[In trang]
Khó khăn trong việc phát triển điện gió tại Việt Nam
Thứ hai, 28/04/2014 - 09:53
Điện gió tại Việt Nam có lợi nhuận thấp, nhưng rủi ro lại cao, nên việc kêu gọi đầu tư tài chính đang gặp nhiều khó khăn.

Việt Nam được đánh giá là nước có tiềm năng điện gió cao trong khu vực, tập trung vào một số tỉnh thuộc miền Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Cụ thể theo đánh giá, 2 tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận có thể xây dựng nhiều trang trại điện gió với mức công suất gấp gần 4 lần Nhà máy thủy điện Sơn La. 

Trong thời gian qua, nhiều tỉnh đã triển khai quy hoạch điện gió với hơn 50 dự án đã được đăng ký đầu tư. Bình Thuận là tỉnh được quy hoạch điện gió đầu tiên với 5 dự án điện gió được cấp giấy chứng nhận đầu tư và 10 dự án đang hoàn chỉnh hồ sơ.

Tuy nhiên, cho đến nay, cả nước mới chỉ có 3 dự án điện gió phát điện thương mại và mới chỉ phát được 1,07%  công suất đã được đăng ký. Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, mà một trong số đó là nguồn tài chính đầu tư cho các dự án.

15df1177b_phat_trien_dien_gio_con_nhieu_kho_khan.jpg

Phát triển điện gió ở Việt Nam còn nhiều khó khăn

Điện gió tại Việt Nam có lợi nhuận thấp, nhưng rủi ro lại cao, nên việc kêu gọi đầu tư tài chính đang gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng thiếu những chuyên gia đầu ngành, chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực năng lượng hoàn toàn mới này. Ngoài ra, Việt Nam cũng chưa nhận được sự hỗ trợ từ các nước có kinh nghiệm và các nhà cung cấp thiết bị.

Cũng theo các nhà phân tích, một nguyên nhân khác khiến điện gió chưa có nhiều cơ hội phát triển tại Việt Nam đó chính là mức giá thu mua điện gió còn thấp. Mức giá hiện nay đang là 7,8 cent /kWh. Với mức giá này, để có lãi thì các nhà đầu tư phải vay được nguồn vốn với lãi suất nhỏ hơn 1,1%. Điều này là hoàn toàn không thể.

Nếu muốn có lãi, mức giá thu mua điện gió phải được nâng lên mức từ 12-13,5 cent/KWh. Tuy nhiên, để đạt tới giá điện này, Nhà nước cần phải đưa ra lộ trình và chính sách tăng giá rõ ràng.  

Hải Yến