[In trang]
Phát triển năng lượng tái tạo tiểu vùng sông Mê Công
Thứ năm, 22/11/2012 - 14:17
Bộ Công thương vừa phối hợp Đại sứ quán Phần Lan tổ chức Diễn đàn hợp tác môi trường và năng lượng tiểu vùng sông Mekong lần thứ ba với chủ đề “Chính sách và cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) ở các nước tiểu vùng sông Mekong.”
Bộ Công thương vừa phối hợp Đại sứ quán Phần Lan tổ chức Diễn đàn hợp tác môi trường và năng lượng tiểu vùng sông Mekong lần thứ ba với chủ đề “Chính sách và cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) ở các nước tiểu vùng sông Mekong.”

62d1c24e4_6d86692f0_tua_bin_gio_anh.jpg

Việt Nam được đánh giá là nước có tiềm năng lớn về NLTT.
 
Theo ông Kimmo Lohdevirta, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam, với chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển năng lượng sạch của Chính phủ Phần Lan, Chương trình hợp tác năng lượng và môi trường (EEP) trên toàn thế giới đã có mặt ở 25 nước, đóng góp vào tăng cường dịch vụ năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính.

Trong giai đoạn từ 2009-2012, Bộ Ngoại giao Phần Lan và Quỹ phát triển Bắc Âu (NDF) đã tài trợ 7,9 triệu euro cho dự án EEP tại các nước tiểu vùng Mê Công gồm Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam. Chương trình EEP Mekong được triển khai nhằm thúc đẩy NLTT, biến chất thải thành năng lượng và đầu tư hiệu quả các dự án năng lượng tái tạo thông qua nguồn tài trợ với mục đích phát triển công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực, hỗ trợ các dự án thí điểm và trình diễn cũng như các hoạt động chia sẻ thông tin.

Trong giai đoạn 2012-2016, Bộ Ngoại giao Phần Lan (MFA) và Quỹ Phát triển Bắc Âu cam kết tiếp tục dành 7,9 triệu euro để phát triển các dự án năng lượng sạch, chống ô nhiễm môi trường nước, đất. Và Myanmar sẽ được đưa thêm vào danh sách các nước nhận tài trợ.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang, Việt Nam đang đối mặt với thách thức cạn kiệt nguồn năng lượng hóa thạch và biến đổi khí hậu nên việc tìm ra các cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển dạng năng lượng sạch này là rất quan trọng.

Tuy nhiên, do chưa có cơ chế hỗ trợ cụ thể cho các dạng NLTT (trừ năng lượng gió và thủy điện nhỏ) nên đến cuối năm 2011, năng lượng tái tạo cũng mới chỉ chiếm 3,5% trong công suất nguồn.

Vì vậy, diễn đàn EEP Mê Công lần thứ ba này chính là cơ hội để chia sẻ thông tin về các sáng kiến, giải pháp, chính sách cụ thể để đạt được mục tiêu ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam nói riêng và tại các nước tiểu vùng sông Mê Công nói chung. Đây cũng là nơi để các đối tác nhận được sự hỗ trợ về mặt tài chính và kỹ thuật.

Việt Nam chưa có mục tiêu quốc gia phát triển NLTT

Theo ông Phạm Mạnh Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương, Việt Nam được đánh giá là nước có tiềm năng lớn về NLTT. Việt Nam đang đặt ra mục tiêu tăng tỷ lệ NLTT trong công suất nguồn lên từ 3,5% hiện nay lên 5,6% vào năm 2020 và lên 9,4% năm 2030.

Trong đó, điện gió chiếm 0,7% sản lượng điện vào năm 2020 với 1.000MW. Và đến năm 2030, điện gió sẽ có 6.200 MW, chiếm 2,6% sản lượng điện. Ông Thắng còn cho biết, mục tiêu phát triển điện gió này có thể thực hiện được sớm hơn, vì hiện nay, các dự án điện gió đăng ký đã có tổng công suất 700-800 MW.

Còn điện Bimass và đồng phát cũng được đặt mục tiêu tương đương 500 MW vào năm 2020, chiếm 0,6% và lên đến 2.000 MW, chiếm 1,1 % vào năm 2030.

Ông Phạm Trọng Thực, Vụ trưởng Vụ Năng lượng mới và NLTT, đối với năng lượng gió, chúng ta đã đo gió tại 62-65 điểm ở độ cao từ 60m trở lên, để đánh giá tiềm năng phục vụ công tác lập quy hoạch và phát triển dự án. Trong đó, EVN đo gió tại 12 điểm của 10 tỉnh. Ngân hàng Thế giới đo gió tại năm điểm của bốn tỉnh, trong đó có Phú Quốc. GIZ đo gió tại 10 điểm, số còn lại là của các tổ chức khác. Kết quả cho thấy, tốc độ gió trung bình của Bạch Long Vĩ, Quảng Trị và Phú Quý cao hơn 7m/s.

Trong chương trình đo đạc gió 2010-2014, Tổng cục Năng lượng sẽ tiến hành đo khoảng 25 điểm trên toàn quốc.

Chính phủ đưa ra các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển NLTT, như: miễn thuế nhập khẩu hàng hóa không thể sản xuất trong nước, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp bốn năm đầu và giảm một nửa trong chín năm tiếp theo, miễn thuế và phí sử dụng đất cho các dự án NLTT, miễn phí bảo vệ môi trường...

Tuy nhiên, theo ông Thắng, NLTT vẫn chưa phát triển mạnh ở Việt Nam, do chi phí đầu tư và giá điện từ NLTT cao hơn so với điện truyền thống, chưa có quy định khuyến khích phát triển NLTT ở mức cao như luật hoặc nghị định, thiếu nguồn tài chính để phát triển NLTT, chưa có sự đồng thuận giữa trung ương và địa phương, khó khăn trong việc đấu nối hệ thống bởi nguồn NLTT không ổn định, thiếu chuyên gia và kỹ sư lành nghề, chưa có công nghệ phụ trợ cho NLTT... Một trong những rào cản nữa là thiếu thông tin, cơ sở dữ liệu tin cậy đánh giá tiềm năng các nguồn NLTT, nhận thức của cộng đồng về NLTT còn hạn chế. Và đặc biệt, ông Thắng cho biết, chưa có chiến lược, kế hoạch quốc gia phát triển các nguồn NLTT.

Ông Thắng đề xuất thành lập quỹ NLTT ở Việt Nam nhằm huy động nguồn vốn thúc đẩy phát triển NLTT. Còn ông Thực cho biết, vào quý 1 năm sau, Bộ Công thương sẽ trình quy hoạch phát triển điện gió để Chính phủ phê duyệt.
 
Theo Nhân dân