[In trang]
Ngành hóa chất tiết kiệm năng lượng: Cần kế hoạch hành động cụ thể
Thứ hai, 28/10/2013 - 13:23
Hiện tiềm năng tiết kiệm năng lượng của ngành hóa chất có thể lên đến 40%.
Hiện tiềm năng tiết kiệm năng lượng của ngành hóa chất có thể lên đến 40%. Trong đó, ngành sản xuất sơn đang tiêu thụ lượng điện năng bằng tổng sản lượng điện mỗi năm của một đô thị lớn. Nhìn rộng ra, tiềm năng tiết kiệm điện của ngành hóa chất Việt Nam đang rất lớn, cần có những chương trình hành động ngắn và dài hạn để có một nền sản xuất sạch hơn.

Những suất tiêu hao năng lượng được dự báo

Hiện nay, ngành Chế biến cao su nguyên liệu sử dụng 82% nhiệt năng, 18% điện năng. Ngành sản xuất phân bón NPK tiêu tốn 87% nhiệt năng, 13 % điện năng, sản xuất sơn thì mức tiêu hao tập trung 100% vào điện năng.

Theo Quy hoạch Phát triển Nông nghiệp đến năm 2020, tổng sản lượng cao su của Việt Nam sẽ đạt tới 1,2 triệu tấn/năm. Căn cứ vào định mức năng lượng của Tập đoàn Cao su Việt Nam, nếu không có bất cứ hành động tiết kiệm năng lượng nào được thực hiện, cho tới năm 2020, Chế biến cao su nguyên liệu có thể cần khoảng 144 GWh/năm, 34 ngàn tấn dầu DO/năm. Đặc biệt, nhà máy có quy mô càng nhỏ thì suất tiêu thụ năng lượng càng lớn.

Với phân ngành sản xuất phân bón NPK, đến năm 2015, phải cần tối đa 153 GWh/năm và 91 nghìn tấn dầu DO/năm. Hầu hết, các nhà máy sản xuất phân bón NPK đều muốn giữ bí mật công nghệ, nên khó khăn trong việc chia sẻ kinh nghiệm quản lý năng lượng.

47a697201_48181f11ebe845a6b651aff4df1ab6ab.jpg

Đến năm 2020, Chế biến cao su nguyên liệu có thể cần khoảng 144 GWh/năm, 34 ngàn tấn dầu DO/năm.

Trong vài năm nữa, ngành Sơn được dự báo sẽ cần trung bình 15-23 GWh/năm, tương đương với tổng điện năng tiêu thụ của TP HCM năm 2012. Một ngành công nghiệp lâu đời, có nhiều nhà máy tuổi thọ trên 40 năm, mức hao tổn điện năng gần bằng tổng điện tiêu thụ của một đô thị lớn nhất Việt Nam - thực tế này đòi hỏi không thể không tiết kiệm điện. Mà trong quy trình sản xuất sơn, công đoạn nghiền là tiêu tốn điện lớn nhất.

Chọn đúng khâu để tiết kiệm hiệu quả

Theo nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu và phát triển về tiết kiệm năng lượng, tiềm năng tiết kiệm năng lượng mua vào của phân ngành Chế biến Cao su nguyên liệu là 17%, trong đó về điện năng tiết kiệm 20.393.102 kWh/năm, về nhiệt năng tiết kiệm được 196.698.485 MJ/năm.

Tiềm năng tiết kiệm năng lượng mua vào của phân ngành Sản xuất phân bón NPK là 15%, trong đó điện năng tiết kiệm 28.463.839 kWh/năm, nhiệt năng là 661.176.784 MJ/năm. Riêng phân ngành sản xuất Sơn, đây là ngành chỉ sử dụng điện phục vụ sản xuất, ước tính tiết kiệm được 5.831.000 kWh/năm đối với sơn gốc nước và 6.060.600 kWh/năm đối với sơn gốc dung môi.

Để giúp cho các ngành hóa chất Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất và tiết kiệm năng lượng, dự án Tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn tại Việt Nam đã đề xuất cho ngành hóa chất Việt Nam nên tập trung vào đổi mới nhiều hơn về mặt công nghệ như: Sử dụng biến tần cho máy ép kiện, khí hóa củi, thay đổi từ sục khí bề mặt bằng sục khí tinh.

Hiện nay, Tập đoàn Cao su đang nghiên cứu để ứng dụng Biogas từ hệ thống xử lý nước thải. Còn đối với việc thay đổi hoàn toàn động cơ cũ sang động cơ hiệu suất cao thì chưa có nhà máy nào sử dụng mặc dù thị trường có bán. Một vấn đề bất cập của quản lý năng lượng là các nhà máy còn rất yếu trong đánh giá đồng đều suất tiêu thụ năng lượng mỗi năm.

Theo chuyên gia quốc tế McNulty thì: "Các doanh nghiệp hóa chất khi xác định được cơ hội tiết kiệm năng lượng, phải xây dựng được kế hoạch hành động ngay. Đừng tham vọng quá cao để làm giảm động cơ tiết kiệm. Hãy đặt ra mục tiêu trong tầm tay, hạn chế chi phí ban đầu với thời gian can thiệp ít nhất và giám sát hiệu quả quy trình tiết kiệm này”.

 
Theo TKNL