[In trang]
Địa nhiệt - nguồn năng lượng còn bỏ phí
Thứ năm, 20/10/2011 - 11:57
Địa nhiệt là nguồn năng lượng sạch được đánh giá là có nhiều tiềm năng ở Việt Nam. Nhưng dường như nó còn quá xa lạ với nhiều người.

Nguồn năng lượng sạch

Theo các chuyên gia địa chất, nhiệt độ trong lòng đất càng xuống sâu càng tăng lên. Trung bình cứ 33m thì nhiệt độ lòng đất tăng 1oC. Ở độ sâu 50km, nhiệt độ có thể đạt tới 1.500oC. Để khai thác năng lượng địa nhiệt, người ta khoan các giếng sâu 3-5km, rồi đưa nước xuống vùng có nhiệt độ khoảng 200oC khiến nước sôi lên, tạo thành năng lượng quay tuabin máy phát điện. Ở khu vực có suối nước nóng thì chỉ cần lấy nước ở ngay dưới lớp đất là có thể sử dụng được.
 
a92f4f9c0_khidot.jpg

Địa nhiệt là nguồn năng lượng sạch và nhiều tiềm năng ở Việt Nam nhưng chưa được khai thác
 
Các nhà máy sản xuất điện từ địa nhiệt có giá thành rẻ và sạch cho môi trường đã được xây nhiều ở Mỹ, Trung Quốc, Pháp, New Zealand, Nhật Bản, Philippines, Canada... Riêng tại Mỹ, điện địa nhiệt cho phép tiết kiệm tới 80 triệu thùng dầu mỗi năm. Hiện có khoảng 50 nước sử dụng địa nhiệt để sản xuất điện năng, với tổng lượng điện tính đến cuối năm 2007 là 9.732MW, chiếm 0,3% lượng điện năng sản xuất toàn cầu. Con số này hiện đang tăng bình quân 3% mỗi năm.

Tính toán của các chuyên gia năng lượng Mỹ cho thấy, giá một kWh điện sản xuất từ những nguồn địa nhiệt dạng hơi nước nóng trên 250oC chỉ là 2,1 cent với vốn đầu tư 300 USD/kW và diện tích đất chiếm dụng 15 m2/kW. Trong khi đó, giá 1kWh điện sản xuất từ nguồn nước nóng dưới 150oC lên tới 5,1 cent, vốn đầu tư 850 USD/kW và diện tích đất chiếm dụng 18,2 m2/kW. Mức giá này phù hợp với số liệu tính toán của Công ty Ormat Hoa Kỳ trong dự án khai thác điện địa nhiệt từ một số nguồn nước nóng nhiệt độ thấp ở miền Trung Việt Nam.

TS Võ Công Nghiệp (Hội Địa chất - Thủy văn Việt Nam) cho biết, ưu điểm của nguồn địa nhiệt nước ta là phân bố ở đều khắp lãnh thổ, nên có thể sử dụng rộng rãi ở nhiều địa phương nhưng các nguồn nhiệt ở nước ta có nhiệt độ không cao. "Với nhiệt độ thấp, sử dụng để phát điện sẽ tốn kém và cần điều tra nghiên cứu đầy đủ hơn. Tuy nhiên, cũng có thể xây dựng những trạm phát điện công suất nhỏ phục vụ những làng bản vùng sâu, nơi mạng lưới điện quốc gia chưa vươn tới" - ông Nghiệp nói.

Những bước đi đầu tiên

Theo khảo sát và đánh giá của các nhà khoa học, hiện Việt Nam có khoảng 264 nguồn, suối nước nóng phân bố tương đối đều trên cả nước, như Kim Bôi (Hòa Bình), Thạch Bích (Quảng Ngãi), Bình Châu (Bà Rịa - Vũng Tàu)… với nhiệt độ trung bình từ 70-100oC ở độ sâu 3km. Các nguồn nhiệt này có khả năng xây dựng các nhà máy điện có công suất từ 3 đến 30MW. Riêng khu vực từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, nơi có các nguồn địa nhiệt với nhiệt độ từ 70-150oC, được xem là có tiềm năng lớn để khai thác và xây dựng các nhà máy điện địa nhiệt với tổng công suất khoảng 200MW.

Hiện tại, việc sử dụng nguồn năng lượng địa nhiệt ở Việt Nam hầu như chỉ dừng lại ở sấy nông sản. Các nhà khoa học thuộc Tổng cục Địa chất đã sử dụng nước nóng 64oC (Mỹ Lâm) và 85oC (Hội Vân) từ giếng khoan để sấy chè, cùi dừa, sắn, khoai, quả, dược liệu... Việc thử nghiệm cho kết quả khả quan, mở ra triển vọng phát triển năng lượng địa nhiệt ở nước ta.

Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) cũng tiến hành nghiên cứu, khảo sát khả năng sản xuất điện từ nguồn địa nhiệt nhưng đến nay chưa có dự án sản xuất điện nào. Viện Địa chất - Khoáng sản cũng đã từng hợp tác với một công ty lớn của Mỹ để biến nhiệt trong lòng đất thành điện nhưng không thành công vì giá điện từ địa nhiệt cao hơn so với giá điện hiện nay do chi phí cho công nghệ này lớn.

Các tổ chức năng lượng xanh và giới khoa học đã tìm hiểu về nguồn năng lượng địa nhiệt của Việt Nam. Từ năm 2007, Viện Khoa học địa chất và tài nguyên Đức đã điều tra, khảo sát tiềm năng điện địa nhiệt ở sáu điểm nước nóng ở Tu Bông (Khánh Hòa), Phú Sen (Phú Yên), Hội Vân (Bình Định), Nghĩa Thuận, Thạch Trụ (Quảng Ngãi) và Kon Du (Kon Tum) và nghiên cứu phương án sử dụng hiệu quả tùy mức độ chất lượng từng nguồn nước. Riêng Tập đoàn Ormat đã chủ trương đầu tư xây dựng 5 nhà máy điện địa nhiệt tại Lệ Thủy (Quảng Bình), Mộ Đức, Nghĩa Thắng (Quảng Ngãi), Hội Vân (Bình Định) và Tu Bông (Khánh Hòa) với tổng công suất dự kiến lên đến 150-200MW. Tuy nhiên, tất cả đều chưa thể khởi công vì giá bán điện hiện còn thấp hơn giá thành.

Đến nay, Quảng Trị đã cấp phép cho xây dựng nhà máy địa nhiệt đầu tiên tại Đakrông với công suất 25MW, mở ra hy vọng ngành điện sẽ có thêm một nguồn cung cấp mới cho điện lưới quốc gia trong tương lai gần.

Theo Hà Nội mới