Gương mẫu Đối với cán bộ công nhân viên trong ngành điện, mỗi gia đình phải là một tấm gương về tiết kiệm điện đối với cơ quan, khu phố mình đang cư trú. Không chỉ tuyên tuyền bằng miệng mà bằng hành động và việc làm thiết thực, phát các cẩm nang về tiết kiệm điện vận động mọi người dân cùng tham gia chương trình tiết kiệm điện. Đối với gia đình, chúng tôi luôn thực hành tiết kiệm điện, “ra tắt vào bật” thay thế đèn sợi đốt bằng đèn compact, tủ lạnh thì hạn chế mở để tiết kiệm điện, ra khỏi phòng phải tắt đèn, hạn chế sử dụng các thiết bị điện vào giờ cao điểm, thay thế bình nước nóng dùng bằng điện sang sử dụng bình năng lượng mặt trời. Cô con gái mới lên ba của tôi cũng ảnh hưởng rất lớn từ gia đình và mẹ. Tôi luôn chỉ bảo cháu là phải tắt điện khi ra khỏi phòng, trước khi đi ngủ phải tắt điện và tắt ti vi khi không xem nữa. Với nhà trường, cô giáo chủ nhiệm lớp con gái tôi cho biết các
cô cũng lòng ghép giữa học và chơi, dạy cho các cháu phải biết tắt điện khi
không sử dụng điện, vặn nhỏ nước khi rửa tay tránh lãng phí điện nước, lãng
phí nguồn tài nguyên Quốc gia. Từ cách giáo dục của gia đình và nhà trường
dần dần cháu đã có ý thức và từ ý thức đã trở thành thói quen. |
Là người tay hòm chìa khóa trong gia đình, thời gian qua, nhiều chị em phụ nữ Đà Lạt (Lâm Đồng) đã tích cực tham gia công tác vận động, tuyên truyền cũng như thực hành tiết kiệm điện một cách hiệu quả.
Bài viết dưới đây của tác giả Trần Thị Diệu Huyền (công tác tại Văn phòng Công ty Điện lực Lâm Đồng) nói về việc “vào cuộc” tiết kiệm điện của chị em phụ nữ thành phố ngàn hoa.
Bà Nguyễn Thị Mai (phải) - Chủ tịch Hội Phụ nữ phường 3, TP.Đà Lạt và một nữ cán bộ Điện lực Đà Lạt (Công ty Điện lực Lâm Đồng) tại Lễ phát động chương trình Tiết kiệm điện 2013.
Khi phụ nữ đi tiên phong
Gia đình chị Phạm Thị Xuân Thanh 2C đường 3/4 phường 3 -TP Đà Lạt là một trong những gia đình sử dụng điện có hiệu quả và hợp lý. Chia sẻ với tôi, chị Thanh cho hay, hầu hết các bóng đèn chiếu sáng trong gia đình của chị đều thay thế bòng đèn sợi đốt bằng bóng đèn compact, thay thế bình nước nóng bằng bình sử dụng năng lượng mặt trời.
Mặt khác, chị luôn nhắc nhở các thành viên trong gia đình sử dụng các thiết bị điện tử như: tivi, máy giặt, bàn là.., hợp lý. Đối với gia đình chị Thanh thì tuyệt đối không sử dụng bàn là hay máy giặt trong những giờ cao điểm. Chính vì vậy trong thời gian qua, một tháng gia đình chị Thanh tiết kiệm được gần 150 ngàn đồng tiền điện so với trước đây.
Chị Nguyễn Thị Mai - Hội trưởng Hội Phụ nữ phường 3 (TP.Đà Lạt) cho biết, trước đây mọi việc về điện dường như là công việc của đàn ông, nhưng khi được phụ nữ tuyên truyền lợi ích của việc tiết kiệm điện thì hầu hết phụ nữ ở phường 3 chủ động trong việc sử dụng điện trong gia đình.
