Công trình thân thiện môi trường được ưu đãi hệ số sử dụng đất
Thứ sáu, 19/07/2013 - 14:06
Hiện nay, khi xây dựng các tòa cao ốc, chung cư, nhiều chủ đầu tư đã chủ động kết hợp thiết kế xây dựng và kiến trúc nhằm tiết kiệm năng lượng, tạo ra những công trình xanh, thân thiện với môi trường.
Hiện nay, khi xây dựng các tòa cao ốc, chung cư, nhiều chủ đầu tư đã chủ động kết hợp thiết kế xây dựng và kiến trúc nhằm tiết kiệm năng lượng, tạo ra những công trình xanh, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, theo đánh giá của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM, các tòa nhà xanh này được xây dựng xuất phát chủ yếu từ sự tự nguyện chứ chưa phải theo quy chuẩn xây dựng.
Còn rất nhiều công trình xây dựng chưa được chủ đầu tư quan tâm đến các giải pháp tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường là do thiếu vốn, thiếu thông tin, thiếu sự quan tâm cũng như chi phí đầu tư còn cao so với công trình thông thường… Để hướng đến việc phát triển các công trình xanh, sắp tới, TPHCM sẽ có quy định ưu đãi về hệ số sử dụng đất đối với các công trình thân thiện với môi trường.
Tiềm năng tiết kiệm năng lượng lớn
Theo số liệu nghiên cứu của hội ngành nghề về xây dựng, tổng năng lượng tiêu thụ cho các công trình xây dựng đã chiếm 40% - 70% tổng năng lượng cung cấp cho đô thị. Cụ thể, từ thiết kế, thi công, khai thác sử dụng công trình đến sản xuất vật liệu xây dựng đều cần tiêu thụ năng lượng. Hiện mỗi năm TPHCM xây mới khoảng 3,5 triệu m², do đó nhu cầu về năng lượng trong các tòa nhà cao tầng cũng rất lớn. Mỗi năm, TPHCM trích 14% - 15% GDP dành cho nhu cầu về năng lượng, chi gần 13.000 tỷ đồng cho việc tiêu thụ năng lượng. Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM cho biết, tiềm năng tiết kiệm năng lượng tại các tòa nhà ở TPHCM khoảng 10% - 40%. Vì thế, nếu sử dụng năng lượng trong các tòa nhà kém hiệu quả thì không chỉ tốn kém chi phí điện năng mà còn gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Trồng cây xanh làm giảm nhiệt độ cũng là một biện pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả cho các tòa nhà. Ảnh: HUY ANH
Hiện nay, khi xây dựng các cao ốc, chung cư, nhiều chủ đầu tư cũng đã quan tâm đến tiết kiệm năng lượng nhưng vẫn chưa nhiều mà chủ yếu là sự tự nguyện và lợi ích của các chủ đầu tư chứ chưa phải thực hiện theo quy chuẩn xây dựng. Trong khi thực tế cho thấy các công trình được áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng mang lại hiệu quả lớn hơn nhiều so với vốn đầu tư mà chủ đầu tư bỏ ra. Tại TPHCM, nhiều tòa nhà như các khách sạn: Majestic, Continental, Grand, Palace, Rex… đã áp dụng biện pháp tiết kiệm năng lượng bằng cách lắp đặt biến tần cho các động cơ bơm hay tận dụng ánh sáng tự nhiên, tiết kiệm được khoảng 15% - 40% điện năng tiêu thụ mỗi năm. Chính vì thế, theo các chuyên gia xây dựng, để có thể tiết kiệm năng lượng, ngay trong khâu thiết kế công trình, các chủ đầu tư nên quan tâm đến khả năng khai thác, tận dụng điều kiện tự nhiên, môi trường để tiết kiệm năng lượng trong quá trình thi công, tận dụng tối đa điều kiện khí hậu thiên nhiên và cảnh quan tự nhiên, nhất là phát huy sự thông gió tự nhiên và tận dụng ánh sáng tự nhiên. Nên ưu tiên sử dụng vật liệu xây dựng phù hợp với khí hậu nhiệt đới và thân thiện với môi trường như gạch không nung, vừa đỡ tốn kém nhiên liệu nung, vừa giảm khí thải và ô nhiễm nhiệt. Trong điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, nếu vật liệu xây dựng không đảm bảo tốt các yếu tố cách nhiệt, chống thấm… thì trong quá trình vận hành các công trình xây dựng sẽ phải sử dụng thiết bị các thiết bị điều hòa, gây tốn thêm nhiều năng lượng. Bên cạnh đó, sử dụng cây xanh để làm giảm nhiệt độ và làm sạch không khí đối với công trình xây dựng cũng là một biện pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả.
