Với vai trò tiên phong góp phần phát triển nguồn năng lượng tái tạo, Công ty TNHH một thành viên Năng lượng tái tạo Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power RE) đã mạnh dạn đầu tư công trình phong điện trên đảo Phú Quý nhằm đưa tiềm năng gió dồi dào ở hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc thành sản phẩm điện phục vụ đời sống người dân.
hà máy Phong điện đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) đã trải qua 2 tháng vận hành phát điện thương mại đảm bảo an toàn và ổn định cho lưới điện. Với vai trò tiên phong góp phần phát triển nguồn năng lượng tái tạo, Công ty TNHH một thành viên Năng lượng tái tạo Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power RE) đã mạnh dạn đầu tư công trình phong điện trên đảo Phú Quý nhằm đưa tiềm năng gió dồi dào ở hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc thành sản phẩm điện phục vụ đời sống người dân.
Phóng viên Báo Năng Lượng Mới đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Cương, Chủ tịch kiêm Giám đốc PV Power RE xoay quanh công trình đầy ý nghĩa này của ngành Dầu khí.
PV: Theo ông, công trình điện gió Phú Quý có ý nghĩa như thế nào đối với người dân huyện đảo Phú Quý? Vì sao đảo Phú Quý được chọn để đầu tư phong điện?
GĐ Phạm Cương: Có thể nói rằng, trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng về năng lượng điện của nước ta khá cao nhưng các khu vực vùng sâu, vùng xa nói chung và huyện đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) nói riêng còn nhiều vấn đề bất cập về nguồn điện, như mạng cung cấp, đường dây, trạm hạ áp, thiết bị... còn nhiều hạn chế.
Trên đảo Phú Quý vốn trước đây chỉ có duy nhất nguồn điện được cung cấp từ nhà máy phát điện chạy dầu diesel, hoặc các máy nhỏ gia đình chạy xăng, giá điện rất cao, mỗi ngày chỉ có 16 giờ có điện, vì vậy công trình Nhà máy Phong điện đảo Phú Quý đóng vai trò rất quan trọng cho việc bổ sung nguồn điện, giảm giá điện và đặc biệt góp phần vào đảm bảo cho người dân trên đảo có điện 24/24 giờ. Điều này mang ý nghĩa rất lớn trong vấn đề an sinh xã hội, an ninh quốc phòng cho huyện đảo tiền tiêu của đất nước.
Sau khi khảo sát tốc độ gió trung bình hàng tháng trong năm, các nhà nghiên cứu đánh giá tốc độ gió tại đảo Phú Quý là rất lớn, tiềm năng về năng lượng gió hoàn toàn có thể đủ tạo ra nguồn năng lượng tái tạo để phục vụ cho nhân dân trên đảo (khoảng 27.000 người). Với vai trò tiên phong về sản xuất năng lượng sạch góp phần mở ra một ngành năng lượng mới, năng lương tái tạo chống lại sự biến đổi khí hậu của trái đất, chúng tôi mạnh dạn đầu tư công trình Nhà máy Phong điện đảo Phú Quý nhằm đưa tiềm năng hiện có của thiên nhiên thành sản phẩm hiện thực phục vụ đời sống.
PV: Sau 2 tháng chính thức đi vào vận hành phát điện thương mại, công tác vận hành kết hợp giữa hai nguồn điện gió và diesel của Nhà máy Phong điện đảo Phú Quý hiện nay ra sao, thưa ông?
GĐ Phạm Cương: Sau 2 tháng hai tổ máy số 1 và số 3 chính thức phát điện thương mại công tác vận hành giữa hai nguồn điện của Nhà máy Phong điện đảo Phú Quý và Nhà máy Điện diesel Phú Quý đã phối hợp rất nhịp nhàng, đảm bảo an toàn và ổn định cho lưới điện.
Tuy nhiên, đây là mô hình đầu tiên trên thế giới vận hành hỗn hợp giữa hai hệ thống gió - diesel với tỷ lệ công suất gió/diesel là 6MW/3MW. Thông thường trên thế giới cũng có một số dự án hỗn hợp gió - diesel tương tự nhưng tỷ lệ tổng công suất diesel thường cao hơn tổng công suất tuabin gió, nhưng ở đây tổng công suất tuabin gió gấp hai lần diesel, vì vậy vận hành hệ thống hỗn hợp này rất phức tạp, đòi hỏi các vận hành viên phải rất tập trung, thận trọng và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phối hợp đã phê duyệt.
