[In trang]
Biến rác cao su thành… dầu
Thứ năm, 17/04/2014 - 12:30
Cứ 1.000 tấn nguyên liệu cao su, sau quá trình nhiệt phân sẽ thu được 400 tấn dầu thành phẩm… Đây là kết quả có thực từ một công trình nghiên cứu vừa đoạt giải thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 12.
Cứ 1.000 tấn nguyên liệu cao su, sau quá trình nhiệt phân sẽ thu được 400 tấn dầu thành phẩm… Đây là kết quả có thực từ một công trình nghiên cứu vừa đoạt giải thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 12.

“Công nghệ nhiệt phân liên tục tái chế rác cao su thành dầu FO-R” là công trình nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thành Tài cùng các cộng sự tại Công ty TNHH thương mại - dịch vụ Công nghệ mới (huyện Chơn Thành, Bình Phước).

75c0a3204_635328331774604060_1bienrac.jpg

Dầu được tạo ra từ cao su phế thải mở ra triển vọng về nguồn nhiên liệu mới

Anh Nguyễn Thành Tài chia sẻ ý tưởng, hiện nay ở Việt Nam, cao su phế thải chủ yếu được xử lý bằng cách đốt hoặc chôn lấp gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, nhiệt phân cao su phế thải để thu nhiên liệu lỏng trở thành một vấn đề quan trọng rất có ý nghĩa.

“Trong thời gian du học ở Đức, tôi may mắn được tham quan Nhà máy chế biến rác Anphakat - chuyên tái chế rác cao su và nhựa thành dầu hiện đại nhất thế giới. Ngay lúc đó, tôi quyết tâm đưa công nghệ này về Việt Nam”, anh Tài bày tỏ.

Nhưng để ý tưởng thành hiện thực, là một chặng đường gian nan, bởi công nghệ tuy đã có nhưng việc “giải mã” và làm chủ công nghệ lại rất khó khăn. Sau nhiều lần thử nghiệm, tôi và nhóm nghiên cứu mới thành công.

Mô tả khái quát về quy trình tạo ra dầu từ cao su, anh Tài cho biết: Nguồn nguyên liệu sau khi được phân loại, làm sạch, được đưa vào máy băm, xé, sấy tách ẩm. Sau đó được đưa vào hệ thống tái chế qua quy trình nhiệt phân khép kín và chưng cất tạo thành sản phẩm dầu FO-R (fuel oils from Rubber). Nhiệt độ trong quá trình nhiệt phân luôn liên tục, ổn định từ 300oC đến 600oC.

Dầu FO-R được tạo ra từ quy trình trên hoàn toàn đáp ứng các chỉ tiêu chất lượng dầu FO theo TCVN 6239:2002. Sử dụng dầu FO-R làm nhiên liệu đốt cho lò hơi, lò sấy, lò tải nhiệt… trong sản xuất công nghiệp thay thế dầu FO (fuel oil), DO (diesel oil) đang là xu hướng tăng cao vì các nhiên liệu hóa thạch này mất hàng triệu năm để hình thành và có nguy cơ cạn kiệt trong tương lai.

Hiện công nghệ này không chỉ được ứng dụng thành công tại nhà máy xử lý chất thải nguy hại và tái chế rác cao su của chính Công ty TNHH Thương mại - dịch vụ Công nghệ mới, tại Khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc, huyện Chơn Thành, Bình Phước, mà đã được chuyển giao cho Công ty CP Môi trường công nghiệp Xanh (tỉnh Vĩnh Phúc), Công ty TNHH Năng lượng tái tạo Gia Lai (tại Khu công nghiệp Trà Đa, tỉnh Gia Lai). Trung bình, cứ 1.000 tấn nguyên liệu, sẽ thu được 400 tấn dầu thành phẩm.

Theo thống kê, hiện tại tổng số ôtô và xe máy trên cả nước khoảng 39 triệu xe, trung bình cứ lưu thông khoảng 40.000km xe lại phải thay vỏ mới. Do đó, nguồn nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy tái chế rác cao su thành dầu rất lớn. “Các nước trên thế giới rất chú trọng đến việc tái chế rác, đây chính là “quặng thô” cần phải chế biến thành sản phẩm hữu ích”, anh Tài nhấn mạnh.

Theo Ven.vn