[In trang]
Hiệu quả cao nhờ cải thiện hệ thống chiếu sáng nông nghiệp
Thứ ba, 05/11/2013 - 09:57
Cải thiện hệ thống chiếu sáng nông nghiệp không chỉ giúp cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt mà còn giúp tiết kiệm điện năng, mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho bà con nông dân.
Cải thiện hệ thống chiếu sáng nông nghiệp không chỉ giúp cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt mà còn giúp tiết kiệm điện năng, mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho bà con nông dân.

Nhu cầu bức thiết

Theo tập quán truyền thống của nông dân, để cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt ngay cả vào ban đêm, đèn điện đã được sử dụng để chiếu sáng cho các loại cây trồng như hoa cúc, thanh long, cho vật nuôi như tôm, gà… Bên cạnh đó, đặc trưng điều kiện tự nhiên của nước ta là độ ẩm rất cao, giúp cây trồng sinh trưởng tốt nhưng cũng là môi trường thuận lợi để sâu bệnh phát triển. Do vậy, ánh sáng của đèn điện còn giúp hạn chế sâu bệnh, từ đó hạn chế lượng thuốc bảo vệ thực vật. Điều này rất quan trọng trong trồng rau quả sạch. Đơn cử việc trồng hoa cúc, sau khi xuống giống được 3 ngày, bà con sẽ thắp điện mỗi đêm khoảng 5-6 giờ liên tục trong 25-30 ngày để tránh cho “cúc ngủ đêm”, dễ “đóng nụ” sớm.

Tương tự như hoa cúc, để cây thanh long sinh trưởng và phát triển tốt, ánh sáng là điều không thể thiếu. Cung cấp đủ ánh sáng sẽ giúp độ đường tăng, chất lượng thanh long tăng lên. Thanh long phù hợp với nhiệt độ từ 15-35°C, nếu dưới nhiệt độ đó cây sẽ phát triển chậm hoặc không sinh trưởng được. Ánh sáng còn có thể giúp cho thanh long ra hoa trái vụ, tăng lợi nhuận cho nông dân. Cây muốn sinh trưởng tốt cần được thắp sáng 9-10 giờ/ngày trong thời gian từ 10-15 đêm, cả đầu vụ và cuối vụ.


2f3de5c4b_densang.jpg

Chong đèn cho thanh long sẽ mang lại hiệu quả lớn

Trước đây, để chiếu sáng trong nông nghiệp, người dân thường dùng bóng đèn sợi tóc tròn, công suất 60-100W/bóng. Tuy sử dụng loại đèn này có những tác dụng nhất định giúp cây tăng trưởng nhưng lại gây lãng phí điện. Bên cạnh đó, trong điều kiện độ ẩm cao, mưa nhiều, khi được mắc ngoài trời, tuổi thọ của bóng đèn tròn không cao. Ước tính, lượng điện năng tiêu thụ hàng năm của ngành nông nghiệp Lâm Đồng chiếm đến 60% lượng tiêu thụ của toàn tỉnh, trong đó có một phần không nhỏ dành cho chiếu sáng. 

Ở một số nơi, người dân đã thay thế bằng bóng compact 20W, 50W, hiệu suất cao hơn, tiết kiệm điện hơn, nhưng là loại đèn chiếu sáng dân dụng thông thường, có phổ ánh sáng tác động đến điều khiển ra hoa thấp, không tập trung được ánh sáng cao lên cây trồng, hiệu quả chiếu sáng thấp. Hơn nữa đèn lại không có chao chụp, dễ bị hỏng bởi mưa gió.

Tăng hiệu quả chiếu sáng cho cây trồng

Để nâng cao hơn hiệu quả chiếu sáng cho ngành nông nghiệp, Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã nghiên cứu giải pháp chiếu sáng trong nông nghiệp, giúp mang lại hiệu quả cao, đồng thời tiết kiệm năng lượng. Cụ thể, để phù hợp với điều kiện độ ẩm cao của nước ta, hệ thống đèn chuyên dụng của Rạng Đông sử dụng bóng đèn compact, kết cấu bầu nhựa kín, có chao chụp nên vừa chịu nước tốt, lại có khả năng bảo vệ bóng đèn khỏi những tác động tiêu cực của thời tiết. 

