[In trang]
Đa dạng hoá nguồn vốn cho quy hoạch điện VII
Chủ nhật, 04/09/2011 - 14:42
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, vốn đầu tư cho toàn ngành điện đến năm 2020 vẫn là bài toán khó để hoàn thành những dự án điện theo Quy hoạch điện VI cũng như bắt tay vào triển khai các kế hoạch trong Quy hoạch điện VII.
Trong bối cảnh vốn đầu tư khó khăn, việc triển khai các dự án nguồn, lưới trong Quy hoạch điện VII sẽ đặc biệt chú trọng, khuyến khích đa dạng hóa các dòng vốn từ xã hội, chuyển dịch mạnh cơ cấu đầu tư so với trước đây. Các dự án điện IPP, BOT và cả BOO sẽ ngày càng phải chiếm tỷ trọng lớn. Nhà nước sẽ tạo điều kiện tối đa để triển khai các dự án đầu tư xây dựng nguồn điện không sử dụng vốn NSNN để đầu tư, khai thác và bán điện theo quy định của pháp luật về điện lực.

Với mục tiêu cung cấp đầy đủ nhu cầu điện trong nước, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu năm 2015 khoảng 194-210 tỷ kWh, năm 2020 khoảng 330-362 tỷ kWh, giảm hệ số đàn hồi điện/GDP từ bình quân 2,0 hiện nay xuống còn 1,5 vào năm 2015 và còn 1,0 vào năm 2020... quy hoạch điện VII sẽ cần khoảng 929,7 nghìn tỷ đồng (tương đương với 48,8 tỷ USD, trung bình mỗi năm cần khoảng 4,88 tỷ USD) vốn đầu tư. Trong đó đầu tư vào nguồn điện là 619,3 nghìn tỷ đồng, đầu tư vào lưới điện là 210,4 nghìn tỷ đồng.

30f0e5821_34.jpg

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, vốn đầu tư cho toàn ngành điện đến năm 2020 vẫn là bài toán khó để hoàn thành những dự án điện theo Quy hoạch điện VI cũng như bắt tay vào triển khai các kế hoạch trong Quy hoạch điện VII. Nhiều dự án phát triển nguồn điện đã và đang triển khai bị kéo lùi tiến độ do không có vốn để thực hiện. Bên cạnh đó, việc đền bù, giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư cũng là nguyên nhân chính cản trở tiến độ đưa vào vận hành các nhà máy điện. Trong khi đó, giá mua điện từ các dự án nguồn điện còn thấp, đàm phán mua bán điện kéo dài, chưa hấp dẫn với các chủ đầu tư... Do vậy, triển khai Quy hoạch điện VII, một loạt các dự án cũng đứng trước thách thức lớn về bài toán vốn đầu tư. Theo đánh giá chung, trong bối cảnh chung của nền kinh tế, việc thực hiện các dự án điện theo các quy hoạch đã khó lại càng thêm khó. Tuy nhiên, là ngành đầu vào thiết yếu của xã hội, Nhà nước phải có những giải pháp cần thiết tháo gỡ khó khăn, đảm bảo điện phục vụ phát triển.

Theo ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, để thực hiện được Quy hoạch điện VII, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt một số giải pháp đồng bộ bao gồm các giải pháp bảo đảm an ninh cung cấp điện, tạo nguồn vốn đầu tư phát triển ngành điện, giá điện cũng như giải pháp về đổi mới tổ chức quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động điện lực. Đối với vấn đề tạo nguồn vốn đầu tư phát triển ngành điện, ông Hoàng Quốc Vượng cho rằng, trước hết từng bước tăng khả năng huy động tài chính nội bộ trong các DN ngành điện thông qua các giải pháp như nâng cao hiệu quả, hiệu suất hoạt động của các DN ngành điện, đảm bảo có tích luỹ, đảm bảo vốn tự có cho đầu tư phát triển theo yêu cầu của các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế, tiến tới huy động nguồn vốn chính cho các công trình điện là vốn tự tích luỹ của các DN. Phát triển các tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong ngành điện có tín nhiệm tài chính cao để giảm chi phí huy động vốn cho các dự án điện, tự huy động vốn không cần đến sự bảo lãnh của Chính phủ. Tăng cường huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu trong và ngoài nước để đầu tư cho các công trình điện, áp dụng biện pháp chuyển tiết kiệm trong nước thành vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng.

Trong giai đoạn đầu, Nhà nước bảo lãnh phát hành trái phiếu cho các dự án trọng điểm, cấp bách. Thực hiện liên doanh trong và ngoài nước nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước tham gia xây dựng phát triển các dự án điện. Thực hiện cổ phần hoá các DN ngành điện nhà nước không cần giữ 100% vốn. Đặc biệt, tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào phát triển các dự án điện. Tăng cường thu hút các nguồn vốn từ nước ngoài, bao gồm: vốn viện trợ phát triển chính thức ưu đãi, viện trợ phát triển chính thức không ưu đãi, vay thương mại nước ngoài...

Theo Diễn đàn DN