[In trang]
Các chủ tàu cá giảm chi phí chiếu sáng bằng công nghệ đèn LEDY
Thứ ba, 25/06/2013 - 11:06
Một nhóm các nhà khoa học đã nghiên cứu và phát triển đèn LEDY tiết kiệm năng lượng nhằm giảm chi phí chiếu sáng cho các tàu cá.
Cùng với các hỗ trợ về vốn liếng, ngư cụ và hậu cần cho các tàu cá xa bờ trong phong trào “Giúp ngư dân bám biển", một nhóm các nhà khoa học đã nghiên cứu và phát triển đèn LEDY tiết kiệm năng lượng nhằm giảm chi phí chiếu sáng cho các tàu cá.

Ông Trần Thanh Ca, chủ một tàu cá ở Vũng Tàu, cho biết đã đổi mới hệ thống đèn chiếu sáng để đánh cá. Thay vì dùng bóng đèn Siu (công nghệ Halogen kim loại), ông đã sử dụng bộ 12 đèn LEDY (dùng công nghệ LED). Ông cho biết: ”Giờ làm ăn khó khăn, giá xăng dầu lên xuống thất thường, nên chúng tôi phải tính từng đồng”.

Với loại đèn mới, tàu đánh cá của ông Ca thay vì mỗi chuyến đi khơi xa trong vòng 20 ngày phải tiêu tốn 1.200 lít dầu chạy máy phát điện thì chỉ còn tiêu tốn độ 400 lít dầu. Nếu tính thành tiền, thay vì mất khoảng 25 triệu đồng/chuyến, nay chỉ còn khoảng 8 triệu đồng/chuyến. Đó là chưa kể đến việc, do tàu đánh cá dùng đèn tiêu thụ ít điện năng hơn nên ngư dân cũng đỡ nóng nực khi kéo lưới bắt cá.

14ca945bc_ledygiupchutauca.jpg

Một tàu cá được đầu tư lắp đặt giàn đèn LEDY

Nghe tin ông Ca thay giàn đèn hiệu quả hơn cho việc đánh bắt cá xa bờ, các chủ tàu cá ở Vũng Tàu và nhiều nơi khác cũng quan tâm. Chủ tàu Trần Văn Giang ở Nha Trang cũng đầu tư từng bước, lắp đặt giàn đèn LEDY. Và một số chủ tàu khác cũng đã làm như vậy. Họ biết rằng dùng giàn đèn chiếu sáng này thì có thể tăng lợi nhuận cho mỗi chuyến đánh cá. Tính cả năm, mỗi tàu đánh cá có thể tiết kiệm đến 300-400 triệu đồng tùy vào công suất chiếu sáng.

Tiền xăng dầu đối với ngư dân đánh cá xa bờ ở Việt Nam là cả một vấn đề. Nhất là khi trên biển họ dùng máy phát điện thắp sáng đèn đánh cá với giá điện quy đổi tương đương 7.000 đồng/kWh, đắt gấp 4 lần giá điện công nghiệp trên đất liền. Tiết giảm được chi phí này sẽ tăng sức cạnh tranh một cách đáng kể cho họ.

Số tàu cá đánh bắt xa bờ ở Việt Nam, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện vào khoảng 128.000 chiếc. Vì thế, những chiếc bóng đèn sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng này là cần thiết. Đây là sản phẩm do Công ty Cổ phần Ứng dụng Công nghệ Plasma (APT) nghiên cứu và phát triển. Công ty có vốn đầu tư 100% của người trong nước với sự góp mặt của một nhóm các nhà khoa học Việt Nam từng học tập và làm việc nhiều năm tại Mỹ.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc APT, cho biết: ”Chúng tôi đang tích cực đưa LEDY vào phục vụ ngư dân ngày đêm bám biển. Ban đầu các chủ tàu chỉ mua khoảng vài bóng đèn để thử đo lường việc tiết kiệm điện. Nhưng sau khi dùng thấy ổn nên họ đã thay cả giàn đèn”.

Để sản xuất được loại đèn bền, rẻ và tiết kiệm năng lượng cho ngư dân, nhóm nghiên cứu đã sử dụng công nghệ LED. Theo ông Dũng, bóng đèn LEDY có độ rọi vượt hẳn đèn Siu, trong khi lượng dầu tiêu thụ chỉ chừng 1/3. Máy móc sản xuất đèn LEDY phần lớn xuất xứ từ Mỹ, còn linh kiện được mua từ các hãng Mỹ, Nhật, Đài Loan.

Ngoài việc được dùng trên ngư trường, đèn LEDY còn có thể được sử dung trong gia đình, sản xuất... Sử dụng đèn LEDY, theo ông Dũng, có thể giúp doanh nghiệp giảm chi phí hóa đơn tiền điện từ 100 triệu đồng/tháng xuống còn 25 triệu đồng.

Khi được hỏi vì sao sử dụng công nghệ của Mỹ, linh kiện lấy từ các hãng nổi tiếng lại sản xuất ra sản phẩm rẻ hơn cả sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, ông Dũng đã trả lời: ”Thiết kế kỹ thuật cũng như một tác phẩm nghệ thuật. Vẻ đẹp của thiết kế kỹ thuật là ở chỗ, khi có đủ kiến thức và làm chủ được kỹ thuật, bạn có thể tạo ra những sản phẩm vượt trội với chi phí thấp”.

Hiện nay, các sản phẩm của APT được bảo hành 2 năm. Tuy nhiên, ông Dũng cho biết APT đang nỗ lực để tăng thời gian bảo hành sản phẩm lên 5 năm.

Ngoài ra, để người mua có thể tiếp cận sản phẩm, APT đang làm việc với một số ngân hàng và công ty cho thuê tài chính về việc cho người mua đèn vay vốn. Theo ông Dũng, đã có một vài ngân hàng và công ty cho thuê tài chính quan tâm đến việc này.

Theo Nhipcaudautu.vn