Doanh nghiệp Thái Lan 'đón đầu' thị trường năng lượng Việt Nam
Thứ tư, 28/08/2013 - 09:48
Ngày 23/8, UBND tỉnh Quảng Trị đã đồng ý cho Công ty Điện lực Quốc tế Thái Lan (EGATI) đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện 1.200MW tại Quảng Trị.
Chỉ trong vòng 1 tuần lễ, hai đối tác năng lượng lớn là Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) và Công ty Điện lực Quốc tế Thái Lan (EGATI) đã phối hợp với phía Việt Nam công bố đầu tư/chủ trương đầu tư vào dự án tổ hợp hóa dầu Nhơn Hội và nhà máy nhiệt điện tại Quảng Trị, với tổng trị giá lên đến hàng chục tỷ USD. Các chuyên gia cho rằng, với những nhận định đón đầu thị trường, cùng hoạt động đầu tư có hiệu quả tại Việt Nam đã khiến các doanh nghiệp hàng đầu của Thái Lan không ngần ngại tìm kiếm cơ hội đầu tư hàng tỷ đô vào “miền đất hứa” láng giềng.
Họp báo công bố khởi động dự án tổ hợp lọc hoá dầu Nhơn Hội
Ngày 15/8 tại thành phố Quy Nhơn, Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) phối hợp với UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức họp báo công bố khởi động việc lập Dự án đầu tư tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội, tại Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định. Đây là dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 27 - 28 tỷ USD, trong đó, PTT sẽ đầu tư khoảng 30 - 40% vốn vào dự án Tổ hợp hóa dầu Nhơn Hội, ngoài ra PTT sẽ tìm kiếm thêm đối tác có tiềm lực từ Trung Đông, Hàn Quốc, Nhật Bản tham gia góp vốn vào dự án này.
Tổ hợp Hóa dầu Nhơn Hội dự kiến sẽ được khởi công vào năm 2016, hoàn thành năm 2020, được xây dựng trên diện tích 2.000 ha, công suất dự kiến 660 ngàn thùng dầu thô/ngày (khoảng 30 triệu tấn/năm). Chủ đầu tư dự kiến sẽ nhập khẩu dầu thô từ Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ và Trung Mỹ.
Ngày 23/8, UBND tỉnh Quảng Trị đã đồng ý cho Công ty Điện lực Quốc tế Thái Lan (EGATI) đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện 1.200MW tại Quảng Trị. Dự án do Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng Điện 3 tư vấn thiết kế dự kiến được xây dựng tại xã Hải Khê, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, nằm trong quy hoạch khu Đông Nam Quảng Trị. Tổng diện tích đất xây dựng dự án là 450 ha, trong đó có 50 ha nằm ở ngoài biển. Công suất điện khoảng 1.200 MW, gồm 2 tổ máy mỗi tổ 600 MW. Sản lượng điện thương phẩm hàng năm khoảng 7,25 tỷ kWh.
Dự án được đầu tư theo hình thức BOT với thời gian hợp đồng khoảng 25 năm sau đó bàn giao không hoàn lại cho Chính phủ Việt Nam. Tổng mức đầu tư của dự án ước tính khoảng 2,26 tỷ USD. Dự kiến, tổ máy số 1 đưa vào vận hành năm 2019 - 2020 và tổ máy số 2 đưa vào vận hành vào năm 2030.
Trên thực tế thì đây không phải là dự án mà PTT và EGATI tham gia đầu tư đầu tiên tại thị trường năng lượng Việt Nam. Mà hiện nay, Công ty thăm dò và khai thác dầu khí của Thái Lan (PTTEP) - công ty con của PTT đang hợp tác với Việt Nam tiến hành khai thác dầu khí tại Lô 16 - 1 thuộc khu vực mỏ Tê giác Trắng, nằm ngoài khơi Việt Nam. PTTEP góp 28,5% vốn trong dự án này. Ngoài ra, PTTEP còn góp 25% vốn vào dự án khai thác dầu khí tại lô 9 - 2. Bên cạnh đó, PTT đang giữ 45% vốn của Công ty TNHH Khí hóa lỏng Việt Nam. Đây là công ty liên doanh giữa Công ty CP Kinh doanh Khí hóa lỏng miền Nam và PTT.
