[In trang]
Gỡ khó trong khai thác điện gió
Thứ bảy, 17/09/2011 - 16:06
Cùng với việc phát triển các dự án điện “truyền thống”, phát triển các dự án điện gió ở VN đang là những dự án thu hút sự quan tâm của nhiều phía
Bình Định là tỉnh đầu tiên ở Việt Nam có các dự án điện gió được cấp phép đầu tư. Ưu điểm hàng đầu của điện gió là nguồn năng lượng sạch, không tiêu tốn nhiên liệu, không gây ô nhiễm môi trường; chi phí xây dựng các nhà máy điện gió thấp hơn các loại hình khác, lại dễ chọn địa điểm, có thể đặt ở những vị trí khác nhau với những giải pháp rất linh hoạt, phong phú.

Tuy nhiên, việc đầu tư điện gió ở Việt Nam còn chưa phát triển do nhiều khó khăn từ điều kiện tự nhiên, thời tiết, công nghệ và đặc biệt là suất đầu tư cao dẫn tới giá thành, giá bán điện cao.

279612da8_diengio12.jpg

Theo kế hoạch mới được Thủ Tướng phê duyệt về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện 7), sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu năm 2015 khoảng 194 - 210 tỷ kWh. Đến năm 2020, lượng điện sẽ lên tới 330 - 362 tỷ kWh. Con số này sẽ lên tới 695 - 834 tỷ kWh vào năm 2030. Tổng vốn đầu tư cho toàn ngành đến năm 2020 khoảng 929,7 nghìn tỷ đồng (tương đương với 48,8 tỷ USD). Trong giai đoạn 2011 - 2030, vốn đầu tư lên tới khoảng 2.359 nghìn tỷ đồng (tương đương 123,8 tỷ USD).

Giá bán điện sẽ được điều chỉnh theo giá nhiên liệu, tỷ giá hối đoái và cơ cấu sản lượng phát điện. Giá sẽ được giảm dần tiến tới bù chéo giữa các nhóm hàng, giữa các miền, theo mùa và theo vùng. Theo đó, giá điện được điều chỉnh dần từng bước, dự kiến đến năm 2020 tương đương 8-9 cent mỗi kWh thay vì khoảng 6 cent nhu hiện tại.

Cũng theo quy hoạch, tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo điện gió, điện mặt trời... sẽ nâng từ mức 3,5% năm 2010, lên 4,5% tổng điện năng sản xuất vào năm 2020 và đạt 6% vào năm 2030. Tổng công suất nguồn điện gió sẽ lên tới 1.000 MW vào năm 2020 và đạt 6.200 MW vào năm 2030. Tổng công suất thủy điện từ 9.200 MW hiện nay lên 17.400 MW vào năm 2020. Điện hạt nhân sẽ được vận hành từ năm năm 2020 và 10 năm sau, nguồn điện hạt nhân sẽ có công suất 10.700 MW.

Cùng với việc phát triển các dự án điện “truyền thống”, phát triển các dự án điện gió ở VN đang là những dự án thu hút sự quan tâm của nhiều người. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, hiện ứng dụng điện gió ở Việt Nam mới ở  giai đoạn đầu, với tổng công suất lắp đặt khoảng 9 MW, trong đó 7,5 MW đã nối lưới nhưng chưa có giá bán.Các turbin nhỏ quy mô gia đình (150-200 W) chủ yếu lắp đặt ở khu vực ngoài lưới.

Suất vốn đầu tư điện gió thế giới cũng như ở Việt Nam còn khá cao, mức dao động lớn. Mức cao nhất là 2,77 triệu USD/MW, thấp nhất là 1,77 triệu USD/MW và trung bình là 2,2 triệu USD/MW.

Hiện đang có 21 dự án điện gió quy mô nối lưới đang được nghiên cứu triển khai, phổ biến có công suất 30MW, loại turbin 1,5 MW. Các dự án này tập trung ở Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Định và Lâm Đồng - những tỉnh có tiềm năng điện gió với công suất thiết kế khoảng trên 2.000 MW.

Thực tế, một trạm phong điện 4kW có thể đủ điện cho một trạm kiểm lâm trong rừng sâu hoặc một ngọn hải đăng xa đất liền. Một trạm 10kW đủ cho một đồn biên phòng trên núi cao, hoặc một đơn vị hải quân nơi đảo xa. Một trạm 40kW có thể đủ cho một xã vùng cao, một đoàn thăm dò địa chất hay một khách sạn du lịch biệt lập, nơi đường dây chưa thể vươn tới được...

Ví dụ như khi các nhà máy phong điện Phương Mai 3 và Phương Mai 1 của công ty cổ phần phong điện miền Trung- Bình Định đi vào hoạt động có tổng công suất 51MW sẽ hoà vào lưới điện quốc gia tổng lượng điện năng gần 150.000MWh. Điều này góp phần rất lớn trong việc giải quyết tình trạng thiếu điện hiện nay.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc cấp phép, triển khai các dự án điện gió đến nay vẫn tự phát, do thiếu quy hoạch cụ thể cũng như việc bổ sung quy hoạch điện lực chung của địa phương và khu vực. Đặc biệt, việc chưa thống nhất giá bán điện đã khiến các nhà máy điện gió đang ở trong tình trạng khó khăn.

Ông Nguyễn Ngọc Toàn, phó ban quản lý khu kinh tế Bình Định cho biết, từ năm 1997, Bình Định đã hình thành dự án liên doanh sản xuất điện bằng sức gió.Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau nên việc tiến hành xây dựng nhà máy điện gió Phương Mai đã bị trì hoãn nhiều lần. Đến đầu năm 2006, dự án mới chính thức khởi động.

Cho đến nay, việc phát triển dự án rất chậm, mà do nhiều nguyên nhân, nhưng vướng mắc lớn nhất là giá thành bán điện cho tổng công ty Điện lực Việt Nam (VNE). Trước đây, VNE chỉ mua với mức giá 4 cent/kWh nên chủ đầu tư các dự án điện gió không chấp nhận. Tháng 12.2010, Thủ tướng đã yêu cầu VNE nâng giá mua điện từ các nhà máy  điện gió lên 12 cent/kWh để ưu tiên, đẩy mạnh phát triển năng lượng sạch. Sau khi hoàn thành, các nhà máy điện gió sẽ bán điện trực tiếp cho VNE. Do đó, khi vướng mắc này được tháo gỡ, các dự án điện gió sẽ triển khai nhanh hơn. Hiện nay, UBND tỉnh Bình Định cũng đang thể hiện quyết tâm xây dựng bằng được các nhà máy điện gió để làm tiên phong phát triển năng lượng sạch.

Trước tình hình một số dự án điện gió gặp khó khăn, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu các cơ quan chức năng phải làm rõ những cơ chế ưu đãi cụ thể, giúp nhà đầu tư tính toán, triển khai các dự án điện gió tại Việt Nam có tính khả thi cao; đưa ra các chính sách hỗ trợ giá điện thu mua, thuế, đất đai... và đặc biệt là tạo Quỹ hỗ trợ năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường - một trong những nguồn thu quan trọng để hỗ trợ sản phẩm năng lượng tái tạo như điện gió nối lưới.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu xây dựng cơ chế để tạo hành lang pháp lý thống nhất về chính sách hỗ trợ đầu tư điện gió nói riêng cũng như các dự án năng lượng tái tạo nói chung, tạo cơ sở để các địa phương, các khu vực quy hoạch được các nguồn năng lượng mới, đồng bộ trong hệ thống quy hoạch điện lực quốc gia.

Theo VCCI