[In trang]
Tiết kiệm hàng trăm triệu đồng từ hoạt động tiết kiệm điện
Thứ năm, 04/07/2013 - 06:27
Thiết kế nhà xưởng thông thoáng, thay đổi ca kíp hợp lý, ngừng sản xuất vào giờ cao điểm… - những giải pháp này đã giúp Doanh nghiệp tư nhân Thương mại và sản xuất bao bì Mai Thành tiết kiệm hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Thiết kế nhà xưởng thông thoáng, thay đổi ca kíp hợp lý, ngừng sản xuất vào giờ cao điểm… - những giải pháp này đã giúp Doanh nghiệp tư nhân Thương mại và sản xuất bao bì Mai Thành (đóng tại km10, Quốc lộ 14, xã Hòa Khánh, TP Buôn Ma Thuột) tiết kiệm hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

1e7301bf3_13.07.02maithanh.gif

Ông Nguyễn Hữu Hoàng Đông - Giám đốc doanh nghiệp kiểm tra dây chuyền sản xuất bao bì

Từ sự giới thiệu của Điện lực Nam Buôn Ma Thuột, chúng tôi tìm đến doanh nghiệp Mai Thành vào một buổi trưa. Nghe tiếng là doanh nghiệp uy tín, đang làm ăn có lãi, nhưng khi vào nhà xưởng, chứng kiến cảnh máy móc nằm im lìm, không hoạt động, công nhân chỉ có vài người túc trực, làm hóa đơn xuất hàng khiến chúng tôi không khỏi nghi ngại. Như đoán ra suy nghĩ của khách, ông Nguyễn Hữu Hoàng Đông – Giám đốc doanh nghiệp giải bày: “Đang là giờ cao điểm, doanh nghiệp cho công nhân nghỉ giao ca để tiết kiệm điện anh ạ!”. Nói rồi ông dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng quanh nhà xưởng.

Ông Đông giới thiệu: Doanh nghiệp có 1 nhà xưởng quy mô 1.000m2, với 8 máy dệt, 1 máy chỉ, 1 máy cắt và 1 máy may chuyên sản xuất bao bì đóng nông sản, cung ứng cho địa bàn tỉnh; mỗi ngày nấu hết 1,2 tấn nguyên liệu hạt nhựa, và sản xuất ra khoảng 8 nghìn chiếc bì bao bì thành phẩm. Trước đây, doanh nghiệp cho công nhân sản xuất cả ngày, đêm, mỗi tháng tốn khoảng 50 triệu đồng tiền điện. Ban đầu, công ty cũng không mấy quan tâm đến lượng điện tiêu thụ, nhưng từ khi nền kinh tế lâm vào khó khăn, lại có chương trình kêu gọi tiết kiệm điện trong sản xuất, công ty đã hưởng ứng tham gia, và bắt đầu nghiên cứu thay đổi giờ làm. Thay vì lịch làm việc như trước đây, vào các giờ cao điểm về sử dụng điện (từ 17 giờ đến 20 giờ và từ 9 giờ đến 11 giờ), doanh nghiệp cho công nhân nghỉ giao ca, toàn bộ máy móc đều tắt hết. Sau vài tháng áp dụng, doanh nghiệp nhận thấy hóa đơn thanh toán tiền điện giảm xuống rõ rệt, chỉ còn 35-40 triệu đồng/tháng, tức là tiết kiệm được 10-15 triệu đồng. Từ hiệu quả này, doanh nghiệp đã quyết định thay đổi lịch làm việc. 

Ông Đông cho biết: Từ khi áp dụng lịch làm việc mới, thời gian để máy móc nghỉ, bảo dưỡng được thường xuyên hơn, công nhân có thời gian nghỉ nhiều hơn nên hiệu quả làm việc, năng suất đều tăng. Khoản tiền điện tiết kiệm được, doanh nghiệp đã trích ra 70% trả thêm tiền bồi dưỡng, tăng tiền phụ cấp cho công nhân, giúp đời sống của công nhân được nâng lên rất nhiều. Không chỉ gây bất ngờ về việc cho máy móc “nằm nghỉ”, vào nhà máy chúng tôi còn ngạc nhiên khi trong nhà xưởng rất ít bóng điện, và đặc biệt không có quạt máy công nghiệp. Chúng tôi thắc mắc: Không đủ ánh sáng, không có quạt, liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe của công nhân. Ông Đông mỉm cười rồi chỉ tay lên mái tôn nhà xưởng nói, tất cả đã được chúng tôi tính toán: Nhà xưởng thay vì lợp một lớp tôn thì đã được thiết kế lợp 2 lớp, vừa có tác dụng chống nóng, lại vừa chống ồn. Mái tôn được thiết kế di động, nếu tối, hoặc nóng quá thì lập tức cho mở ra. Quay sang một công nhân đang đứng cạnh, chúng tôi hỏi: “Anh có thấy nóng bức và thiếu ánh sáng khi làm việc trong nhà xưởng không?” và nhận được một câu trả lời: “Không gì bằng ánh sáng và gió tự nhiên đâu các anh ạ!”. 

Đi cùng chúng tôi, đại diện của Điện lực Nam Buôn Ma Thuột không khỏi tấm tắc khen về mô hình tiết kiệm điện của doanh nghiệp và còn thêm vào: “Năm nay, một suất khen thưởng về tiết kiệm điện chắc khó thoát khỏi Mai Thành rồi!”.

Theo Báo Đắk Lắk