Thực tế đã xuất hiện rất nhiều khó khăn do đặc thù của tuabin phát điện có đầu vào là gió khiến chúng tôi không chủ động được hoàn toàn mà phụ thuộc vào thiên nhiên, tỷ lệ công suất gió/diesel là 50/50 đã ảnh hưởng lớn đến sản lượng của nhà máy chúng tôi và có những thời điểm gió cao không tận dụng tối đa công suất của các tổ máy. Hệ thống điều khiển hỗn hợp gió - diesel đang được các bên theo dõi trong quá trình vận hành để có số liệu thực hiện từng bước điều chỉnh tỉ lệ gió/diesel cho phù hợp với phụ tải nhằm phát huy tối đa hiệu suất tuabin gió.
PV: Được biết trong quá trình triển khai thực hiện dự án phong điện trên đảo Phú Quý đã gặp không ít khó khăn, trở ngại, là người lãnh đạo đứng đầu công ty chỉ huy thực hiện dự án, ông có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm để vượt qua những thách thức này?
GĐ Phạm Cương: Quả là quá nhiều khó khăn, trở ngại và những vướng mắc tưởng chừng như bế tắc nhưng đến thời điểm này với sự nỗ lực của các bên: Chủ đầu tư, tư vấn, liên doanh nhà thầu với sự chỉ đạo sát sao của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), sự hỗ trợ rất hiệu quả của lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, huyện đảo Phú Quý, các sở, ban, ngành địa phương, chúng tôi đã gần như vượt qua tất cả và đang chuẩn bị khánh thành nhà máy trong thời gian sắp tới.
Bài học kinh nghiệm để vượt qua các thử thách đó là sự đoàn kết nhất trí cao trong chỉ đạo từ khâu chọn nhà thầu cung cấp thiết bị chính đến việc thiết kế, phê duyệt thiết kế, thực hiện lắp đặt, chạy thử nghiệm thu… của chủ đầu tư, tư vấn, liên doanh nhà thầu, tất cả đều có quyết tâm rất cao và chung mục đích “an sinh xã hội, an ninh quốc phòng cho huyện đảo Phú Quý”.
Chúng tôi cũng đánh giá nghiêm túc năng lực của các thành viên tham gia thực hiện dự án để nhìn đúng sự thật về những khó khăn thách thức, những vướng mắc phía trước để có kế hoạch chủ động tìm biện pháp tháo gỡ kịp thời, giảm thiểu những rủi ro tiềm ẩn. Hơn thế nữa, cần mạnh dạn đưa ra những giải pháp đặc biệt trên cơ sở tính toán về kỹ thuật và dám chịu trách nhiệm trước quyết định phê duyệt các phương án thi công đặc thù trên địa bàn huyện đảo.
Một yếu tố mà chúng tôi chưa lường hết được là điều kiện thời tiết phức tạp ở đảo Phú Quý như mưa bất chợt, bão bất thường, sóng gió không theo quy luật đã làm cho chúng tôi có những lúc gian nan phải chọn thời điểm thực hiện công việc hợp lý, với tiêu chí “tận tụy, đoàn kết, tự tin, quyết định kịp thời là yếu tố thành công”.
Công trình Nhà máy Phong điện đảo Phú Quý mang ý nghĩa rất lớn trong vấn đề
“an sinh xã hội, an ninh quốc phòng” cho huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc
PV: Có ý kiến cho rằng, từ dự án phong điện đảo Phú Quý cho thấy có nhiều yếu tố tác động đến giá điện mà nếu khắc phục sẽ có thể tiết kiệm được rất lớn. Ông cảm nhận gì về vấn đề này?
Nhà máy Phong điện đảo Phú Quý có tổng vốn đầu
tư là 335 tỉ đồng do PV Power RE (đơn vị thành viên của Tổng Công ty Điện lực
Dầu khí Việt Nam - PVPower) làm chủ đầu tư, nhà thầu cung cấp thiết bị là
Hãng Vestas (Đan Mạch), nhà thầu thi công chính là Công ty Cổ phần Công nghệ
Amec. Công ty CP Dịch vụ Cơ khí Hàng hải (PTSC M&C) là nhà thầu lắp đặt
chính.
Đây là dự án phong điện đầu tiên của Việt Nam
sử dụng mô hình vận hành hỗn hợp gió - diesel. Nhà máy được xây dựng tại 2 xã
Long Hải và Ngũ Phụng trên huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận), với lượng điện sản
xuất bình quân hàng năm khoảng 25,4 triệu kWh. Nhà máy Phong điện đảo Phú Quý
có công suất 6MW, bao gồm 3 trụ tuabin, chiều cao của mỗi trụ tháp tuabin là
60m, gồm 3 cánh quạt, mỗi cánh dài 37m để hứng gió, đường kính khi quạt quay
là 75m. Công suất trung bình của một tuabin gió tạo ra 2MW điện. Nhà máy được
khởi công xây dựng vào cuối năm 2010, sau gần 2 năm thi công lắp đặt (với
nhiều khó khăn khách quan lẫn chủ quan, thay thế một số nhà thầu phụ thiếu
năng lực), Nhà máy Phong điện đảo Phú Quý đã chính thức phát điện thương mại
vào ngày 24/8/2012.
|
GĐ Phạm Cương: Đúng như vậy! Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến giá
thành điện gió. Về chủ quan như công nghệ, nhập khẩu thiết bị, vị trí lắp đặt,
khảo sát lập dự án đầu tư... Về khách quan như thời tiết, chu kỳ thay đổi mùa,
tốc độ gió hàng năm là yếu tố rất quan trọng để tăng sản lượng điện.
