[In trang]
Kỹ sư Việt chế tạo "tàu buýt" năng lượng mặt trời
Thứ hai, 04/03/2013 - 10:06
Đó là sản phẩm công nghệ mới nhất của nhóm nghiên cứu thuộc Bộ môn Kỹ thuật Tàu thủy, Khoa Kỹ thuật Giao thông, trường Đại học Bách khoa TP.HCM.
Đó là sản phẩm công nghệ mới nhất của nhóm nghiên cứu thuộc Bộ môn Kỹ thuật Tàu thủy, Khoa Kỹ thuật Giao thông, trường Đại học Bách khoa TP.HCM. 

97a869d86_taubuytmau.jpg
 “Tàu buýt” năng lượng mặt trời không có khí thải.

Sản phẩm là một mô hình có thể ứng dụng cho các loại tàu thuyền du lịch, buýt nước. Chiều dài tàu 0,9m, chiều rộng 0,35m, chiều chìm 0,05m. Trọng lượng toàn tải 8kg, tốc độ tàu 7km/h. Đây là mô hình thu nhỏ của tàu thực, nhóm đã tính cho một tàu thực dài 8m thì tốc độ tàu chạy sẽ là 10 - 15km/h. 

KS Trần Hải, giáo viên hướng dẫn nghiên cứu đề tài cho biết: Chế tạo một con tàu thực dễ hơn làm mô hình. Nó không có một khuôn mẫu hay một thông số chính xác nào. Do đó, nhóm nghiên cứu phải dùng chong chóng chân vịt của một thiết bị khác để lắp đặt. 

Trong đó, khâu chế tạo bộ sạc (điện vào) chiếm nhiều thời gian nhất. Vì về nguyên tắc chỉ nạp được năng lượng ở thời điểm nắng to nhất từ 11 giờ trưa đến 1 giờ chiều. Nhưng  nhóm nghiên cứu chế bộ sạc đến 7 giờ/ngày, sạc được trong mọi điều kiện, miễn là có nắng.

Ngoài ra, với hệ thống tích trữ năng lượng, bộ sạc của tàu hoàn toàn tự động, chạy được 2 - 3 ngày liên tiếp khi thời tiết không có nắng. 

Khi nghiên cứu thiết kế sản phẩm này nhóm nghiên cứu cũng đã tính tới khí hậu thiên nhiên tại nước ta nhất là khí hậu của miền Nam, có tới 300 ngày nắng thuận lợi cho ta tích tụ năng lượng chạy tàu. Đặc điểm tàu du lịch, hay tàu buýt cần có mái che. Vì thế, nhóm nghiên cứu đã thiết kế một tấm pin mặt trời đặt phía trên tàu để có thể vừa tận dụng được ánh sáng mặt trời vừa làm mái che . 

PGS.TS Nguyễn Đức Ân, nguyên Vụ phó Vụ Kỹ thuật, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng: Một trong những ưu thế của sản phẩm này là tận dụng năng lượng mặt trời nên không có khí thải cũng như dầu mỡ loang trên sông. Sản phẩm này phù hợp với thời tiết nắng nhiều hơn mưa ở miền Nam. 

Theo Kiến Thức