[In trang]
Cần cơ chế thoáng để phát triển năng lượng xanh
Thứ ba, 06/09/2011 - 00:48
Khi nguyên liệu hóa thạch cạn kiệt, nhu cầu về năng lượng ngày càng cao thì năng lượng xanh sẽ là đối tượng cần được quan tâm và ứng dụng triệt để.
Việt Nam là quốc gia giàu có về nguồn năng lượng từ mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh học, năng lượng tái tạo từ phế phẩm nông sản, cây rừng …nhưng lại khai thác chưa hiệu quả. Khi nguyên liệu hóa thạch cạn kiệt, nhu cầu về năng lượng ngày càng cao thì năng lượng xanh sẽ là đối tượng cần được quan tâm và ứng dụng triệt để.

Tiềm năng dồi dào

Theo Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển về tiết kiệm năng lượng (ET) hiện nay nhân loại đang khủng hoảng về các nguồn nhiên liệu hóa thạch đang cạn kiệt và gây ô nhiễm môi trường. Giải pháp mà con người tìm đến là là nguồn năng lượng mới như năng lượng gió, mặt trời, năng lượng sinh khối. Tại Việt Nam, nguồn sinh khối chủ yếu gồm gỗ và phụ phẩm cây trồng, hai sản phẩm này rất dồi dào và đang bỏ phí rất lớn.

ed7b53247_xsnh.jpg

Bà Trần Thị Kim Liên, Thư lý ET cho biết, thông qua công  nghệ khí hóa sinh khối, nếu ta sử dụng 4 kg củi hoặc 6 kg trấu có thể thay thế tương đương cho một lít nguyên liệu dầu. Áp dụng công nghệ khí hóa sinh khối ngoài sử dụng năng lượng giá rẻ, công nghệ này còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường rất lớn so với sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Thạc sĩ Trần Văn Tuấn- trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cho biết, chỉ tính riêng ở khu vự miền Đông Nam Bộ, năng lượng sinh khối còn rất lớn và được sử dụng hiệu quả. Cụ thể thân ngô chiếm 4,54 triệu tấn, bã mía 16,15 triệu tấn, sắn 9,31 triệu tấn, phụ phẩm từ gỗ 3,61 triệu tấn.

Hiện tại củi trấu đang phát triển dùng làm năng lượng cho các nhà máy thay than đá; phế phẩm gỗ rừng làm năng lượng phát điện nhưng các phương án đa số đều dừng ở mức dự án, sắp triển khai.         

Ông Ngô Doãn Luật, đại diện Công ty TNHH MTV Tân Mai (Sa Đéc Đồng Tháp) cho biết, lợi ích của hệ thống lò gạch bốn buồng kết hợp với khí hóa trấu mang lại lợi ích rất lớn. Tổng mức đầu tư cho quy trình sản xuất này vào khoảng từ 1,7-1,8 tỷ đồng, cho công suất 180 000 sản phẩm quy đổi /năm, tương đương 1620 tấn thành phẩm/năm (sản phẩm quy đổi: chậu tròn đường kính 30 cm, 8 kg/chiếc).

Đối với mức tiêu hao, suất tiêu thụ trấu là 330 kg/tấn sản phẩm, trong khi suất tiêu thụ điện là 48kWh/tấn thành phẩm. Đốt lò theo phương pháp này cho năng xuất cao, sản phẩm thu được đẹp, tỷ lệ phế phẩm thấp và chi phí rẻ.

Tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hiện có hàng nghìn lò gạch sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống. Khi áp dụng bộ khí hóa chi phí thấp trong sản xuất gạch sạch tại khu vực này, theo kết qủa nghiên cứu của ET thì hiệu suất sử dụng nhiên liệu ít hơn 20% so với truyền thống. Mặt khác khi sử dụng công nghệ này cho phép thời gian thu hồi vốn từ tiết kiệm nhiên liệu 1-3 năm, mọi người có thể dễ dàng tiếp cận với công nghệ này, chi phí đầu tư không nhiều lại dễ vận hành, ít hư.

Cần một cơ chế thoáng để phát triển năng lượng xanh

Tại TP.HCM đã có một số công trình xây dựng sử dụng năng lượng xanh cho hiệu quả thấy rõ. Tại Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, chiếc cầu Ánh Sao dài 154m, rộng 8m bắc qua kênh Thầy Tiêu được đầu tư 50 tỷ đồng thật đặc biệt. Trên mặt sàn và dưới đáy dầm cầu được bố trí rãi khắp đèn LED màu. Để thắp sáng những đèn LED (đèn tiết kiệm năng lượng) một hệ thống những tấm pin thu năng lượng mặt trời cặp theo bên hông cầu phía hạ lưu và hệ bình ắc quy trữ điện.

Nhờ năng lượng này chiếc cầu sáng điện quanh năm, đặc biệt chi phí về năng lượng để trang trí chiếc cầu chỉ bằng 1/5 so với sử dụng điện thông thường.Tại TP.HCM, nếu chuyển toàn bộ hệ thống chiếu sáng công cộng dùng điện sang năng lượng mặt trời sẽ tiết kiệm được hơn 73 triệu kWh/năm. Tuy nhiên trong số 100.000 trụ đèn chiếu sáng công cộng ở TPHCM, chỉ mới có 32 trụ đèn chiếu sáng dùng năng lượng sạch.

Theo quy hoạch phát triển điện lực TPHCM giai đoạn 2011-2015, đến năm 2015 thành phố sẽ có thêm 2 nhà máy điện sử dụng năng lượng từ nguồn rác thải với tổng công suất 40 MW, dự kiến nhà máy sản xuất điện từ rác hữu cơ được xây dựng tại ba chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn. Mỗi ngày  một chợ đầu mối thải ra khoảng 50 tấn rác, trong đó 95% là rác hữu cơ, đây là nguồn nguyên liệu để thu khí phát điện.

Ước tính mức vốn đầu tư cho một dự án điện từ rác thải khoảng 3-4 triệu USD, ngoài có thêm nguồn điện, các dự án này còn tiết kiệm chi phí thu gom rác khoảng 300 triệu đồng/tháng.

Mặc dù Nhà nước đã ban hành một số cơ chế, chính sách để phát triển năng lượng tái tạo nhưng do nguồn tài chính hỗ trợ người sử dụng nhiệt, điện từ năng lượng tái tạo có hạn, chưa có cơ chế hỗ trợ điện ngoài lưới dựa vào năng lượng tái tạo; thiếu đầu tư cho công tác đánh giá tiềm năng, xây dựng cơ sở dữ liệu và thiếu nguồn kinh phí dài hạn cho chương trình. Chẳng hạn, giá thành sản xuất 1 KWh điện mặt trời lên đến 18 cent/KWh, trong khi giá thành điện than, điện khí chỉ 5,1 - 5,2 cent/KWh.

Mặt khác, thiết bị chiếu sáng sử dụng năng lượng sạch chi phí đầu tư cao hơn 40% - 60% chi phí đầu tư thiết bị dùng năng lượng truyền thống, vì thế nhiều dự án năng lượng xanh, năng lượng tái tạo vẫn đang còn nằm chờ đầu tư.

Theo Báo Công Thương