Chiến dịch Giờ Trái đất 2013: Không chỉ tắt điện1 giờ
Thứ ba, 11/06/2013 - 13:37
Một trong những hoạt động “biểu tượng” trong chiến dịch Giờ Trái đất 2013 được nhiều người mong đợi nhất là nghi thức tắt đèn diễn ra từ 20h30 đến 21h30 ngày 23/3/2013 tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám (Hà Nội).
Một trong những hoạt động “biểu tượng” trong chiến dịch Giờ Trái đất 2013 được nhiều người mong đợi nhất là nghi thức tắt đèn diễn ra từ 20h30 đến 21h30 ngày 23/3/2013 tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám (Hà Nội). Sự kiện này do Bộ Công Thương chủ trì tổ chức.
Với hoạt động tắt đèn 1 giờ hưởng ứng Giờ Trái đất, Bộ Công Thương mong muốn khẳng định cam kết của Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả - đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang với phóng viên Bản tin TKNL qua Chiến dịch Giờ Trái đất 2013.
Thưa Thứ trưởng, năm 2013 là năm thứ 5 Việt Nam tham gia hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất, xin Thứ trưởng cho biết kế hoạch hành động cũng như mục tiêu của Chiến dịch lần này?
Thứ trưởng Lê Dương Quang: Đây là năm thứ 5 Việt Nam tham gia hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất và là năm thứ 2 Bộ Công Thương chủ trì Chiến dịch Giờ Trái đất tại Việt Nam. Với kinh nghiệm tổ chức các sự kiện về tiết kiệm năng lượng, ngay từ năm đầu tiên được giao tổ chức (năm 2012), chúng tôi đã triển khai rất thành công trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là nghi lễ chính thức tại Hà Nội. Năm 2013 là năm tiếp theo được tổ chức tại Hà Nội và mọi công việc đều được chuẩn bị chi tiết và kỹ lưỡng.
Với mục tiêu tạo chuyển biến lớn trong hành động và nhận thức của cộng đồng đối với việc ứng phó với biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng, ngay từ năm 2013, Bộ Công Thương đã có công văn chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Các Tập đoàn kinh tế; Các Tổng công ty nhà nước; Các cơ quan, đơn vị trực thuộc ngành Công Thương về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất.
Bộ Công Thương đã yêu cầu các sở Công Thương, các tỉnh, thành phố đăng ký tham gia Chiến dịch giờ Trái đất trong việc quảng bá sự kiện này tới cộng đồng. Đẩy mạnh công tác truyền thông, treo băng rôn, khẩu hiệu trên các tuyến phố; Xây dựng kịch bản cho ngày diễn ra sự kiện… Trong Chiến dịch Giờ Trái đất năm nay, chúng tôi cũng mời Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam - ông John Nielsen, Hoa hậu Thân thiện Dương Thùy Linh, ca sỹ Tùng Dương và ca sỹ Bảo Trâm làm Đại sứ cho Chiến dịch.
Chúng tôi hy vọng rằng, thông điệp “Tôi và bạn hãy cùng hành động” của Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2013 hướng tới từng cá nhân trong cộng đồng, sẽ biến những cam kết tốt đẹp và đầy tham vọng thành những hành động cụ thể, có thể thực hiện ngay và thực hiện hàng ngày trong cả năm 2013. Đó là mục tiêu lớn nhất của Chiến dịch.
Thưa Thứ trưởng, Chiến dịch Giờ Trái đất 2013 có gì khác so với các năm trước đây? Và sẽ có hoạt động nào có thể tác động mạnh trực tiếp tới người dân?
Thứ trưởng Lê Dương Quang: Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2013 được thiết kế với hàng loạt các hoạt động truyền thông cộng đồng. Một trong những điểm mới, nổi bật của năm nay là cuộc thi làm phim ngắn hưởng ứng Giờ Trái đất trên phạm vi toàn quốc được phát động từ ngày 5/2. Cuộc thi khuyến khích các cá nhân, tập thể sáng tạo sản phẩm nghệ thuật, phản ánh những suy nghĩ và hành động có liên quan đến tiết kiệm năng lượng và chống biến đổi khí hậu. 39 phim đã được ban tổ chức lựa chọn công chiếu và bình chọn công khai vào tháng 3/2013.
Năm 2009, lần đầu tiên tham gia
Giờ Trái đất, Việt Nam tiết kiệm được 140 nghìn kWh. Năm 2010: Chiến dịch tiết kiệm
được 500 nghìn kWh. Năm 2011: Chiến dịch có sự tham
gia của 30 tỉnh, thành phố trong cả nước. Chiến dịch tiết kiệm khoảng 400.000
kWh điện. Năm 2012: Chiến dịch Giờ
Trái đất đã được 48 tỉnh, thành phố tham dự. Chiến dịch đã tiết kiệm được
546.000 kWh. |
Năm nay còn một hoạt động mới rất sáng tạo là “cây vân tay” sẽ được di chuyển tới tất cả hoạt động trong Chiến dịch nhằm thu thập dấu vân tay của mọi cá nhân, tập thể tham gia. Mỗi dấu vân tay sẽ là một lời cam kết đồng hành cũng như thể hiện trách nhiệm của mình đối với xã hội và những người xung quanh.
