[In trang]
Thúc đẩy sử dụng nhiên liệu sinh học sớm hơn lộ trình
Thứ ba, 15/04/2014 - 21:05
Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang tại Hội nghị “Triển khai thực hiện Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống” do Bộ Công Thương và UBND tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức tại Quảng Ngãi đầu tuần qua.
Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang tại Hội nghị “Triển khai thực hiện Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống” do Bộ Công Thương và UBND tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức tại Quảng Ngãi đầu tuần qua.

c0997c720_download_4.jpg

Báo cáo của PVN về việc thực hiện “Đề án phát triển NLSH đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” và lộ trình đưa xăng sinh học E5 vào sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên địa bàn Quảng Ngãi bắt đầu từ tháng 6/2014; đồng thời rút kinh nghiệm để triển khai kế hoạch từ nay đến tháng 12/2014 để áp dụng cho 7 tỉnh, thành phố trong cả nước cho biết, PVN đã chủ động triển khai đồng bộ chương trình nhiên liệu sinh học từ lập kế hoạch đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất ethanol, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phối trộn xăng sinh học đến khâu phát triển thị trường tiêu thụ nhiên liệu sinh học, tuyên truyền mạnh mẽ đến công chúng về tác dụng ưu việt của xăng E5.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, cả tỉnh Quảng Ngãi và PVN đều gặp nhiều khó khăn vướng mắc cả từ cơ chế chính sách chung đến thực tế sản xuất kinh doanh, phân phối. Hai bên đã có những đề xuất kiến nghị đối với Chính phủ, các Bộ, ngành quan tâm để sớm có các cơ chế chính sách, tập trung vào vấn đề hỗ trợ tuyên truyền, hình thành thị trường tiêu thụ xăng sinh học (người tiêu dùng và nhà phân phối), các chính sách tài chính hỗ trợ phân phối và tiêu dùng, chính sách về nguồn nguyên liệu; đặc biệt là các vấn đề liên quan đến sửa đổi một số điều tại Nghị định 84 cho phù hợp với thực tế kinh doanh xăng dầu hiện nay.

Hội nghị cũng ghi nhận nhiều ý kiến từ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu như PV Oil, Sài Gòn Petro về kinh nghiệm đưa xăng E5 ra thị trường của các nước trên thế giới và bài học cho Việt Nam; những khó khăn của một thị trường cũng như tâm lý người tiêu dùng đối với xăng E5; cách đối xử đối với doanh nghiệp kinh doanh, phân phối nhiên liệu sinh học; về công tác phối trộn, chế độ kiểm tra hợp quy, hợp chuẩn và hướng dẫn xuất bán tại trạm... cùng nhiều đề xuất.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang khẳng định, ngoài việc đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học đúng kế hoạch và tiến độ đã đề ra, việc phát triển vùng nguyên liệu cho sản xuất, hệ thống phân phối tiêu thụ sản phẩm có ý nghĩa vô cùng quan trọng và đòi hỏi sự tham gia với quyết tâm cao của các bộ, ban ngành, UBND các tỉnh thành phố và cộng đồng doanh nghiệp. Thứ trưởng Lê Dương Quang yêu cầu từ những nội dung trao đổi tại hội nghị, các đơn vị liên quan cần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình sử dụng xăng nhiên liệu sinh học tại địa bàn tỉnh Quảng Ngãi sớm hơn lộ trình của Chính phủ đề ra ít nhất 6 tháng. Từ đó rút kinh nghiệm, nhân rộng tại các địa phương khác, góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Đề án.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đinh Thị Loan, việc đưa xăng E5 vào cuộc sống đã được triển khai thực hiện quyết liệt tại Quảng Ngãi trước 6 tháng so với lộ trình Chính phủ đề ra. Hiện nay, Quảng Ngãi đã triển khai rất tích cực các mục tiêu đề ra, kế hoạch đến tháng 6/014 sẽ 100% cửa hàng trực thuộc PV Oil bán xăng E5 và đến tháng 10/2014 có 70% đại lý kinh doanh xăng dầu thuộc hệ thống đại lý của các doanh nghiệp khác tham gia phân phối bán lẻ xăng E5 và 50% đại lý thuộc hệ thống đại lý của Công ty TNHH MTV xăng dầu Quảng Ngãi tham gia phân phối bán lẻ xăng E5.

Theo đánh giá, Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển nhiên liệu sinh học. Hiện cả nước có 6 nhà máy sản xuất Ethanol sinh học từ nguyên liệu sắn lát với tổng công suất thiết kế là 535 triệu lít ethanol/năm. Trong đó, Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio Ethanol Dung Quất (thuộc Công ty BSR) tại tỉnh Quảng Ngãi có công suất là 100 triệu lít ethanol/năm.

Kết luận của các chuyên gia Viện Cơ khí động lực (thuộc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) và Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ (thuộc Viện Dầu khí Việt Nam) khẳng định, trên cơ sở những thử nghiệm xăng sinh học trên động cơ thế hệ cũ, xăng E5, thậm chí E10, E20 trên động cơ thông thường đang phổ biến tại Việt Nam không gây bất kỳ ảnh hưởng nào tới tính năng của phương tiện. Thậm chí dùng các loại xăng sinh học còn giúp các loại xe máy, ôtô khởi động, tăng tốc tốt hơn.

Theo Quyết định, tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống bao gồm các mức sau đây: hỗn hợp xăng không chì và ethanol nhiên liệu biến tính với hàm lượng ethanol từ 4% - 5% theo thể tích và được gọi là xăng E5.

Hỗn hợp của xăng không chì và ethanol nhiên liệu biến tính với hàm lượng ethanol từ 9% - 10% theo thể tích và được gọi là xăng E10.

Hỗn hợp các nhiên liệu đi-ê-zen và nhiên liệu đi-ê-zen sinh học gốc với hàm lượng este metyl axit béo (FAME) từ 4% - 5% theo thể tích và được gọi là đi-ê-zen B5.

Hỗn hợp các nhiên liệu đi-ê-zen và nhiên liệu đi-ê-zen sinh học gốc với hàm lượng este metyl axit béo (FAME) từ 9% - 10% theo thể tích và được gọi là đi-ê-zen B10.

Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn Xăng E5, từ ngày 1/12/2014, xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên địa bàn 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu là xăng E5.

Từ ngày 1/12/2015 xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên toàn quốc là xăng E5.

Từ ngày 1/12/2016, xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên địa bàn 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu là xăng E10.

Từ 1/12/2017 xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên toàn quốc là xăng E10.

Trong thời gian chưa thực hiện áp dụng tỷ lệ phối trộn theo Lộ trình, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, phối chế và kinh doanh xăng E5, E10 và đi-ê-zen B5 và B10.

 Theo NangluongVietnam.vn