[In trang]
Tiết kiệm chi phí để giảm giá thành
Thứ năm, 15/09/2011 - 16:44
Ước tính, sản lượng điện sản xuất được từ nhiệt thừa trong quá trình sản xuất xi măng sẽ đáp ứng từ 25 - 30% điện tiêu thụ của mỗi nhà máy.
 Trong hoàn cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, các giải pháp tiết kiệm, trong đó có tiết kiệm điện nhằm bù đắp chi phí đã được Tổng công ty Công nghiệp Xi măng VN áp dụng hiệu quả.

Hiện nay, do giá nhiên liệu đầu vào tăng cao (xăng dầu tăng 2 lần, khoảng 40%), giá than tăng 40%, giá xăng tăng 15,3%, sắp tới giá điện được điều chỉnh theo cơ chế thị trường... Như vậy, tổng chi phí đầu vào cho sản xuất xi măng chiếm tới 70% giá thành. Lãi suất ngân hàng tăng cao đã gây khó khăn lớn cho các nhà máy xi măng, đặc biệt các dự án xi măng đã đến thời hạn phải trả nợ.

5489055fb_xi_mang.jpg

Trước tình hình này, Vicem bắt buộc phải tăng giá bán xi măng để bù đắp chi phí. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Vicem, mức tăng cần được nghiên cứu kỹ, có lộ trình để không tác động quá lớn đến thị trường xi măng, đảm bảo hài hòa ba lợi ích: Lợi nhuận của DN; thu nhập của người lao động và nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Nếu không điều chỉnh giá để bù đắp một phần chi phí do các yếu tố tăng giá nêu trên thì ngành xi măng sẽ không thể tồn tại được, trước mắt là trong năm nay sẽ thiếu nguồn tiền để trả nợ vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Tiết kiệm điện, ưu tiên điện cho sản xuất là giải pháp đầu tiên nhiều nhà máy xi măng trong ngành áp dụng. Ông Lê Văn Chung – Chủ tịch HĐQT Vicem cho biết: “Thiếu điện về dài lâu còn là tình trạng chung nên các DN phải chia sẻ khó khăn với ngành điện. Vicem cũng đang nghiên cứu một số công nghệ mới nhằm tiết kiệm năng lượng trong sản xuất. Các Cty thành viên trong Vicem sẽ đầu tư mạnh cho việc cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng, sản lượng nhằm hạ giá thành sản phẩm. Đặc biệt là chương trình đầu tư tận thu khí thải, nhiệt thừa để sản xuất điện, tái phục vụ quá trình sản xuất. Ước tính, sản lượng điện sản xuất được từ nhiệt thừa trong quá trình sản xuất xi măng sẽ đáp ứng từ 25 - 30% điện tiêu thụ của mỗi nhà máy. Hiện nay đã có 1 nhà máy đầu tư sản xuất điện từ nhiệt, khí thải thành công là nhà máy xi măng Hà Tiên 2. Nhà máy xi măng Hoàng Thạch cũng đã đưa ra triển khai kế hoạch năm 2011, đầu tư trạm phát điện tận dụng nhiệt khí thải lò công suất 7,5 MGW”. Tiếp theo là Vicem Bút Sơn cũng đang triển khai chương trình tận dụng nhiệt khí thải lò để làm ra điện.

Ước tính, sản lượng điện sản xuất được từ nhiệt thừa trong quá trình sản xuất xi măng sẽ đáp ứng từ 25 - 30% điện tiêu thụ của mỗi nhà máy.

Xác định thị trường là vấn đề sống còn của DN, Vicem đã chuyển mô hình tiêu thụ sang mô hình nhà phân phối để tận dụng năng lực tiêu thụ của toàn xã hội. Mở rộng mạng lưới trải đều khắp các vùng miền; phát huy thế mạnh của các nhà máy đóng tại các địa phương và vùng lân cận. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện mô hình này và từng bước điều chỉnh cơ chế giá bán xi măng phù hợp theo cơ chế thị trường, thống nhất giá đầu nguồn, áp dụng khuyến mại kích thích và điều tiết thị trường nên công tác tiêu thụ được đẩy mạnh.

Ông Chung cho biết, Vicem sẽ tiếp tục tái cấu trúc DN, tiếp tục triển khai đề án Tập đoàn Công nghiệp xi măng VN. Nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2010 - 2015 của Vicem đề ra là tổng doanh thu 2015 đạt 50 ngàn tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với 2010. Trong đó doanh thu từ xi măng  34 ngàn tỷ, doanh thu từ bê tông trộn sẵn 11 ngàn tỷ, doanh thu từ cốt liệu 5 ngàn tỷ; Mức tăng trưởng bình quân từ 10 đến 15% năm; bảo toàn và phát triển nguồn vốn, đảm bảo hiệu quả của DN, nhanh chóng đưa ngành xi măng VN thành một ngành công nghiệp mạnh.

Theo Thời báo doanh nhân