[In trang]
Thủy điện và nhiên liệu sinh học dẫn đầu trong phát triển năng lượng tái tạo ở Mỹ Latinh
Thứ tư, 13/07/2011 - 13:45
Trong năm 2010, 57% điện năng ở châu Mỹ Latinh và vùng Caribe là từ thủy năng trong khi 40% là từ các nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch và khí thiên nhiên, 2% từ năng lượng nguyên tử và 1% từ các nhà máy năng lượng gió, mặt trời và địa nhiệt.
Theo các quan sát viên trong ngành, số dự án thủy điện sẽ tăng lên nhanh chóng ở châu Mỹ Latinh vì khu vực này dự định sẽ đầu tư lớn vào công nghệ thủy điện trong những năm tới, tiếp đó là sinh khối và năng lượng gió.
Ông Eduardo Noboa, điều phối viên năng lượng tái tạo của tổ chức năng lượng Olade ở Quito, Ecuador phát biểu: “Khu vực Mỹ Latinh chỉ đang sử dụng 22% tiềm năng thủy điện của mình. Đây là nguồn tài nguyên chính của khu vực để tạo ra năng lượng sạch và hầu hết những khoản đầu tư năng lượng tái tạo trong ngắn hạn và trung hạn sẽ tập trung vào sản xuất thủy điện”.

Trong năm 2010, 57% điện năng ở châu Mỹ Latinh và vùng Caribe là từ thủy năng trong khi 40% là từ các nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch và khí thiên nhiên, 2% từ năng lượng nguyên tử và 1% từ các nhà máy năng lượng gió, mặt trời và địa nhiệt.

92c304fc0_electricitybiofuelstoleadlatamrenewablesgrowth.jpg

Theo ông Noboa, 94% tiềm năng điện của khu vực này có thể là thủy năng trong khi 6% là từ các nguồn năng lượng tái tạo thay thế.


Tất nhiên, công nghệ mới có thể thay đổi xu hướng đầu tư trong tương lai nhưng theo như hiện nay thì ông Noboa dự đoán tới năm 2020 sản lượng thủy điện có thể tăng gấp năm lần. Sản lượng năng lượng sinh học có thể tăng vọt 14 lần, chủ yếu là nhờ số lượng rất lớn các dự án nhà máy ethanol. Công suất năng lượng gió có thể tăng 8 lần. Hiện nay, công suất lắp đặt của các nhà máy thủy điện dọc theo biên giới phía nam đạt 147.879MW. Trong khi đó, theo tổ chức Olade, khu vực này sản xuất 28m3 ethanol sinh học, khoảng 5m3 điêzen sinh học và công suất năng lượng gió là 1000MW.

Brazil là nước đi đầu trong sản xuất thủy điện với công suất lắp đặt lên tới 80GW. Các nước theo sau là Argentina, Mexico và Costa Rica với nhiều dự án đang được xem xét.  Các nước khác như Uruguay, Colombia và Venezuela được mong đợi sẽ tăng công suất, sử dụng các nguồn năng lượng hỗn hợp trong đó chủ yếu là thủy điện.

Colombia, Argentina đi đầu trong nhiên liệu sinh học

Trong khi đó, Colombia và Argentina Advance đang có bước tiến đáng kể trong phát triển nhiên liệu sinh học với nhiều dự án quy mô lớn được lên kế hoạch sẵn sàng. Brazil đi đầu với ngành công nghiệp xe hơi sử dụng hỗn hợp nhiên liệu và ngành ethanol quy mô lớn. Tuy nhiên, Argentina đang tiếp tục nỗ lực để trở thành trung tâm nhiên liệu điêzen sinh học trong khu vực. Nhà lãnh đạo chính phủ nước này gần đây tuyên bố sẽ sản xuất 3,2 triệu tấn điêzen sinh học và xuất khẩu sản lượng trị giá 2,2 tỉ USD trong năm nay.

Colombia hướng tới sẽ tạo ra 1 triệu việc làm và tăng sản lượng điêzen sinh học của nước này lên 1 tỷ tấn vào năm 2013. Guatemala cũng đang từng bước xây dựng ngành năng lượng sinh học và được mong đợi sẽ dẫn đầu trong khu vực Trung Mỹ.

Khu vực Mỹ Latinh sẽ phải tăng cường và hoàn thiện các quy định khung để bao gồm tất cả các nguồn năng lượng tái tạo. Rất nhiều nước đã dự thảo một chương trình khuyến khích và xây dựng khung pháp lý để hỗ trợ phát triển công nghệ tuy nhiên chưa có nước nào có một chương trình khung riêng và đồng bộ ảnh hưởng tới tất cả các loại năng lượng tái tạo.

Kim Anh (theo renewableenergyworld.com)