[In trang]
May Hải Đường và câu chuyện tiết kiệm điện ở xã nông thôn mới
Thứ năm, 24/11/2011 - 15:02
Ngay sau khi chính thức đi vào hoạt động, Xí nghiệp may công nghiệp Hải Đường đã ý thức được việc tiết kiệm điện năng trong sản xuất.
Nằm trên địa bàn xã Hải Đường, Xí nghiệp may công nghiệp Hải Đường là đơn vị tiên phong trong việc doanh nghiệp về đầu tư tại địa bàn, góp phần xây dựng nông thôn mới. Tuy mới đi vào sản xuất, còn bộn bề khó khăn và nhiều việc cần làm ngay, nhưng việc tiết kiệm điện lại được Xí nghiệp triển khai ngay từ những ngày đầu tiên. Điều gì khiến một Xí nghiệp may công nghiệp có qui mô lại quan tâm đến việc tiết kiệm điện?

Xuất phát từ lợi ích kinh tế mà tiết kiệm năng lượng mang lại, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Hải Đường đã có nhiều giải pháp nhằm thay đổi từ nhận thức đến hành động của CBNV trong việc thực hiện tiết kiệm năng lượng. Tại thời điểm này, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Hải Đường không những là một doanh nghiệp đi đầu trong việc đầu tư tại xã nông thôn mới, mà còn là một đơn vị điển hình trơng việc thực hiện tiết kiệm điện ở nơi đây.

acb5b334c_may_hai_duong1.jpg

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh xưởng May, trước mắt chúng tôi là những dây chuyền đang hoạt động hết công suất cùng với con người cần mẫn chạy đua với thời gian để hoàn thành định mức được giao. Giám đốc Công ty Văn Thanh Sơn cho biết, ngay sau khi chính thức đi vào hoạt động, Xí nghiệp may công nghiệp Hải Đường (May Hải Đường) - Công ty CP Đầu tư và Phát triển Hải Đường đã ý thức được việc tiết kiệm điện năng trong sản xuất. Đặc biệt, xã Hải Đường là một trong 11 xã thí điểm xây dựng nông thôn mới, Công ty chấp nhận khó khăn về cơ sở hạ tầng điện, đường… đến trình độ dân trí, đầu tư xây dựng Xí nghiệp may công nghiệp tại xã Hải Đường. Cũng xuất phát từ những lý do cơ sở hạ tầng khó khăn mà Ban lãnh đạo đã có bài toán về tiết kiệm chi phí ngay từ ngày đầu đi vào sản xuất.

Trước hết, do lực lượng lao động vào làm việc tại Xí nghiệp chủ yếu là những lao động trẻ tại xã Hải Đường. Họ là những người nông dân, chưa hề có khái niệm về tác phong công nghiệp để làm một người công nhân. Để CBNV-LĐ có cái nhìn đúng về tiết kiệm điện ở cơ quan và hiểu được vai trò của việc tiết kiệm điện nói riêng và tiết kiệm năng lượng nói chung, May Hải Đường đã tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn về sử dụng điện tiết kiệm cho công nhân bắt đầu từ những buổi học nghề và đến khi vào làm việc tại Xí nghiệp thì việc tiết kiệm được gắn với việc khoán chi phí cho từng tổ, từng dây chuyền sản xuất. Bên cạnh đó, những tấm áp phích hay khẩu hiệu “Hãy tiết kiệm điện”; hay những tấm dán nhỏ trước cửa phòng làm việc “Nhớ tắt điện trước khi ra khỏi phòng”… dần dần đã có tác động lớn đến nhận thức của người lao động trong Xí nghiệp.  Thông qua đó, không những thay đổi nhận thức mà hành động cũng có chuyển biến rõ rệt. Có thể nói, sau một thời gian vào làm việc tại Xí nghiệp, những người nông dân vốn dĩ chưa hiểu hết vai trò và trách nhiệm của mình trong việc góp phần đảm bảo an ninh năng lượng thì dường như đã hiểu hơn về vai trò cũng như trách nhiệm của mình trong việc tiết kiệm năng lượng, từ đó đã có những hành động thiết thực, dù đó mới chỉ là những việc đơn giản của tiết kiệm điện đó là “tắt – bật” sau mỗi ca làm việc... Chuyền trưởng Trần Thị Huyền cho biết, ngày đầu vào học việc chúng tôi đều xa lạ với những máy móc chứ chưa nói đến việc tiết kiệm điện, bây giờ mọi chuyện đã khác, chúng tôi đã ý thức được việc tiết kiệm điện có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển của Xí nghiệp.

