[In trang]
Phát triển sắn nguyên liệu cho sản xuất ethanol
Chủ nhật, 31/07/2011 - 01:50
PVN sẽ tạo điều kiện cho các hộ nông dân, hợp tác xã… được mua cổ phần các nhà máy nhiên liệu sinh học nhằm gắn bó lâu dài giữa các nhà cung cấp nguyên liệu với các nhà máy.
Chủ trương của PVN về nguyên liệu là gắn kết 3 nhà: Nhà nông, nhà kinh doanh và nhà khoa học. Trong tương lai sẽ tạo điều kiện cho các hộ nông dân, hợp tác xã… được mua cổ phần các nhà máy nhiên liệu sinh học

Bên cạnh nhu cầu sắn nguyên liệu cho sản xuất thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và chế biến tinh bột như trước đây, thì nhu cầu nguyên liệu sắn cho sản xuất ethanol ở nước ta trong những năm tới rất lớn. Nếu không có giải pháp tăng sản lượng thì các cơ sở chế biến sắn sẽ thiếu nguyên liệu trầm trọng.

453f05310_san.jpg

Người trồng sắn có cơ hội được mua cổ phần các nhà máy sản xuất NLSH


Theo nhận định của Agroinfo, trong thập niên tới, nhu cầu sắn của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng để đáp ứng nhu cầu thức ăn chăn nuôi ngày càng tăng, đồng thời đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến thực phẩm, dược phẩm và chế biến nhiên liệu sinh học. Mặt khác, theo tính toán của IPSI (Bộ Công Thương) để thực hiện phương án thay thế 5% bằng ethanol theo Quyết định 177/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Dự án Nhiên liệu sinh học (NLSH)đến năm 2015, tầm nhìn 2025, thì nhu cầu sắn nguyên liệu cho sản xuất ethanol trong nước những năm tới như sau: Đến năm 2015 khoảng 3,2-4,0 triệu tấn, 2020 khoảng 5,1-5,4 triệu tấn và 2025 khoảng 6,8-8,0 triệu tấn.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương đến hết năm 2012, cả nước sẽ có 6 nhà máy  sản xuất ethanol đi vào hoạt động với tổng công xuất thiết kế 550 triệu lít/năm, gồm các nhà máy của Công Đồng Xanh (Đại Lộc, Quảng Nam) công xuất 100 triệu lít/năm; nhà máy của Công ty Đại Việt (tại Đắc Nông) 50 triệu lít/năm; nhà máy của Công ty Tùng Lâm (Đồng Nai); 3 nhà máy của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam xây dựng tại Bình Phước, Dung Quất (Quảng Ngãi) và Tam Nông (Phú Thọ) mỗi nhà máy có công xuất 100 triệu lít/năm. Khi các nhà máy đi vào hoạt động, nhu cầu nguyên liệu cần khoảng 3,5-3,7 triệu tấn sắn tươi/năm.

Theo báo cáo của Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện diện tích trồng sắn trong cả nước đạt 496 nghìn ha. Ông Phan Đăng Tuất, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết: Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, Việt Nam sở hữu nhiều vùng đất rất thích hợp trồng sắn, có thể tạo ra năng suất cao. Hơn nữa, đầu tư vào sắn chỉ bằng 1/2 so với mía, 2/3 so với lúa. Lợi thế trồng sắn cho phép chúng ta phát triển với quy mô lớn, gia tăng năng lực cạnh tranh theo quy mô sau năm 2020. Còn nhìn trước mắt trong 5-10 năm nữa, cũng chưa có cây nguyên liệu nào có thể thay thế cây sắn trong sản xuất ethanol.“Lợi thế tự nhiên, thế mạnh đặc thù của mỗi vùng đất bản thân đã chứa đựng năng lực cạnh tranh mà không nơi nào có được, song Việt Nam hiện chưa đầu tư nhiều cho cây sắn”, ông Tuất khẳng định.

Ông Phạm Huy Thông, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, mặc dù trong 10 năm qua, năng suất sắn tăng khá nhanh (bình quân 9,4%/năm) và năm 2010 đã đạt bình quân 17,2 tấn/ha, cao hơn mức bình quân của thếâ giới (12,2 tấn/ha) nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu quy hoạch và thấp hơn nhiều so với năng suất của một số nước trong khu vực như Thái Lan (21,09 tấn/ha), Ấn Độ (34,43 tấn/ha).

Theo ông Thông, nếu muốn mở thêm các nhà máy chế biến sắn hoặc sản xuất ethanol từ sắn cần có phương án đầu tư vùng nguyên liệu để thâm canh tăng năng suất sắn và có cơ chế liên kết, tiêu thụ sản phẩm hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích của người sản xuất và cơ sở chế biến để người sản xuất yên tâm, gắn bó với nhà máy. Trên cơ sở quy hoạch định hướng chung của toàn quốc, từng tỉnh, thành phố, rà soát, điều chỉnh quy hoạch, phân vùng sắn nguyên liệu cho từng nhà máy chế biến. Căn cứ quy hoạch, từng nhà máy phải xây dựng dự án phát triển vùng nguyên liệu chủ lực của mình. Đồng thời, tổ chức các mô hình liên kết sản xuất sắn nguyên liệu như người dân góp cổ phần bằng giá trị quyền sử dụng đất, công ty đầu tư giống, vật tư và quản lý kỹ thuật…

Bên cạnh đó, phát triển nhanh các giống sắn tốt vào sản xuất, đẩy mạnh công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác sắn bền vững cho nông dân. Từng địa phương, nhà máy xây dựng các mô hình mẫu về trồng sắn thâm canh bền vững theo hướng áp dụng các kỹ thuật tiên tiến. Đảm bảo giá thu mua sắn nguyên liệu hợp lý, đặt trong thế cạnh tranh đối với các cây trồng khác và cạnh tranh với giá sắn xuất khẩu.

Xác định rõ nguyên liệu là yếu tố đầu vào quyết định tới sự vận hành ổn định, hiệu quả của nhà máy, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã chỉ đạo các nhà máy trực tiếp xây dựng kế hoạch thu mua và phát triển vùng nguyên liệu sắn lát đảm bảo cung cấp đủ cho dự án của mình. Chủ trương của PVN về nguyên liệu là gắn kết 3 nhà: nhà nông, nhà kinh doanh và nhà khoa học. Trong tương lai sẽ tạo điều kiện cho các hộ nông dân, hợp tác xã… được mua cổ phần các nhà máy nhiên liệu sinh học nhằm gắn bó lâu dài giữa các nhà cung cấp nguyên liệu với các nhà máy.

Theo Công nghệ dầu khí