[In trang]
ASEAN tăng cường hợp tác năng lượng mới và tái tạo
Thứ năm, 22/09/2011 - 11:24
Các bộ trưởng năng lượng ASEAN đã nhất trí về mục tiêu chung cho khu vực, hướng tới tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo và các công nghệ năng lượng mới, nhằm đảm bảo khả năng phục hồi và tăng trưởng một cách bền vững của ASEAN
Hội nghị Bộ trưởng năng lượng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 29 (AMEM 29), khai mạc ngày 21/9 tại Jerudong, Brunei, đã tập trung thảo luận về một loạt vấn đề quan trọng liên quan đến chính sách, quy định và cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng, nhằm thực hiện kết nối ASEAN và xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

Thông cáo báo chí của Ban thư ký ASEAN cho biết, AMEM 29 là hội nghị năng lượng đầu tiên được tổ chức kể từ khi Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN được thông qua.

f4d2f767c_asean.gif

Tham dự AMEM 29 có Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan, đại diện tất cả các nước thành viên ASEAN, các đối tác đối thoại bao gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Nga, Mỹ và một số tổ chức quốc tế như Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), Viện nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), và công ty tư vấn toàn cầu McKinsey & Company.

Bộ trưởng Năng lượng Brunei Mohammad Yasmin Umar, Chủ tịch AMEM 29, trong diễn văn khai mạc đã khẳng định hội nghị lần này là một “cơ hội vàng” cho tất cả các thành viên ASEAN, các đối tác đối thoại, tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp năng lượng cùng tham gia đẩy nhanh kết nối năng lượng ASEAN.

Ông nhấn mạnh ASEAN có nhu cầu thúc đẩy kết nối cơ sở hạ tầng để mở ra các cơ hội thị trường mới và tăng cường an ninh năng lượng, cũng như đẩy nhanh các dự án liên kết khu vực trong các lĩnh vực năng lượng, dầu khí, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại năng lượng, đầu tư và dịch vụ và tăng cường hợp tác với các đối tác để thúc đẩy mạnh mẽ “Kết nối năng lượng Đông Á.”

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng thư ký Surin Pitsuwan đã nêu bật tầm quan trọng của việc phối hợp các nỗ lực của ngành năng lượng trong khối, khai thác cơ hội hợp tác và thu hút sự tham gia của các đối tác cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong việc thực hiện Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN, và các sáng kiến ASEAN + 3 về Chiến lược toàn diện An ninh lương thực và Phát triển năng lượng sinh học (APTCS-FSBD) và Kế hoạch chiến lược hành động an ninh thực phẩm và năng lượng (SPA-FES).

Các bộ trưởng năng lượng ASEAN đã nhất trí về mục tiêu chung cho khu vực, hướng tới tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo và các công nghệ năng lượng mới, nhằm đảm bảo khả năng phục hồi và tăng trưởng một cách bền vững của ASEAN để đối phó với những thách thức năng lượng ngày càng tăng.

ASEAN cần xây dựng các kho dự trữ dầu khẩn cấp để đối phó với khả năng nguồn cung bị gián đoạn; khẳng định tăng cường năng lực và hợp tác khu vực về năng lượng sạch, đóng góp vào đối thoại năng lượng toàn cầu, cung cấp các nghiên cứu thống kê, phân tích và khuyến nghị cần thiết, nhằm cung cấp các lựa chọn và chiến lược trong việc xây dựng một chương trình năng lượng phối hợp, tập trung, mạnh mẽ, hiệu quả và chiến lược cho ASEAN.

Hội đồng ASEAN về dầu khí (ASCOPE) dự đoán ASEAN có thể trở thành khu vực nhập khẩu ròng trong 5 năm tới, và điều này đòi hỏi một sự hợp tác mạnh mẽ hơn giữa các nước thành viên ASEAN và với các đối tác để tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh và tiếp thị dầu khí trong khu vực.

ASCOPE cho biết hai dự án kết nối năng lượng hàng đầu của ASEAN là “Lưới điện ASEAN” (APG) và “Tuyến đường ống dẫn khí đốt xuyên ASEAN” (TAGP) sẽ giúp tăng cường đảm bảo an ninh năng lượng khu vực, đem lại nhiều cơ hội khi các dự án cơ sở hạ tầng năng lượng được triển khai, bao gồm cả cơ sở hạ tầng cho giao dịch khí tự nhiên hóa lỏng và các phương thức hợp tác khác.

Bên lề Hội nghị, ASEAN và IEA đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác năng lượng. Giám đốc điều hành IEA, bà Maria van de Hoeven khẳng định IEA sẵn sàng hỗ trợ ASEAN trong nghiên cứu và xây dựng năng lực.

Tổng Thư ký Surin Pitsuwan đánh giá Bản ghi nhớ này là một thành tựu quan trọng sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho ASEAN và IEA tăng cường hợp tác, khám phá các cơ hội mà IEA có thể hỗ trợ ASEAN trong việc thực hiện các mục tiêu năng lượng, mục đích và các biện pháp đã đề ra trong “Kế hoạch hành động về hợp tác năng lượng ASEAN” (APAEC).

Thúy Hằng