Trong điều kiện hiện nay
thì chúng ta có thể chỉ khắc phục được một phần nhỏ, tỷ trọng thấp để giảm giá
thành hay tiết kiệm bao gồm đầu tư khảo sát phân tích chính xác về tiềm năng
gió tại khu vực có chủ trương đầu tư và đã được quy hoạch của Bộ Công Thương.
Chúng ta có thể nội địa hóa được một số vật tư, thiết bị lắp đặt như cột tháp
chế tạo trong nước, các thiết bị cáp, trạm biến áp và một số thiết bị cho hệ
thống đường dây. Ngoài ra, cần chủ động thuê thiết bị lắp đặt có sẵn trong
nước, hạn chế việc phải thuê thiết bị và chuyên gia nước ngoài và đặc biệt giảm
thiểu ảnh hưởng sự độc quyền của các nhà cung cấp thiết bị chính. Muốn vậy
chúng ta phải chủ động đào tạo nhân lực để được chuyển giao công nghệ lắp đặt,
vận hành…
Theo tôi nghĩ, trong
tương lai, muốn giảm giá thành điện gió để cạnh tranh với giá thành điện sản
xuất từ năng lượng truyền thống thì chúng ta phải mạnh dạn đầu tư cho lĩnh vực
chế tạo thiết bị trong nước tiến tới sản xuất được một số chi tiết nhằm tăng tỷ
lệ nội địa hóa thiết bị, nhận chuyển giao công nghệ và làm chủ được công nghệ,
có như vậy mới giảm giá thành điện và tiết kiệm được chi phí đáng kể.
PV: Thưa ông, liệu có giải pháp nào về giảm giá thành điện gió.
GĐ Phạm Cương: Xuất phát từ các yếu tố ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm điện gió đảo Phú Quý, với kinh nghiệm thực tiễn có thể đưa ra một số giải pháp để giảm giá thành điện gió. Đó là: Phân tích kỹ dữ liệu đầu vào (tốc độ gió) để xác định số tuabin cần lắp đặt (>30MW). Khảo sát thực tế càng chính xác lập dự án đầu tư sát với thực tế thì giá thành càng giảm. Tính toán giải công suất phù hợp để chọn thiết bị. Vì đây là lĩnh vực rất mới đối với Việt Nam, do đó chủ đầu tư và tổng thầu EPC cần phải thuê tư vấn chuyên gia nước ngoài - kết hợp đào tạo qua một vài dự án, chúng ta sẽ làm chủ được và dùng chuyên gia trong nước, sẽ giúp giá thành giảm đáng kể. Soạn thảo quy trình phối hợp: Chủ đầu tư - tư vấn - liên doanh nhà thầu càng chi tiết, càng cụ thể thì tránh được lãng phí, giảm chi phí, đẩy nhanh tiến độ, giúp tiết kiệm chi phí, giảm giá thành điện gió. Tập trung đào tạo chuyên gia trước khi thực hiện dự án để làm chủ được mọi rủi ro, hệ lụy sau này (sớm chuyển giao công nghệ, hạn chế tối đa đến phá tính độc quyền của đối tác), đây là bài học kinh nghiệm nhãn tiền của liên doanh nhà thầu. Lập kế hoạch tăng cường tỷ trọng nội địa hóa vật tư, thiết bị ngay từ ban đầu… Những yếu tố này, nếu chúng ta quản lý tốt và có kế hoạch hợp lý, sẽ giảm được chi phí đáng kể, kéo giá thành điện gió giảm được 7-10%.
PV: Trong tương lai, PV Power RE sẽ đầu tư vào các dự án điện gió như thế nào?
GĐ Phạm Cương: Trong chiến lược phát triển lâu dài, PV Power RE là công ty có chức năng đầu tư sản xuất điện từ các dạng năng lượng tái tạo bao gồm: Năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sóng biển, thủy triều, năng lượng từ nhiệt trong lòng trái đất (địa nhiệt)…
Nhưng hiện nay tình hình kinh tế đất nước còn khó khăn, việc thu xếp vốn để đầu tư vào các dự án năng lượng sạch còn phải xem xét thận trọng. PV Power đang lập dự án đầu tư cho phong điện Hòa Thắng tại tỉnh Bình Thuận, nếu được phê duyệt chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng Nhà máy Phong điện Hòa Thắng.