Mới đây, một dự án năng lượng nữa có sự tham gia của nhà đầu tư Thái Lan là Dự án Tổ hợp Hoá dầu miền Nam cũng đã triển khai ký thoả thuận ứng tiền giải phóng mặt bằng. Dự án được xây dựng tại xã Long Sơn (Vũng Tàu) gồm các nhà đầu tư là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Công ty đầu tư Quốc tế Qata và Tập đoàn SCG của Thái Lan.
Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam có tổng mức đầu tư hơn 4,5 tỉ USD, xây dựng trên diện tích khoảng 400 hecta, với công suất chế biến 2,7 triệu tấn/năm từ nguồn khí Etan trong nước, Propan và Naphatha nhập khẩu, hằng năm sản xuất gần 2 triệu tấn sản phẩm chính là hạt nhựa PE, PP và CVM cho sản xuất nhựa PVC, trong đó nhựa PE và CVM hiện Việt Nam đang phải nhập khẩu toàn bộ.
Đây là một tổ hợp hóa dầu độc lập đầu tiên và lớn nhất Việt Nam cho đến nay, thuộc danh mục các dự án trọng điểm về dầu khí do Ban chỉ đạo Nhà nước các dự án trọng điểm về dầu khí trực tiếp chỉ đạo. Do đó, dự án này đòi hỏi rất cao việc triển khai phải đảm bảo đúng tiến độ để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế đất nước, đảm bảo tiêu chí an toàn vệ sinh môi trường.
Trong khi đó, EGATI cũng tham gia hoạt động ngành năng lượng Việt Nam từ tháng 5/2011, khi doanh nghiệp này cùng với UBND tỉnh Bình Định đi khảo sát 2 địa điểm dự kiến xây dựng nhà máy nhiệt điện than tại Khu kinh tế Nhơn Hội và xã Cát Khánh, huyện Phù Cát.
Mới đây, trong kỳ họp cổ đông, PTT nhận định, một khi Cộng đồng kinh tế chung Asean - AEC được thành lập vào năm 2015, thì giá năng lượng ở tất cả các nước thành viên phải theo giá thị trường, không còn sự trợ cấp của Chính phủ.
Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư của PTT tại Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh của Tập đoàn này. Theo đó, PTT đang rất kỳ vọng doanh thu 6 tháng cuối năm 2013 của PTTEP sẽ tăng nhờ sản lượng khai thác dầu khí tại Lô 16 -1 thuộc khu vực mỏ Tê giác Trắng, Việt Nam; qua đó góp phần giúp lợi nhuận của công ty này dự kiến tăng 24% so với năm 2012.
Các chuyên gia cho rằng, với những nhận định đón đầu thị trường cùng hoạt động đầu tư có hiệu quả tại Việt Nam đã khiến cho các doanh nghiệp năng lượng hàng đầu của Thái Lan không ngần ngại tìm kiếm cơ hội đầu tư hàng tỷ đô vào “miền đất hứa” láng giềng.
PTT là Tập đoàn Dầu khí Thái Lan hoạt động dưới hình thức CTCP có vốn điều lệ 28,6 tỷ Baht, tương đương khoảng 894,7 triệu USD, trong đó Bộ Tài Chính Thái Lan nắm giữ hơn 51% vốn. Tính đến ngày 30/06/2013 tổng tài sản của PTT đạt hơn 1.653,5 tỷ Baht tương đương khoảng 51,8 tỷ USD, lợi nhuận chủ yếu đến từ thăm dò, khai thác chế biến và kinh doanh dầu khí. Hiện PTT nắm giữ 65,29% vốn điều lệ tại PTTEP.
EGATI là công ty sản xuất điện trực thuộc của Cơ quan Điện lực Thái Lan (EGAT). Theo chiến lược đầu tư vừa được EGAT công bố mới đây, thì trong tương lai doanh nghiệp này dự kiến sẽ đầu tư 3 dự án Nhiệt điện tại 3 vùng miền tại Thái Lan.
Theo NangluongVietnam.vn