Ngoài ra, các chương trình “Chuyển động xanh”, đạp xe hưởng ứng Giờ Trái đất, vận động mọi người tắt máy xe khi dừng đèn đỏ trên 20 giây, vận động mọi người sử dụng bóng đèn compact tiết kiện điện. Bên cạnh đó, các hoạt động như xây dựng “Mái nhà sinh thái” (lợp mái nhà cho mái ấm, nhà tình thương bằng tôn tái chế) và “Mảng xanh trường học” (giáo dục ý thức xanh cho học sinh các trường tiểu học, trung học) cũng được đặc biệt chú trọng… để xây dựng thói quen của cộng đồng đối với ứng phó với biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng.
Chiến dịch Giờ Trái đất 2013 nhấn mạnh hơn vào hành động “Không chỉ tắt điện 1 giờ”. Thông điệp còn mong muốn cộng đồng phát huy hơn nữa sự sáng tạo của mình trong việc thay đổi thói quen trong cuộc sống để bảo vệ môi trường, mặt khác vận động được cộng đồng, nhất là giới trẻ hưởng ứng những giải pháp sống thân thiện với môi trường.
Qua 4 năm hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất, nhận thức và hành động của cộng đồng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để Chiến dịch Giờ Trái đất không chỉ dừng lại trong thời gian 01 giờ, mà phải trở thành hành động mang tính hiệu quả, bền vững, chúng ta cần phải làm gì, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Lê Dương Quang: Như tôi đã nói trên, càng ngày nhận thức của cộng đồng về tiết kiệm năng lượng nói chung, về biến đổi khí hậu nói riêng càng tốt hơn. Càng ngày càng có nhiều đối tượng quan tâm và hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất, điều đó là nhờ chúng ta đã làm tốt công tác truyền thông.
Để Chiến dịch Giờ Trái đất không chỉ dừng lại trong thời gian 01 giờ, mà phải trở thành hành động mang tính hiệu quả, bền vững, theo tôi, bên cạnh những chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ của các địa phương, đơn vị thì công tác truyền thông vẫn phải được duy trì và đẩy mạnh bằng nhiều hình thức.
Bài học về truyền thông không chỉ đúng trong lĩnh vực này, mà thực tế nó đã thành công trong nhiều lĩnh vực khác. Vai trò của truyền thông là rất quan trọng và do đó, Bộ Công Thương, Tổng cục Năng lượng cũng đã có kế hoạch để tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, nhằm đẩy mạnh chương trình tiết kiệm năng lượng nói chung và Chiến dịch Giờ Trái Đất nói riêng sao cho hiệu quả và bền vững.
Chiến dịch Giờ Trái Đất đã nhận được hàng ngàn cam kết, cũng như thách thức từ các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trên toàn thế giới, vậy Bộ Công Thương có cam kết hay thách thức gì trước Chiến dịch này?
Thứ trưởng Lê Dương Quang: Trong những năm qua, chương trình Giờ Trái Đất đã tạo nên ra một hoạt động xã hội hóa rộng khắp về ứng phó với biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng. Bây giờ là lúc chúng ta biến nhận thức đó của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân thành những hành động thiết thực để bảo vệ môi trường sống và xây dựng một nền kinh tế phát triển xanh và bền vững.
Thông qua Chiến dịch Giờ Trái đất, mỗi năm Việt Nam đã tiết kiệm được hàng trăm KWh điện năng. Cụ thể, gần đây nhất, năm 2011, Chiến dịch tiết kiệm khoảng 400.000 kWh điện, năm 2012 là 540.000 kWh điện. Đây chỉ là những con số tiết kiệm trong một giờ tắt đèn, hiệu quả mang lại trong cả một năm của Chiến dịch còn lớn hơn nhiều.
Việc Bộ Công Thương đăng cai chủ trì Chiến dịch Giờ Trái đất hàng năm cho thấy cam kết đồng thời là quyết tâm của Chỉnh phủ Việt Nam nói chung, Bộ Công Thương nói riêng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và Tiết kiệm năng lượng. Không chỉ cam kết hưởng ứng Chiến dịch trong 1 giờ, Bộ Công Thương đã và đang triển khai mạnh mẽ hàng loạt hoạt động thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả tại Việt Nam.
Kể từ khi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2011, Bộ Công Thương đã triển khai rất nhiều hình thức, nhiều biện pháp để đưa Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào cuộc sống. Đây chính là văn bản pháp lý cao nhất giúp triển khai có hiệu quả hoạt động TKNL tới tất cả các đối tượng sử dụng năng lượng trên phạm vi toàn quốc. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đang đẩy mạnh các chương trình dán nhãn năng lượng, thúc đẩy sử dụng thiết bị hiệu suất cao trong công nghiệp và tiêu dùng. Các chương trình này là những thông điệp rõ ràng nhất của Nhà nước đối với việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cũng như việc bảo vệ tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hồ Nga – Lê Hằng