PV: Đầu tư cho phong điện đắt hơn so với đầu tư cho các ngành năng lượng tái tạo khác, đặc biệt là giá mua điện sản xuất từ điện gió vẫn chưa tạo ra lợi nhuận hợp lý, điều này có gây khó khăn gì đối với PV Power RE hay không và cần có những chính sách hỗ trợ gì để khuyến khích việc phát triển lĩnh vực năng lượng gió trong tương lai?
GĐ Phạm Cương: Nói đầu tư cho phong điện được cho là đắt hơn so với đầu tư cho các ngành năng lượng tái tạo khác thì chưa đúng, mà thực chất là khi ta chưa tính đúng, tính đủ thì có thể giá điện sản xuất ra từ gió có thể cao hơn giá điện sản xuất từ các dạng năng lượng truyền thống như: Điện than, điện khí, thủy điện. Còn trong các dạng năng lượng tái tạo như tôi đã nói ở trên thì nguồn năng lượng gió là khả thi nhất, dễ đưa tiềm năng điện gió ở vùng Nam Trung Bộ vào thực tế phục vụ đời sống chúng ta và đó là nguồn năng lượng tái tạo có thể phát huy được hiệu quả nhất.
Còn nói về giá điện sản xuất từ năng lượng gió mà chúng tôi đang bán ra như hiện nay (ở mức 7,8 cent/kWh) thì khả năng thu hồi vốn là rất khó, thậm chí, nếu không cải thiện về giá thì không thể thu hồi vốn trong vòng đời của nhà máy. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp rất lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty. Như anh biết đó, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam chỉ đạo PV Power thực hiện dự án xây dựng Nhà máy Phong điện đảo Phú Quý để đảm bảo “an sinh xã hội và an ninh quốc phòng”. Nếu bây giờ PV Power RE phải tính toán hoạch toán kinh doanh để thu hồi vốn là một bài toán đầy hóc búa mà chúng tôi đang phải giải. Đây là mấu chốt mà tại sao chúng ta có tiềm năng gió có thể cho ra được 513.000MW mà hiện nay rất ít nhà đầu tư quan tâm, hoặc có quan tâm thì chỉ là đang giữ chỗ chờ thời mà thôi.
Còn nói về chính sách hỗ trợ thì Chính phủ đang từng bước hỗ trợ cho các nhà đầu tư điện gió như Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ; Quy hoạch điện VI, VII của Bộ Công Thương… song vẫn chưa đủ để thu hút nhà đầu tư.
Theo tôi thì các yếu tố cần được quan tâm để khuyến khích nhà đầu tư đó là có nguồn vốn ưu đãi từ quỹ môi trường, có chính sách đào tạo nhân lực để sớm tiếp cận công nghệ điện gió đa dạng như: Trung Quốc, châu Âu, Mỹ… và cuối cùng phải có chính sách riêng về giá điện từ năng lượng sạch nói chung và cho điện gió nói riêng.
PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Huyện đảo Phú Quý nằm cách thành phố Phan Thiết (Bình Thuận)
120km về phía đông nam, gồm 10 đảo chính và các bãi đá nổi, là địa bàn có ý
nghĩa chiến lược về an ninh, quốc phòng.
Theo đánh giá của PV Power, Phú Quý là đảo có tiềm năng về nguồn
điện gió dồi dào. Tốc độ gió trung bình năm ở độ cao 60m là trên 9,2m/s. Bình
quân khoảng 116 ngày/năm có vận tốc gió trung bình < 3m/s (ở độ cao 12m).
Với 2 hướng gió chủ đạo theo mùa là tây - nam, đông - bắc và số thời gian có
vận tốc gió hữu dụng khoảng 93% là điều kiện lý tưởng để đầu tư nhà máy điện
gió. Theo đề án quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, Dự án Phong điện đảo Phú
Quý sẽ làm nhiệm vụ cung cấp điện năng với phương thức kết hợp diesel vừa
chạy nền vừa phủ đỉnh để đảm bảo cung ứng điện cho toàn đảo. Đây là một yếu
tố quan trọng để đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân huyện đảo và góp phần cho
tỉnh Bình Thuận có thêm điều kiện để thực hiện chủ trương của Đảng và Chính
phủ về chiến lược phát triển kinh tế Biển Đông và hải đảo, vừa đẩy mạnh phát
triển kinh tế vừa tăng cường củng cố quốc phòng an ninh quốc gia.
|
Theo Petrotimes