Đặc trưng chính của loại đèn này là tập trung ánh sáng tối đa lên cây, giúp cho cây trồng quang hợp ngay trong điều kiện ban đêm hoặc trong điều kiện nhà kín, không tiếp xúc được với ánh sáng mặt trời. Khác với bóng đèn tròn là cho ánh sáng mạnh nhưng chỉ tập trung ở một số điểm nhất định, khiến cây trồng sinh trưởng không đều, bóng compact cho ánh sáng đều khắp, phù hợp với điều kiện quang hợp của cây, giúp cây trồng sinh trưởng đều đặn. Về hiệu quả tiết kiệm điện, toàn bộ bóng đèn dùng cho chiếu sáng nông nghiệp của Rạng Đông đã được Bộ Công Thương dán nhãn năng lượng.

Anh Trịnh Văn Bình – Chủ trại nhân giống hoa cúc tại Đền Đô – Từ Sơn – Bắc Ninh cho biết, với khu vườn hoa cúc có mái che, diện tích 750m2, trước đây, anh lắp 80 bóng đèn sợi đốt, loại có công suất 100W/bóng để chiếu sáng. Hệ thống đèn này có nhược điểm là gây tốn nhiều điện năng. Sau khi thay thế hệ thống đèn này bằng 80 bộ đèn chuyên dụng của Rạng Đông, sử dụng bóng compact 20W, có chao đèn, mật độ bố trí đèn từ 8-10m2/đèn, độ cao treo đèn cách cây hoa từ 2,5-3m, không chỉ lượng điện năng tiêu thụ giảm 80%, bóng đèn bền hơn do không bị dính nước mưa mà còn tăng rõ nét hiệu quả chiếu sáng cho vườn hoa cúc. Tại cánh đồng hoa cúc không có mái che, diện tích 1.800m2, trước khi lắp hệ thống đèn mới, cánh đồng được trang bị 100 bóng đèn sợi đốt, công suất 200W/bóng, vừa gây tốn nhiều điện năng, hiệu quả chiếu sáng lại thấp. Khi được thay thế bằng 100 bộ đèn chuyên dụng, công suất 50W/bóng, điện năng sử dụng cũng giảm đến 75%.

Không chỉ giúp tiết kiệm điện, anh Bình còn cho biết, sau một thời gian sử dụng hệ thống chiếu sáng mới, mầm hoa cúc mập hơn, dài hơn, có độ tươi hơn so với hệ thống đèn cũ sử dụng đèn sợi đốt. Đặc biệt là thời gian thu hoạch chỉ còn 7 ngày thay vì 10 ngày, giảm được 3 ngày so với trước đó.

Riêng với cây thanh long, sau khi sử dụng hệ thống đèn chiếu sáng mới thay thế cho hệ thống đèn sợi tóc cũ, ông Phùng Nhật Phong (chủ trang trại thanh long ở Tràng Bảng - Tây Ninh) chia sẻ: Không chỉ giúp tiết kiệm điện đến 80%, hệ thống đèn chuyên dụng mới còn giúp số hoa trên cây tăng lên đang kể. Trung bình 1 cây có số nụ và hoa tăng 60% so với các loại đèn sợi đốt đã sử dụng và gấp 7,5 lần so với cây không chong đèn.

Những điển hình trên cho thấy, sử dụng bóng đèn chuyên dụng cho nông nghiệp không chỉ mang lại hiệu quả rõ nét cho cây trồng mà còn giúp tiết kiệm điện năng cho người nông dân. Nếu được nhân rộng, những hiệu quả mà hình thức chiếu sáng này mang lại sẽ còn lớn hơn nữa.

Theo VEN