[In trang]
Việt Nam cần đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng
Thứ hai, 28/10/2013 - 13:10
Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh làm nhu cầu về năng lượng như dầu khí, điện, nước tăng cao sẽ khiến Việt Nam, từ một quốc gia xuất khẩu năng lượng chuyển sang phải nhập khẩu sau năm 2015 nếu không tích cực tiết kiệm năng lượng.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh làm nhu cầu về năng lượng như dầu khí, điện, nước tăng cao sẽ khiến Việt Nam, từ một quốc gia xuất khẩu năng lượng chuyển sang phải nhập khẩu sau năm 2015 nếu không tích cực tiết kiệm năng lượng.

48043b26e_ea881_schiner_1_.jpg

Khách tham quan triển lãm.

Đó là cảnh báo của các chuyên gia tại Hội nghị và Triển lãm quốc tế Trải nghiệm năng lượng xanh và hiệu quả do Công ty Schneider Electric Việt Nam tổ chức tại TPHCM sáng 25-10. Chương trình này hướng đến sử dụng nguồn năng lượng một cách hợp lý, hiệu quả và tiết kiệm

Ông Nguyễn Văn Long, Vụ Phó Vụ Khoa học Công nghệ và Tiết kiệm Năng lượng, nói rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ tăng trở lại khoảng 6-7% từ sau năm 2015. Điều đó sẽ kéo theo nhu cầu về năng lượng như điện và dầu khí tăng cao.

Theo ông Long, Việt Nam có nguồn tài nguyên năng lượng dồi dào bao gồm than, dầu, khí đốt, thủy điện và năng lượng tái tạo và hiện vẫn là quốc gia xuất khẩu năng lượng. Tuy nhiên, nền kinh tế tăng trưởng cao sẽ khiến cho nhu cầu năng lượng tăng theo và trong tương lai nhu cầu sẽ vượt quá khả năng đáp ứng của nguồn cung cấp trong nước.

“Nhu cầu năng lượng tại Việt Nam sẽ tăng khoảng 2,5 lần vào năm 2015, và 5 lần vào năm 2025 nếu so sánh với mức tiêu thụ hiện tại. Nếu như vấn đề tiết kiệm năng lượng không được quan tâm đúng mức thì nền kinh tế quốc dân sẽ bị tác động mạnh và tác động cả đến biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường,” ông Long cảnh báo.

Hiện tại, Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu năng lượng, nhưng tình hình sẽ thay đổi khi Việt Nam sẽ nhập trở lại dầu thô từ năm 2015 và than năm 2016.

Ông Cù Huy Quang, chuyên gia tiết kiệm năng lượng của Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) cho rằng trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2020, Việt Nam xuất hiện sự mất cân đối từ các nguồn năng lượng nội địa. Đến năm 2030, Việt Nam có khả năng chuyển từ nước xuất khẩu năng lượng sang nước nhập khẩu năng lượng nếu tình hình sử dụng năng lượng không có kiểm soát đang diễn ra như hiện nay.

Ông Xivier Denoly, Tổng giám đốc Schneider Electric Việt Nam và Campuchia, cho rằng: các thành phố lớn là nơi đang lãng phí nguồn năng lượng nhiều nhất. Do đó, Việt Nam cần phải có chiến lược xây dựng hệ thống thành phố thông minh với những hệ thống vận hành đô thị hiệu quả, hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan để các đô thị trở nên văn minh và đáng sống hơn.

Cũng theo ông Denoly, sự hợp tác giữa chính phủ, chuyên gia năng lượng và cộng đồng doanh nghiệp là rất quan trọng trong việc triển khai thành công các chương trình tiết kiệm năng lượng, giúp Việt Nam có chiến lược phát triển năng lượng bền vững.

Theo Báo Mới