ce5249a3b_may_hai_duong2.jpg

Là xí nghiệp chuyên gia công các mặt hàng quần áo xuất khẩu, Ban lãnh đạo xác định, khâu tiêu thụ nhiều năng lượng nhất là hệ thống chiếu sáng và hệ thống lò hơi để phục vụ sản xuất. Bắt đầu từ hệ thống chiếu sáng, khi xây dựng, Công ty đã thiết kế nhà xưởng, văn phòng làm việc tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên. Cùng với đó, Công ty đã tiến hành lắp đặt đèn huỳnh quang T5 kết hợp với ballast điện tử và choá phản quang. Lắp công tắc riêng cho từng đèn hoặc từng khu vực để có thể chủ động tắt khi cần thiết (đủ sáng hay ngừng việc). Bên cạnh đó, Công ty lựa chọn đầu tư hàng loạt máy cắt, máy may có hiệu suất cao, phù hợp với điều kiện doanh nghiệp và tiết kiệm điện, đồng thời nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Riêng về nhiên liệu, chất lượng nhiên liệu đầu vào phải được kiểm soát chặt chẽ… Giám đốc Văn Thanh Sơn cho biết, mới đây, Xí nghiệp đã tận dụng nhiệt từ lò hơi dùng cho hệ thống làm hơi để nấu cơm cho CBNV, việc tận dụng nhiệt đã tiết kiệm một lượng than rất lớn. Không những tiết kiệm than mà việc tận dụng nhiệt từ lò hơi này còn đảm bảo vệ sinh trong chế biến thực phẩm cho CBNV-LĐ. Ông Sơn cho biết quan điểm của mình, tiết kiệm điện ở Xí nghiệp may Hải Đường là  phải thực hiện lâu dài trong suốt quá trình sản xuất kinh doanh chứ không phải chỉ thực hiện vào lúc thiếu điện. Vì vậy, Ban Giám đốc đã lập một kế hoạch rất cụ thể, chi tiết, trong đó, sử dụng tối ưu cho các thiết bị nhằm tiết kiệm năng lượng; Bảo dưỡng định kỳ lại hệ thống chiếu sáng; Sửa chữa và điều chỉnh các thiết bị điện; tuyên truyền sử dụng nước, điện tiết kiệm và hiệu quả....

Được biết, đến nay, sau hơn 6 tháng đi vào sản xuất, sản phẩm của May Hải Đường đã xuất khẩu sang Mỹ và các nước Đông Âu, chất lượng  ổn định, được khách hàng tín nhiệm. Hiện nay, mức lương bình quân người lao động đạt trên 2,5 triệu đồng/người/tháng. Mục tiêu phấn đấu năm 2011 đạt doanh thu 36 tỷ đồng, lợi nhuận 3 tỷ đồng. Khi được hỏi “nhân duyên” nào đã đưa doanh nghiệp về xã Hải Đường, Giám đốc Văn Thanh Sơn cười và nói: Chúng tôi chỉ đóng vai trò “bà đỡ”, còn việc chắp mối, tư vấn đưa nghề mới về xã, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất là của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 (IPC1) thuộc Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương). Việc đưa nghề may công nghiệp về Hải Đường là thắng lợi lớn mở đầu cho chương trình chuyển đổi cơ cấu lao động theo chủ trương “ly nông bất ly hương” – đây là việc làm rất có ý nghĩa đối với xã thuần nông đã và đang phấn đấu đạt 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới vào năm 2015.

Trong bối cảnh suy giảm của nền kinh tế, doanh nghiệp sẽ càng khó khăn hơn nếu các khoản chi phí về năng lượng chiếm một phần không nhỏ trong sản xuất. Vì vậy, tiết kiệm năng lượng được coi là việc cần thiết và là yêu cầu tất yếu cho phát triển bền vững. Đây cũng chính là yếu tố tiên quyết để đảm bảo an ninh năng lượng cho tương lai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả cũng chính là giải pháp phát triển bền vững chung của doanh nghiệp nói riêng và toàn xã hội nói chung .

    Khôi Nguyên