[In trang]
Dùng vi khuẩn sản xuất điện năng
Thứ sáu, 24/08/2012 - 10:31
Công nghệ mới dựa trên một nghiên cứu khoa học mới đây trong ngành điện vi sinh học. Cuộc nghiên cứu hướng tới ứng dụng phát hiện về khả năng tạo ra dòng điện bên ngoài mặt tế bào của một số vi khuẩn.
Các nhà khoa học Mỹ và Úc hi vọng sẽ sớm ứng dụng kỹ thuật sử dụng vi khuẩn trong xử lý nước thải để sản xuất đủ điện năng cung cấp cho các nhà máy xử lý nước thải.

Công nghệ mới dựa trên một nghiên cứu khoa học mới đây trong ngành điện vi sinh học. Cuộc nghiên cứu hướng tới ứng dụng phát hiện về khả năng tạo ra dòng điện bên ngoài mặt tế bào của một số vi khuẩn.

Trong ngành xử lý nước thải, vi khuẩn sẽ tinh lọc nước thải bằng cách tiêu thụ những chất hữu cơ trong nước thải và sử dụng năng lượng này để tạo ra dòng điện có thể khai thác và dự trữ.

ac9d817d5_bacteria.jpg

Ông Bruce Logan từ Đại học Pennysylvania, Mỹ, đồng tác giả nghiên cứu đăng trên tạp chí Science, so sánh quy trình ông đang phát triển với bộ phim Ma trận (The Matrix). Trong bộ phim, con người được kết nối với máy móc để tạo ra năng lượng.

“Trong bài báo, chúng tôi miêu tả một quy trình tương tự như vậy. Tuy nhiên, phương pháp của chúng tôi là sử dụng một số loại vi sinh vật có thể kết nối với thiết bị với mục đích tạo ra một dòng điện có thể sử dụng để cung cấp năng lượng” - ông Logan cho biết.

Khoảng 3% điện năng sản xuất tại Mỹ được sử dụng để vận hành các nhà máy xử lý nước thải và ít nhất 5% sản lượng điện được sử dụng trong các cơ sở xử lý nước sạch. Ông Logan cho rằng rõ ràng như vậy không đủ nguồn cung.

Theo ông Logan, kỹ thuật mới, dù vẫn trong thời kỳ phôi thai, đã thu hút được sự quan tâm của các công ty, trong đó có Siemens và General Electric, cũng như một số hãng nhỏ mới thành lập.

Quy trình đang vấp phải một số trở ngại lớn, bao gồm chi phí sản xuất thiết bị cao cũng như biện pháp cải thiện hiệu quả năng lượng và công suất năng lượng.

“Hiện giờ, công nghệ khá đắt đỏ. Chúng tôi cần hạ chi phí nguyên liệu và đưa công nghệ vào sử dụng. Để làm điều đó cần nhiều yếu tố hơn chứ không chỉ khoa học và kỹ thuật. Để thành công, dự án cần sự quyết tâm của chính phủ và nguồn ngân sách”- ông Logan nhận xét.

Ông Logan và cộng sự Korneel Rabaey từ Đại học Queensland, Úc, kỳ vọng kỹ thuật sử dụng vi khuẩn cũng có thể áp dụng để sản xuất nhiên liệu sinh học, khí hydro, mêtan và các kim loại có giá trị khác từ nguồn nguyên liệu dồi dào là nước thải từ các hoạt động hàng ngày trong đời sống.

K. A (Theo Science)