[In trang]
Phát triển điện gió : Cần thiết, nhưng phải thận trọng
Thứ sáu, 19/08/2011 - 08:56
Được đánh giá là nước có tiềm năng gió rất lớn với công suất ước tính lên đến 513.360 MW, Việt Nam đang chủ trương thúc đẩy các hoạt động đầu tư phát triển nguồn điện gió nhằm bổ sung, thay thế nguồn nhiên liệu hoá thạch đang dần cạn kiệt.
Được đánh giá là nước có tiềm năng gió rất lớn với công suất ước tính lên đến 513.360 MW, Việt Nam đang chủ trương thúc đẩy các hoạt động đầu tư phát triển nguồn điện gió nhằm bổ sung, thay thế nguồn nhiên liệu hoá thạch đang dần cạn kiệt. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, sự phát triển nguồn năng lượng gió ở Việt Nam còn khá nhiều bất cập.

Cái khó của nhà đầu tư

Theo Quy hoạch điện VI, tổng công suất điện từ nguồn năng lượng tái tạo sẽ tăng từ 2,5% (năm 2008) lên 3% vào năm 2010, 5% vào năm 2020 và 11% vào năm 2050. Tuy nhiên, báo cáo của Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, hiện cả nước mới có 42 dự án điện gió tại 12 tỉnh (chủ yếu tập trung ở miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ) với tổng công suất 3.906 MW. Trong đó, 1/3 số dự án có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài như: Đức, Canada, Thụy Sĩ, Argentina nhưng việc đầu tư còn chậm và mang tính thăm dò. Trừ tỉnh Bình Thuận là địa phương được đánh giá là có tiềm năng gió lớn nhất nước với diện tích 75.468 héc ta (vận tốc gió trên 6,0m/s), quy hoạch công suất nguồn điện gió giai đoạn 2010-2015 có xét đến năm 2020 đạt tới khoảng 3.000MW, đến thời điểm này, tổng công suất các dự án điện gió đã đăng ký và đang triển khai đạt tới 1.541 MW. Các địa phương khác tiến triển rất chậm.

671ebd161_binh_thuan.jpg

Ông Đặng Trọng Hiếu, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn điện gió Việt Nam cho biết, việc phát triển điện gió ở Việt Nam còn nhiều bất cập. Thứ nhất là chưa có quy hoạch, thứ hai là xã hội chưa nhận thức đầy đủ về các tác động tích cực, quan trọng của điện gió. Việc cấp phép, triển khai đến nay vẫn còn thiếu quy hoạch cụ thể. Việc thiếu một khung chính sách phù hợp đã làm cho việc xây dựng các trại gió quy mô lớn gặp nhiều khó khăn. Những chính sách trợ giá mua điện từ nguồn năng lượng gió, những quy định cụ thể nhằm quản lý hoạt động đầu tư phát triển điện gió chưa rõ ràng, thống nhất nên chưa khuyến khích nhà đầu tư. Bên cạnh đó là sự hạn chế về trình độ kỹ thuật để thiết kế, thi công, kể cả dịch vụ bảo quản, bảo trì, điều hành và quản lý công trình. Đặc biệt, nỗi lo lớn nhất của các nhà đầu tư là suất đầu tư và giá thành sản xuất khá cao khiến các nguồn năng lượng tái tạo rất khó cạnh tranh với các nguồn điện khác.

Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng, suất đầu tư điện gió trung bình trên 2 triệu USD/MW, gấp đôi thủy điện. Vì vậy, trong khi giá bán của các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ cho EVN dao động từ 450 đồng - 700 đồng/kWh, thì giá điện gió lên tới hơn 1.300 đồng/kWh. Tuy nhiên, ông Đặng Công Chuẩn, Phó TGĐ Trungnam Group cho rằng, giá điện gió phải trên 10 cent/kWh, các nhà đầu tư mới có lợi nhuận.

Nhà nước khuyến khích và ưu đãi


Vừa qua, Bộ Công Thương đã hoàn tất dự thảo đề án quy hoạch điện gió trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ông Phạm Mạnh Thắng (Vụ trưởng Vụ Năng lượng - Bộ Công Thương) cho biết, theo dự thảo, điện gió sẽ được EVN mua với giá cố định 1.317 đồng/kWh (6,8 cent). Bên cạnh đó, các nhà đầu tư sẽ được trợ giá thêm 185 đồng/kWh (1 cent) từ ngân sách nhà nước, thời gian hỗ trợ là 20 năm; được miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị; được áp dụng thuế suất thu nhập doanh nghiệp ưu đãi 10% cho cả đời dự án; được miễn tiền sử dụng đất, thuê đất, phí bảo vệ môi trường trong toàn bộ dự án... Tùy điều kiện, mức hỗ trợ sẽ được điều chỉnh hằng năm.

Bên cạnh đó, Dự án Năng lượng gió do Đức hỗ trợ cho Việt Nam sau 3 năm hoạt động đã giúp xây dựng khung pháp lý cho điện gió nối lưới tại Việt Nam. Dự án đã cung cấp những thông tin cần thiết về cơ chế pháp lý hiện hành và những hỗ trợ của chính phủ cho các nhà đầu tư điện gió tại Việt Nam; thông tin về quy trình đầu tư và các phương án tài chính. Vấn đề quy hoạch, chọn địa điểm thích hợp cho các “trại gió” phát điện cũng được hướng dẫn chi tiết dựa trên những phân tích về tốc độ gió, cơ sở hạ tầng. Về vấn đề thiết bị, Fuhrlaender, nhà cung cấp tua-bin cho trại gió đầu tiên ở Việt Nam cũng cam kết mở nhà máy sản xuất cánh tua-bin và lắp ráp tua-bin ở Bình Thuận. Đây là những tín hiệu rất đáng mừng cho các nhà đầu tư điện gió.

Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng rất quan tâm đến việc chuyển tải và phân phối điện từ các nhà máy điện gió. Nếu EVN không đầu tư thì các chủ đầu tư điện gió phải thực hiện và như vậy phải cộng vào chi phí, giá điện gió sẽ càng tăng cao. Về vấn đề này, ông Phạm Mạnh Thắng khẳng định, việc đầu tư phát triển điện gió là cần thiết nhưng phải rất thận trọng và không nên bằng mọi giá để thực hiện. Bởi vì, nếu tìm mọi cách phát triển điện gió thì có thể làm tăng áp lực đẩy giá điện lên cao.

Theo EVN