[In trang]
Tín hiệu giao thông bằng năng lượng mặt trời
Thứ bảy, 09/07/2011 - 16:47
Theo Phòng Quản lý đô thị, Sở GTVT Tp. Đà Nẵng, kinh phí lắp đặt đèn tín hiệu bằng năng lượng mặt trời này rẻ bằng khoảng 20% so với lắp đèn tín hiệu giao thông thông thường. Ưu điểm của đèn cảnh báo là sử dụng bằng năng lượng mặt trời; khả năng tích điện dự trữ cao (cho ngày mưa, thiếu nắng...) và thi công lắp đặt đơn giản.
Sau một thời gian Tp. Đà Nẵng áp dụng biện pháp lắp đèn cảnh báo nguy hiểm (đèn vàng nhấp nháy) sử dụng năng lượng mặt trời trên các tuyến đường do hiệu quả tốt chi phí lại thấp nên đã có nhiều địa phương bắt đầu nghiên cứu triển khai.
 
Đèn năng lượng mặt trời góp phần bảo đảm ATGT

Đây là dự án trị giá 3 tỷ đồng do Quỹ bảo hiểm xe cơ giới (Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam) tài trợ 80%, 20% còn lại là vốn đối ứng của Tp. Đà Nẵng. Dự án triển khai từ cuối năm 2010, hoàn thành trong tháng 4/2011, đặt tại 16 khu vực, như: Đường Trường Sa giao với các đường: Hồ Xuân Hương, Nguyễn Văn Thoại; QL1A giao với các đường: Phạm Hùng, ĐT.605, Lê Trọng Tấn, ĐH4, Hoàng Văn Thái, Nguyễn Khuyến và Phạm Như Xương; QL14B giao với các đường: đường 30m KDC Mân Thái, đường ĐH4, Nguyễn Nhàn, đường nối Nam hầm Hải Vân Túy Loan, đường vào trại giống Hòa Phong; đường cong tại hai đầu cầu Cẩm Lệ; Đoạn đường cong cuối đường Nguyễn Tất Thành; nút giao thông ĐT 601 – ĐT 602; đường Điện Biên Phủ (khu vực gần Khách sạn Thanh Long)....

82862361f_images646213_den.jpg

Theo Phòng Quản lý đô thị, Sở GTVT Tp. Đà Nẵng, kinh phí lắp đặt đèn tín hiệu bằng năng lượng mặt trời này rẻ bằng khoảng 20% so với lắp đèn tín hiệu giao thông thông thường. Ưu điểm của đèn cảnh báo là sử dụng bằng năng lượng mặt trời; khả năng tích điện dự trữ cao (cho ngày mưa, thiếu nắng...) và thi công lắp đặt đơn giản.

Ông Nguyễn Hữu Cường - Chánh văn phòng Ban ATGT Tp. Đà Nẵng cho biết: “Có những nút giao thông phức tạp không thể sử dụng đèn tín hiệu xanh đỏ để điều khiển giao thông thì lắp đèn cảnh báo bằng năng lượng mặt trời là hợp lý nhất. Như tại ngã tư cầu vượt Hoà Cầm, nếu sử dụng đèn xanh, đỏ thì không thể bắt xe ôtô dừng trên cầu, hay ngay tại đoạn đường có độ dốc cao để đợi đèn đỏ được, rất nguy hiểm. Ngoài ra, tại các ngã ba, ngã tư, mật độ xe lưu thông chưa đông, nhưng hay xảy ra va chạm giao thông là do đường đẹp, người điều khiển giao thông chủ quan phóng nhanh, vượt ẩu. Nếu cứ thấy có va chạm giao thông là lắp đèn tín hiệu xanh, đỏ thì vô tình sẽ làm ùn ứ phương tiện, không cần thiết. Những trường hợp này, lắp đèn cảnh báo bằng năng lượng mặt trời là tốt nhất, giúp cho người và phương tiện giao thông chú ý quan sát khi đến các khu vực, vị trí tiềm ẩn va chạm, từ đó hạn chế tối thiểu việc xảy ra va chạm, góp phần đảm bảo ATGT.

Tương tự Đà Nẵng, một số địa phương khác như tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đang tiến hành khảo sát lập dự án lắp đặt đèn năng lượng mặt trời nhấp nháy màu vàng cho khoảng hơn 30 điểm nút giao thông tiềm ẩn TNGT để góp phần kéo giảm TNGT trên địa bàn. Đây là một mô hình tăng cường đảm bảo ATGT tiết kiệm, hiệu quả cần được triển khai nhân rộng, và càng đáng quý hơn khi mô hình này huy động được nguồn vốn xã hội hóa như tại Tp. Đà Nẵng.

Bài và ảnh Văn Tư