Tiết kiệm điện - Nhận thức và hành động
Thứ tư, 27/03/2013 - 12:27
Theo thống kê từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (Tập đoàn Điện lực Việt Nam-EVN), trong 60 phút tắt đèn của Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2013 công suất của hệ thống điện giảm được 401MW, điện năng tiết kiệm được là 401.000kWh, tương ứng với 576 triệu đồng.
Theo thống kê từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (Tập đoàn Điện lực Việt Nam-EVN), trong 60 phút tắt đèn của Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2013 (từ 20 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút ngày 23-3), công suất của hệ thống điện giảm được 401MW, điện năng tiết kiệm được là 401.000kWh, tương ứng với 576 triệu đồng. Như vậy, con số này thấp hơn nhiều so với kỳ vọng (ban tổ chức kỳ vọng sẽ tiết kiệm được 700MW, tăng khoảng 21,5% so với Giờ Trái đất năm 2012). Không những thế, so với sự kiện Giờ Trái đất năm 2012 thì lượng điện năng tiết kiệm được của Giờ Trái đất năm 2013 còn giảm đi 30%. Trong khi đó, theo ban tổ chức, năm 2012 chỉ có 48 tỉnh, thành phố chính thức hưởng ứng chương trình. Còn năm nay, số tỉnh hưởng ứng chương trình lên tới 63 tỉnh, thành phố.
Năm nay là lần thứ 5 chương trình Giờ Trái đất được tổ chức tại Việt Nam. Qua 4 lần trước đây, công suất điện tiết kiệm được qua một "Giờ Trái đất" có xu hướng "một năm tăng, một năm giảm" (năm 2009-năm đầu tiên là 140MW, năm 2010 là 500MW, năm 2011 là 400MW, năm 2012 là 546MW, năm 2013 là 401MW). Những con số kể trên khiến ta phải suy nghĩ.
Vấn đề tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng nhằm bảo vệ môi trường đang trở thành vấn đề sống còn đối với Trái đất, với cuộc sống con người. Hoạt động sản xuất năng lượng luôn song hành với hoạt động tác động vào thiên nhiên (khai thác đá, hút dầu mỏ, làm thủy điện, thải khí CO2...). Càng tiêu thụ nhiều năng lượng thì con người càng phải tác động nhiều vào thiên nhiên, sẽ làm thay đổi, cạn kiệt thiên nhiên, biến đổi khí hậu, nhiệt độ Trái đất nóng lên, tan băng ở các cực của địa cầu làm nước biển dâng.
Theo dự báo của các cơ quan nghiên cứu, Việt Nam sẽ là một trong hai quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng. Vì vậy, vấn đề bảo vệ thiên nhiên, chống biến đổi khí hậu là vấn đề quan trọng với cả thế giới và đặc biệt sống còn với Việt Nam. Không chỉ thế, nguồn tài nguyên năng lượng của đất nước ta có hạn, dân số của nước ta lại đông. Với tốc độ phát triển, tình hình tiêu xài năng lượng hoang phí như hiện nay thì chỉ vài chục năm nữa, nguy cơ cạn kiệt năng lượng sẽ trở thành hiện thực, phải nhập khẩu năng lượng với giá đắt đỏ.
Vậy mỗi người chúng ta cần luôn tự vấn rằng: Chúng ta đã làm được những gì trong một cuộc chiến nhằm bảo vệ sự sống của chính chúng ta?
Như thông điệp của Giờ Trái đất năm 2013: "Tôi và bạn hãy cùng hành động", điều quan trọng nhất là nhận thức phải được hiện thực hóa bằng hành động cụ thể, quyết liệt, bền bỉ. Các địa phương nên đẩy mạnh tuyên truyền đến từng người dân. Các cơ quan, doanh nghiệp cần luôn tìm các giải pháp để thực hiện tốt chỉ tiêu tiết kiệm điện, để lượng điện tiết kiệm được của năm sau nhiều hơn năm trước.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, năm 2012, cả nước đã tiết kiệm được 1,67 tỷ kWh điện (bằng 1,5 % điện thương phẩm cả nước). Năm 2013, mục tiêu đặt ra là cả nước tiết kiệm được hơn 2 tỷ kWh điện. Muốn đạt được con số ấy, rõ ràng phải có hành động chung của cả xã hội.
Theo QDND