Công ty CP Chế tạo Điện cơ Hà Nội:Chủ động tiết kiệm năng lượng trong sản xuất
Thứ sáu, 12/10/2012 - 14:09
Xác định rõ định hướng hoạt động, năm 2007, Công ty CP Chế tạo Điện cơ Hà Nội (HEM) đã chủ động hợp tác với hãng Phít Lơ của Đức về tiết kiệm điện (TKĐ) trong sản xuất, nhờ đó mỗi năm HEM tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng tiền điện.
Xác định rõ định hướng hoạt động, năm 2007, Công ty CP Chế tạo Điện cơ Hà Nội (HEM) đã chủ động hợp tác với hãng Phít Lơ của Đức về tiết kiệm điện (TKĐ) trong sản xuất, nhờ đó mỗi năm HEM tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng tiền điện.
Xưởng sản xuất của Công ty
Để duy trì các hoạt động tiết kiệm năng lượng (TKNL), HEM đã họp và khoanh vùng các thiết bị, phân xưởng… tiêu tốn nhiều nhiên liệu để đưa ra những sáng kiến, giải pháp khắc phục. Ban đầu là thi đua sử dụng điện hợp lý trong đơn vị, nhằm tránh lãng phí điện chiếu sáng, thiết bị văn phòng, điều hòa, quạt điện không cần thiết. Quy định giờ, nhiệt độ ngoài trời cao, mới được bật điều hòa và ra về phải tắt các thiết bị điện...
HEM cũng thay đổi lịch làm việc ở các phân xưởng sản xuất để tránh giờ cao điểm và được Công ty duy trì liên tục trong sản xuất hàng ngày. Vừa qua, HEM đã đầu tư thí điểm hệ thống đèn LED ở dọc hành lang Công ty và một số vị trí cần điện chiếu sáng ban đêm để TKĐ. Theo anh Nguyễn Kỳ Nam, Trưởng phòng Thiết kế của HEM thì công suất tiêu thụ của đèn LED nhỏ gấp 3 - 4 lần đèn compact, tuy nhiên giá thành của đèn LED lại cao hơn nhiều, nhưng về hiệu quả kinh tế và mục đích sử dụng lâu dài thì đèn LED vẫn kinh tế hơn, TKNL hơn. Trong tương lai không xa, HEM sẽ lắp đặt hệ thống đèn LED thay thế cho đèn compact hiện nay.
Đặc biệt, “cỗ máy” tiêu tốn năng lượng điện nhiều nhất của HEM là hệ thống lò sấy và đã được các kỹ sư của Công ty bắt bệnh, điều trị triệt để. Công suất của lò sấy đạt 40 – 60 kWh, thời gian sấy 24 – 32 giờ, tiêu tốn khá nhiều điện mỗi khi hoạt động, chính vì thế mà các kỹ sư của HEM đã sử dụng hệ thống đối lưu toàn hoàn trong lò sấy để TKĐ, nhờ vậy đã tiết kiệm được gần 30% sản lượng điện tiêu hao.
Hiện tại, HEM đang sản xuất 3 loại sản phẩm chính: Động cơ điện, máy biến áp và hệ thống tủ bảng điện. Chủ trương của HEM là thiết kế, sản xuất các dòng sản phẩm như tủ bù hệ số cos phi, bù tổng ở xưởng và trên trạm tổng để giảm tổn thất trên đường dây cho đối tác và khách hàng. Ông Đoàn Văn Quý, Phó Tổng Giám đốc cho biết: Sắp tới Công ty sẽ thực hiện dán nhãn năng lượng cho 02 loại sản phẩm là động cơ điện và máy biến áp. Riêng động cơ điện sẽ thực hiện dán nhãn năng lượng với 14 chủng loại. Công ty đang phấn đấu 4 chủng loại của động cơ điện sẽ được cấp quyết định dán nhãn TKNL vào đầu năm 2013.
Ngoài ra, HEM cũng có kế hoạch dán nhãn năng lượng cho 20 loại máy biến áp và đang lập hồ sơ cho 4 sản phẩm máy biến áp để được cấp quyết định dán nhãn TKNL trong đầu năm 2013. Tuy nhiên, để đầu tư cho một sản phẩm được cấp quyết định dán nhãn TKNL đòi hỏi nhiều chi phí cho các khâu phần mềm thiết kế, quy trình chế tạo và đầu tư thiết bị công nghệ, đào tạo nhân lực... Song đây là chủ trương TKNL của Nhà nước, hướng tới mục tiêu nội địa hóa và thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nên doanh nghiệp quyết tâm thực hiện. Nhưng trên hết, dán nhãn TKNL cho các dòng sản phẩm là cơ hội lớn để doanh nghiệp khẳng định thương hiệu của mình với sản phẩm cùng loại của các doanh nghiệp nhỏ trong nước và hàng ngoại nhập.
Trong 7 tháng đầu năm 2012, doanh thu của Công ty đạt 165,85 tỷ đồng (kế hoạch năm 2012 là 350 tỷ đồng), có trên 100 đại lý phân bố đều từ Tây Nguyên, miền Trung ra miền Bắc. Sau nhiều nỗ lực, các sản phẩm máy biến áp, động cơ điện, tủ bảng điện của HEM đã “xuất ngoại” sang thị trường Lào, Campuchia, tuy số lượng còn khiêm tốn, nhưng đây là niềm khích lệ rất lớn để CBCNV – LĐ HEM đứng vững trước sóng gió thương trường đầy khốc liệt và tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, để ngành thiết bị điện nói chung và HEM nói riêng phát triển tốt trong cơ chế thị trường thì rất cần có bàn tay can thiệp của các tổ chức có thẩm quyền trong việc xử lý nghiêm hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, hay nói cụ thể hơn là loại bỏ hàng ngoại chất lượng kém, tiêu tốn nhiều năng lượng và đang làm lũng đoạn thị trường trong nước.
Bản tin Tiết kiệm năng lượng, số ra tháng 8/2012