Việc tiết kiệm năng lượng và sử dụng nguồn năng lượng hiệu quả trong các tòa nhà không chỉ góp phần làm giảm chi phí cho chủ đầu tư mà còn giúp cho sự phát triển của đất nước ổn định, bền vững, đảm bảo nguồn cung năng lượng và bảo vệ môi trường. Chính vì thế, bên cạnh việc khuyến khích các công trình tiết kiệm năng lượng, nhiều ý kiến cho rằng cần có quy định chế tài, xử phạt các công trình thiết kế không đảm bảo yêu cầu tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường.
Được tăng diện tích xây dựng
Mới đây, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM đã trình UBND TPHCM dự thảo về Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc chung TPHCM, trong đó có nội dung đáng lưu ý quy định sẽ ưu đãi hệ số sử dụng đất cho các công trình kiến trúc thân thiện với môi trường. Dự thảo quy định rõ: Công trình thiết kế thân thiện môi trường, tức công trình có các giải pháp khả thi về quy hoạch, kiến trúc và kỹ thuật hạ tầng nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, tiết kiệm năng lượng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cụ thể, mỗi trường hợp sẽ được quy định rõ về ưu đãi hệ số sử dụng đất. Chẳng hạn như tòa nhà X theo quy hoạch được duyệt có hệ số sử dụng đất là 10 (tức diện tích sàn xây dựng 1.000m² diện tích sàn/100m² đất), nếu tòa nhà này đáp ứng các tiêu chí về thân thiện với môi trường thì hệ số sử dụng đất sẽ được nâng lên 11 (1.100m² sàn/100m² đất). Trường hợp tòa nhà X vừa đáp ứng yêu cầu về thân thiện với môi trường, vừa có không gian mở cho cộng đồng, có kết nối với giao thông công cộng, đảm bảo việc bảo tồn di sản cảnh quan, và là công trình chỉnh trang đô thị thì hệ số sử dụng đất của công trình này sẽ được tăng diện tích sử dụng đất lên 16, tức được phép tăng diện tích xây dựng lên 1.600m² sàn/100m² đất. Tuy nhiên, dự thảo quy định ưu đãi hệ số sử dụng đất nêu trên chỉ áp dụng cho các công trình cao trên 9 tầng tại các trung tâm khu vực của thành phố như: các khu trung tâm cấp quận - huyện, các trục đường thương mại dịch vụ có lộ giới trên 30m, các công trình trong bán kính 400m so với tâm nhà ga Metro... Còn đối với Khu đô thị Phú Mỹ Hưng và khu trung tâm hiện hữu 930ha thì áp dụng theo quy định hiện hành riêng. Theo dự thảo quy chế này, các nội dung đề nghị ưu đãi hệ số sử dụng đất phải thể hiện rõ trong các hồ sơ bản vẽ xin cấp phép xây dựng, giấy phép quy hoạch hoặc quy hoạch chi tiết, bản vẽ tổng mặt bằng và phương án kiến trúc công trình cùng với thuyết minh giải pháp thiết kế. Bên cạnh đó, mọi trường hợp ưu đãi hệ số sử dụng đất đều phải có ý kiến của Hội đồng kiến trúc quy hoạch TP.
Theo SGGP