sẻ kinh nghiệm dùng tiết kiệm điện của mình

Chị Phạm Thị Hạnh (Vũng Tàu) cho biết tham gia vào phong trào tiết kiệm điện, không cần làm những việc gì quá khó. Chỉ cần tủ lạnh để ở chế độ vừa phải, không mở cửa tủ lạnh thường xuyên, không cho vật dụng nóng vào tủ lạnh; thay các bóng đèn huỳnh quang bằng bóng đèn tiết kiệm điện; là ủi quần áo một lần cho cả nhà, chú ý bơm ga và vệ sinh điều hòa nhiệt độ để máy hoạt động đạt hiệu quả tốt nhất, hạn chế sử dụng điện trong giờ cao điểm. Với những việc đơn giản đó, có tháng tiền điện nhà chị Hạnh đã giảm được 100.000 đồng.

Mai Lan