[In trang]
Hướng tới đào tạo nhân lực thiết kế xây dựng tòa nhà xanh
Thứ tư, 18/09/2013 - 14:28
Để xây dựng một tòa nhà xanh, lực lượng thiết kế kiến trúc có vai trò hết sức quan trọng.
Để xây dựng một tòa nhà xanh, lực lượng thiết kế kiến trúc có vai trò hết sức quan trọng.

Thiếu một lực lượng tư vấn thiết kế

Tại cuộc thi Tòa nhà hiệu quả năng lượng Đông Nam Á 2012, khu du lịch Anantara Mũi Né Resort & Spa đã đạt giải nhì ở loại hình tòa nhà nhiệt đới. Đây là một trong những giải thưởng lớn nhất các tòa nhà của Việt Nam đạt được tại cuộc thi này. Tuy nhiên, điều đáng nói là hầu hết các tòa nhà Việt Nam đoạt giải đều thuộc loại hình tòa nhà nhiệt đới (có trên 50% diện tích sàn không sử dụng điều hòa…). Các tòa nhà mới, tòa nhà cải tạo lại vẫn khá xa lạ với giải thưởng này.

Đối với tòa nhà xây dựng mới, kinh nghiệm tại các quốc gia có nhiều tòa nhà từng đoạt giải cao tại cuộc thi tòa nhà hiệu quả năng lượng Đông Nam Á như Malaysia, Singapore cho thấy họ có một lực lượng thiết kế kiến trúc rất mạnh, trên nền tảng một quốc gia có nền kiến trúc tốt, quản trị năng lượng, công nghệ tốt và thể chế phù hợp. Khâu thiết kế vốn là một trong những khâu quan trọng nhất trong việc hình thành một công trình, lựa chọn vật liệu cho công trình… để làm sao đạt hiệu quả TKNL tối ưu nhất. Trong khi đó, hiện Việt Nam chưa có tiêu chuẩn về công trình xanh và chưa có các cơ sở đào tạo về cách thiết kế một công trình xanh. 

01ed7a8ec_xay_dung_toa_nha_xanh....jpg

Anantara Mũi Né Resort & Spa – một trong những tòa nhà xanh của Việt Nam

Hiện nay, có 2 vấn đề khó khăn trong nguồn nhân lực phục vụ lĩnh vực kiến trúc xanh của Việt Nam, đó là chưa có chương trình chuẩn hóa đào tạo cấp đại học và cao hơn về lĩnh vực này ở Việt Nam. Bên cạnh đó, hình thức thiết kế công trình, quản trị thông tin… của Việt Nam vẫn thiên về nguyên lý, thiếu các công cụ hỗ trợ. 

Xây dựng một lực lượng tư vấn kiến trúc cho Việt Nam

Để góp phần xây dựng một lực lượng thiết kế kiến trúc đủ năng lượng phục vụ cho việc phát triển công trình xanh tại Việt Nam, ngày 20/9, tại Đan Mạch, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng (TKNL) TP. Hồ Chí Minh (ECC HCMC) và trường Đại học Bắc Đan Mạch (UCN) sẽ ký kết biên bản ghi nhớ về thành lập Viện Đào tạo năng lượng và Kiến trúc xanh. Đây là Viện đào tạo đầu tiên của Việt Nam về kiến trúc xanh, TKNL. Viện Đào tạo Năng lượng và Kiến trúc xanh sẽ tập trung chủ yếu vào 3 lĩnh vực chính là: Đào tạo các cấp độ sơ cấp, các khóa ngắn hạn, trung cấp, liên kết các đại học đào tạo hệ cử nhân về kiến trúc xanh; Nghiên cứu và trao đổi học viên nghiên cứu sinh; Tư vấn công trình xanh.

Ông Huỳnh Kim Tước – Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP. Hồ Chí Minh (ECC HCMC) chia sẻ: Các chương trình đào tạo của Viện sẽ hướng đến cung cấp những công cụ bổ sung, phương pháp tiếp cận mới. Định hướng kinh doanh của Viện là đào tạo những gì thị trường chưa có nhưng thị trường có nhu cầu và dẫn dắt xu hướng thiết kế mới. Cụ thể, Viện có các khóa đào tạo ngắn hạn nhằm trang bị cho kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng các kỹ năng và công cụ phục vụ thiết kế công trình xanh, tính toán năng lượng, quản lý dự án… với các công cụ như Be10, BIM… Đây đều là những công cụ mới, chưa có ở các cơ sở đào tạo của Việt Nam. 

Bên cạnh đó, nếu như các chương trình đào tạo từ trước đến nay của ta đều thiên về lý thuyết thì Tòa nhà tối ưu hóa năng lượng (Active House) được xây dựng song song với Viện đào tạo năng lượng và Kiến trúc xanh sẽ là nơi để học viên có thể quan sát và học hỏi trực tiếp cách thức xây dựng một công trình xanh hoàn thiện.

Ngoài ra, nếu như lâu nay, cách thiết kế của kiến trúc sư Việt Nam là độc lập với thi công thì cách đào tạo mới của Viện sẽ là một nhóm kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng, nhà xã hội học cùng ngồi để bàn bạc cách xây dựng một công trình từ đầu đến cuối. Điều này sẽ giúp cho những ý tưởng thiết kế được thực hiện xuyên suốt, thống nhất, những hiệu quả TKNL thu được từ đó sẽ lớn hơn. 

“Tôi tin rằng nếu hoạt động tốt, Viện đào tạo năng lượng và kiến trúc xanh sẽ làm thay đổi tư duy thiết kế một công trình, đồng thời giúp hình thành một ngành học mới là kỹ sư công nghệ kiến trúc. Đây là ngành học mà các trường đại học kiến trúc của Việt Nam đang muốn lập. Sau khi thành lập Viện Đào tạo năng lượng và Kiến trúc xanh, thời gian tới, ECC HCMC sẽ liên kết với hai cơ sở đào tạo về kiến trúc là Đại học Kiến trúc TP.HCM và ĐH Kiến trúc Hà Nội để liên kết đào tạo ngành học này” – ông Huỳnh Kim Tước nhấn mạnh.

Dự kiến, đến tháng 3/2014, Viện Đào tạo năng lượng và Kiến trúc xanh sẽ chính thức ra mắt. Viện đào tạo được kỳ vọng sẽ đặt nền móng cho một lực lượng thiết kế kiến trúc đủ năng lực, có thể đóng góp lớn cho sự phát triển công trình xanh tại Việt Nam.

Bảo Anh