[In trang]
Kiểm toán năng lượng 2012: DN nằm trong “tầm ngắm”
Thứ hai, 17/12/2012 - 09:34
Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đi vào đời sống chưa đầy 2 năm đã thực sự tạo nên một áp lực lớn đối với những doanh nghiệp
Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đi vào đời sống chưa đầy 2 năm đã thực sự tạo nên một áp lực lớn đối với những doanh nghiệp (DN) vốn chưa quan tâm đúng mức việc quản lý năng lượng, đặc biệt là những DN sản xuất công nghiệp trọng điểm.
 
3ee6917fa_solar2.jpg

 Bắt buộc kiểm toán hơn 1000 DN

“Cú sốc” lớn nhất là việc bắt buộc DN phải kiểm toán năng lượng, năm 2012 sẽ có 1.180 đơn vị sản xuất công nghiệp nằm trong “tầm ngắm” này. Tiếp đó là việc bắt buộc áp dụng các biện pháp cụ thể vào quản lý năng lượng để đạt được con số 10% tiết kiệm năng lượng điện tiêu thụ cho sản xuất.

Theo báo cáo từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, năm 2011, cả nước tiết kiệm khoảng 1,3 tỉ kWh điện, tương đương khoảng 1,03% lượng điện thương phẩm. Năm 2012 phấn đấu tiết kiệm ít nhất 1% tổng sản lượng điện thương phẩm cả nước.

Để tiết kiệm được 1% đã là không dễ dàng, muốn đạt được tỉ lệ 10%, bài toán trở nên vô cùng nan giải vì nó đòi hỏi thay đổi căn cơ gốc rễ nhiều vấn đề trong DN, từ quan điểm, nhận thức đến kinh phí đầu tư đổi mới trang thiết bị và biện pháp áp dụng các giải pháp công nghệ mới.

Từ trước tới nay, việc sử dụng năng lượng nói chung và năng lượng điện nói riêng ở các ngành công nghiệp của chúng ta chưa thực sự được coi trọng đúng với tầm mức cần thiết, hay có thể nói là chúng ta chưa có điều kiện cần và đủ cho một văn hóa sử dụng năng lượng cả ở các nhà quản lý và người sử dụng trực tiếp tại DN.
Những kiến thức về quản lý năng lượng hiện nay vẫn còn khá mới mẻ và chưa đầy đủ đối với nhiều DN, thậm chí vẫn còn khá mù mờ về hệ thống kiểm toán năng lượng, quy định dán nhãn năng lượng và thậm chí ngay cả với những quy định đối với loại hình DN của mình… cho dù mọi hành xử liên quan đến sử dụng năng lượng giờ đây đã bắt buộc phải điều chỉnh theo luật định.

Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả không chỉ là quy định bắt buộc DN thực thi để đảm bảo mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho quốc gia mà còn là cơ hội để các DN cải tạo hệ thống sản xuất, nâng cao quy trình quản lý, từ đó góp phần gia tăng hiệu quả kinh doanh. Chính vì vậy, thực thi theo luật cũng chính là cách giúp DN tự thay đổi để phù hợp hơn với thị trường và làm lợi cho chính bản thân DN.

Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả quy định, các cơ sở sản xuất công nghiệp gồm cơ sở sản xuất, chế biến, gia công sản phẩm hàng hóa; cơ sở chế tạo, sửa chữa phương tiện, thiết bị; cơ sở khai thác mỏ; cơ sở sản xuất, cung cấp năng lượng phải có trách nhiệm xây dựng, thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hằng năm; lồng ghép chương trình quản lý năng lượng với các chương trình quản lý chất lượng, chương trình sản xuất sạch hơn, chương trình bảo vệ môi trường của cơ sở.

Luật cũng bắt buộc các DN phải áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức về sử dụng năng lượng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; lựa chọn áp dụng quy trình và mô hình quản lý sản xuất tiên tiến, biện pháp công nghệ phù hợp và thiết bị công nghệ có hiệu suất năng lượng cao; sử dụng các dạng năng lượng thay thế có hiệu quả cao hơn trong dây chuyền sản xuất.

Sẽ xử phạt nặng những DN vi phạm

Theo luật, các DN sẽ phải thực hiện việc báo cáo định kỳ về kiểm toán năng lượng, cử người quản lý năng lượng chuyên trách tại DN. Nếu DN không thực hiện sẽ bị xử phạt theo Nghị định 73/2011/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Được biết, những lĩnh vực tiêu thụ nhiều năng lượng như thép, xi măng, khai thác khoáng sản, dệt may, hóa chất… hiện đang tiêu tốn khoảng 47% tổng sản lượng điện cả nước. Tình trạng tiêu tốn năng lượng lãng phí khá phổ biến và trở nên thực sự “nhức nhối” khi chi phí năng lượng “ngốn” một khoản rất lớn vào giá thành sản phẩm, nhất là khi giá điện, giá xăng đầu liên tục được điều chỉnh tăng trong thời gian gần đây, thực sự đã trở thành gánh nặng đối với mỗi DN.

Giờ đây, chúng ta đã hiểu về cái giá phải trả nếu không tạo được sự đồng thuận trong xã hội về sự cần thiết phải giảm tiêu thụ năng lượng và tầm quan trọng của sản xuất bền vững của các nguồn năng lượng tự nhiên thân thiện với môi trường.

Hiện nay, rất nhiều DN đã bắt đầu triển khai thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng theo quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đầu tư giải pháp tiết kiệm năng lượng lâu dài. Tuy nhiên,  DN đứng  trước bộn bề  khó khăn

Trước hết, mặc dù luật cho phép nhưng rất ít DN có thể tự thực hiện kiểm toán năng lượng cho mình, vì để làm được điều đó, DN phải có kiểm toán viên được cấp chứng chỉ hành nghề và trang bị đầy đủ các thiết bị đo đủ tiêu chuẩn. Chính vì thế, các DN muốn thực hiện kiểm toán năng lượng phải tìm cho mình một đơn vị tư vấn. Tuy nhiên, để chọn được một đơn vị tư vấn vừa có thể giúp DN mình triển khai kiểm toán năng lượng thực thi theo luật, vừa mang lại những giải pháp hiệu quả kinh tế không dễ dàng.

Bên cạnh việc chuẩn bị cơ sở vật chất, nguồn lực tài chính, một giải pháp được coi như “bảo bối” cho DN là đào tạo nhân lực quản lý năng lượng, cung cấp cho họ kiến thức và kỹ năng đủ “tầm” để thực hiện việc quản lý năng lượng một cách tốt nhất, một giải pháp đầu tư ít mà mang lại hiệu quả lâu dài.

Bài toán quản lý năng lượng thực sự là bài toán khó về kinh tế – kỹ thuật chuyên sâu, lời giải mẫu hoặc bài học kinh nghiệm ít hơn rất nhiều so với các bài toán quản lý khác, đòi hỏi người lãnh đạo DN phải có kiến thức tổng hợp và quyết tâm cao mới có thể tìm ra đáp số.

Theo Anhsangvacuocsong