Quản lý năng lượng ngành giấy
Thứ hai, 29/07/2013 - 09:34
Ngành Giấy là một trong những ngành có tiêu hao năng lượng nhiều nhất, thường chiếm từ 20 đến 40% giá thành sản phẩm.
Ngành Giấy là một trong những ngành có tiêu hao năng lượng nhiều nhất, thường chiếm từ 20 đến 40% giá thành sản phẩm. Trong khi đó tại Việt Nam, suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị sản phẩm tại các doanh nghiệp sản xuất giấy luôn cao hơn từ 1,5 đến 2,5 lần so với sản phẩm cùng loại do các nước trong khu vực sản xuất. Quan tâm đến việc sử dụng hiệu quả năng lượng với các doanh nghiệp này cũng đồng nghĩa với hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay thì đây là một đòi hỏi tất yếu.
Hao phí năng lượng do công nghệ
Theo số liệu tổng hợp từ Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (Hiệp hội Giấy), thực tế trong lĩnh vực sản xuất giấy tại nước ta hiện nay chỉ có 1/3 doanh nghiệp (quy mô vừa, vốn đầu tư nhà nước) sử dụng công nghệ châu Âu, tạm được gọi là hiện đại (nhưng cũng đã tụt hậu về công nghệ, thiết bị so với các nước phát triển đến 10 năm). Số còn lại là các doanh nghiệp nhỏ, sử dụng thiết bị Trung Quốc cũ kỹ, công nghệ tụt hậu vài chục năm, thậm chí đến cả thế kỷ, tiêu hao năng lượng lớn.
Nguyên nhân căn bản của thực tế này được Hiệp hội Giấy đưa ra là do tỷ suất đầu tư của giấy rất cao, giá trị kinh tế cũng như thị trường tại Việt Nam lại quá nhỏ bé nên chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn. Trong lĩnh vực sản xuất giấy tại Việt Nam, bên cạnh các doanh nghiệp quy mô vừa do Nhà nước đầu tư, số còn lại chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân có quy mô, dây chuyền nhỏ bé, công nghệ lạc hậu đầu tư manh mún, thiếu bài bản, khó áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật… Để làm ra sản phẩm, những doanh nghiệp này tiêu thụ năng lượng, nguyên nhiên vật liệu lớn; mặt khác, do chất lượng thiết bị thấp, nên chất lượng sản phẩm làm ra không cao, vì thế sức cạnh tranh thấp.
Mặc dù thời gian gần đây, Nhà nước cũng quan tâm giành kinh phí cho vấn đề này, nhưng số lượng còn rất hạn chế, thiếu cơ chế, hàng rào kỹ thuật bảo hộ cho sản xuất giấy trong nước, nên chưa thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng của các doanh nghiệp.
Theo ông Vũ Ngọc Bảo - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, ngoài nguyên nhân sử dụng thiết bị công nghệ lạc hậu, doanh nghiệp giấy khó tiết kiệm năng lượng là do hạ tầng lưới điện tại nước ta còn nhiều bất cập, chất lượng các sản phẩm tiết kiệm năng lượng chưa được kiểm soát chặt chẽ, gây mất uy tín, khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiết kiệm điện. Ví dụ như để hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, Nhà nước đã có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong việc kiểm toán năng lượng, nhưng sau đó tư vấn tiếp cận vốn ở đâu, hỗ trợ như thế nào để thay đổi công nghệ, thì lại thường rất phức tạp và không hiệu quả, vì thế làm giảm lòng tin của doanh nghiệp…
Tuy nhiên, ông Bảo cũng đưa ra nhận định với ngành Giấy, sản xuất quy mô nhỏ lạc hậu đang có xu hướng giảm dần, do nhu cầu về chất lượng sản phẩm giấy ngày càng cao, giá thành hợp lý.
Áp dụng các biện pháp quản lý năng lượng mang lại hiệu quả lớn
Theo ông Bảo, để giải bài toán sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong sản xuất giấy, các doanh nghiệp, cần tập trung nghiên cứu, đưa ra nhiều sáng kiến, giải pháp kỹ thuật, công nghệ nhằm hạn chế tối đa thất thoát trong việc sử dụng năng lượng. Ông Nguyễn Việt Đức - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) cho biết, Tổng công ty luôn xác định sử dụng năng lượng hiệu quả là việc làm quan trọng, cần thực hiện lâu dài và phải được phổ biến, tuyên truyền tới từng cán bộ, công nhân viên, từ đó nâng cao ý thức tự giác tiết kiệm sử dụng năng lượng. Chính vì vậy, Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất thay thế dần các thiết bị cũ, kém hiệu quả; không vận hành trong tình trạng non tải; giảm thiểu mất nhiệt bằng cách bảo ôn đường ống; sử dụng lò đốt đa năng, tận dụng nhiệt của các chất rác thải công nghiệp; cải thiện chế độ công nghệ, quy trình vận hành, bảo dưỡng máy móc, thiết bị để nâng cao hiệu suất... Vinapaco cũng đưa ra các biện pháp giảm tiêu thụ điện, như: Bố trí mặt bằng nhà xưởng hợp lý, giảm tối đa cự ly tải điện; chọn lựa thiết bị có hiệu suất cao; sử dụng hiệu quả hệ thống chiếu sáng, hệ thống nén; hạn chế chạy máy không tải; tắt các thiết bị khi không cần thiết; vệ sinh, bảo dưỡng định kỳ lò hơi, hệ thống hơi, xử lý chống cáu cặn; sử dụng động cơ có công suất phù hợp cho từng thiết bị; xây dựng chế độ vận hành phù hợp nhằm giảm phụ tải giờ cao điểm… Nhờ triệt để áp dụng các giải pháp về kỹ thuật, trong năm 2012, tổng năng lượng tiêu thụ của Tổng công ty Giấy Việt Nam chỉ còn xấp xỉ khoảng 79.234 TOE. Trước đó, năm 2011, con số này khoảng 83.871 TOE.
Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ bé và thiết bị cũ kỹ thì việc ứng dụng những giải pháp kỹ thuật tiết kiệm năng lượng vào sản xuất sẽ gặp khó khăn và cần nhiều quyết tâm hơn, vì vậy, lộ trình thay thế dần thiết bị là cần thiết. Theo TS Đặng Văn Sơn – Giám đốc Công ty TNHH Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô thì các doanh nghiệp này vẫn cần quyết tâm theo đuổi đến cùng mục tiêu tiết kiệm năng lượng. Việc đầu tiên cần làm là kiểm tra, hoàn thiện, hợp lý hóa hệ thống điện của cơ sở để giảm thất thoát, ít tổn hao; có kế hoạch để từng bước thay đổi công nghệ, hợp lý hóa công đoạn. Ông Sơn cho rằng đầu tiên, các đơn vị cần phải làm kiểm toán năng lượng, các hệ thống nguyên liệu, hơi nước, làm sao giảm đến mức không còn những tiêu hao năng lượng. Việc sử dụng các biến tần vào sản xuất cũng được ông Sơn đưa ra như là một giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả đối với ngành Giấy trong bối cảnh hiện nay…
Thuý Vinh