Thông qua các buổi sinh hoạt, Hội Phụ nữ ở phường lồng ghép nội dung tuyên truyền về tiết kiệm đến từng hội viên. Các cán bộ Hội Phụ nữ trực tiếp hướng dẫn chị em cách sử dụng hợp lý để tiết kiệm điện. Qua công tác vận động, nhiều chị em đã biết cách sử dụng điện tiết kiệm nhưng vẫn bảo đảm cho sinh hoạt hằng ngày.
Đến nay, ý thức tiết kiệm của nhiều hộ gia đình đã nâng lên rõ rệt. Qua đó, giúp các gia đình tiết kiệm được đáng kể khoản chi tiêu trong sinh hoạt hàng tháng. “ Để thực hiện có hiệu quả chủ trương tiết kiệm điện, trước tiên chúng tôi chọn một số chị em là cán bộ, đảng viên thực hiện trước, từ đó chị em khác thấy lợi ích mà làm theo. Chứ thật tình lúc đầu vận động chị em cũng khó lắm”- Chị Mai tâm sự.
Tiết kiệm, không hà tiện
Một buổi chiều tôi đến thăm gia đình chị Lan ở Đường 3/2. Trong căn nhà 3 tầng của chị Lan đều trang bị đèn compact, mỗi phòng đều có 1 ti vi, máy giặt, dàn karaoke …Chị Lan tâm sự, gia đình có 6 người nhưng mỗi tháng chị trả tiền điện chưa tới 350.000 đồng.
Chị nói: “Không phải mình dùng điện nhiều hay ít mà là dùng như thế nào cho nó hợp lý. Tôi luôn vận động và tạo cho các thành viên trong gia đình có thói quen sử dụng tiết kiệm, tránh sự lãng phí về điện. Mình tiết kiệm chứ không phải hà tiện”- chị Lan cho biết thêm.
Anh Hùng, chồng chị Lan nói vui “Cả ngày tôi nghe bà xã nhắc nhở tôi và các con luôn có ý thức sử dụng điện. Có khi bà ấy thấy để điện sáng mà trong phòng không có ai là bà hét ghê lắm. Mà suy cho cùng, hàng tháng bà trực tiếp trả tiền điện nên tháng nào mà tiền điện nhiều hơn một tý là bà cứ càm ràm hoài”.
Anh Hùng cũng cho biết thêm, chính nhờ “kỷ luật” nghiêm này mà việc thực hiện tiết kiệm điện có hiệu quả. Hơn nữa các con anh nâng cao ý thức nhiều hơn trong việc sử dụng điện. Hàng tháng tiền điện không tăng nhưng đảm bảo phục vụ sinh hoạt.
Một hội viên Hội Phụ nữ phường 3 nghiên cứu tài liệu tuyên truyền tiết kiệm điện do Công ty Điện lực Lâm Đồng phát hành
Chị Nguyễn Thị Thắm, Hội trưởng hội phụ nữ tổ 3 (phường 3) cho biết, trong thời kỳ kinh tế khó khăn như hiện nay, vấn đề tiết kiệm là việc nên làm của tất cả mọi người.
Chính vì thế, việc phụ nữ triển khai mô hình “Gia đình tiết kiệm điện”, “Tổ văn hóa tiết kiệm điện”, “Tuyến phố tiết kiệm điện”, là phù hợp với mọi gia đình và mang lại hiệu quả thiết thực. Đây cũng là một hoạt động góp phần thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Thời gian đến, Hội Phụ nữ phường còn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; mỗi chị em phụ nữ còn là một tuyên truyền viên vận động người khác thực hiện chủ trương tiết kiệm điện.
Với vai trò tuyên truyền, vận động của mình, Hội sẽ tác động để mỗi hội viên phụ nữ luôn có ý thức tiết kiệm năng lượng nói chung, tiết kiệm điện nói riêng. Nếu làm được điều này không chỉ đem lại lợi ích cho gia đình mà còn mang lại lợi ích cho Đất Nước cho ngành điện.
Theo Công ty Điện lực Lâm Đồng