Với thiết bị nguồn điều chỉnh quang thông tự động, hệ thống chiếu sáng công cộng của Việt Nam có thể tiết kiệm được 30% - 40% điện năng mỗi đêm
Lắp đặt thiết bị điều khiển quang thông 60 KVA tại KCN Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Điện năng sử dụng cho mục đích chiếu sáng chiếm tỉ trọng khá lớn trong cơ cấu tiêu thụ điện ở nước ta. Đó là lý do vì sao từ nhiều năm qua, các kỹ sư của Trung tâm Công nghệ năng lượng và Vật liệu mới thuộc Viện Khoa học Năng lượng (Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam) đã miệt mài cùng các nhà khoa học của Viện Khoa học Năng lượng nghiên cứu mô hình thiết bị nguồn điều chỉnh quang thông tự động.
Hiệu quả cả khi điện áp không ổn định
Kỹ sư Trương Quốc Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ năng lượng và Vật liệu mới, cho biết những năm gần đây, ở nước ta đã có nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng cho các thiết bị, hệ thống chiếu sáng được ứng dụng. Trong đó, một vấn đề rất được quan tâm là làm sao để sử dụng hợp lý công suất chiếu sáng phù hợp với từng nhu cầu chiếu sáng. Đặc biệt đối với chiếu sáng ở các nơi công cộng, do vào đêm khuya mật độ giao thông thường rất thấp nên việc duy trì 100% công suất chiếu sáng là không cần thiết. Việc tiết giảm công suất chiếu sáng trong thời gian này, vì vậy đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với chiếu sáng công cộng hiện đại.
Giá trị khoa học lẫn kinh tế - xã hội Tiến sĩ Ngô Tuấn Kiệt, Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng, cho biết đây là nghiên cứu có ích cho ngành điện và người dân. Nghiên cứu đã có một quá trình nỗ lực lâu dài, cải tiến và nâng cao hiệu quả, các chỉ số về hiệu suất tiết kiệm đạt được rất khả quan và ngày càng tăng cao. Các thông số tiết kiệm đã được kiểm chứng chính xác khẳng định thiết bị hoạt động tốt, hiệu quả và có giá trị khoa học lẫn kinh tế - xã hội. |
Qua thực tiễn, các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Năng lượng nhận thấy với các giải pháp tiết kiệm điện năng khác như sử dụng chấn lưu hai mức công suất để giảm công suất tiêu thụ của đèn thì giá thành thiết bị cao và lại không điều chỉnh được mức tiết kiệm; còn với giải pháp sử dụng tủ điều khiển, tự động cắt bớt một số bóng đèn thì nhược điểm là tạo nên những khoảng tối trên mặt đường, không bảo đảm an toàn giao thông, làm giảm mỹ quan đô thị. Giải pháp sử dụng chấn lưu phụ mắc thêm cho chấn lưu thường để tạo thành tổ hợp chấn lưu hai mức công suất lại có nhược điểm là chi phí sửa chữa thay thế cao và cũng không điều chỉnh được mức tiết kiệm.
Phương án cuối cùng được chọn chính là thiết bị nguồn điều chỉnh quang thông tự động, bởi hiệu quả cao trong chiếu sáng công cộng và không đặt bất cứ điều kiện gì khi lắp đặt, đặc biệt cho vùng có điện áp không ổn định hoặc điện áp quá cao, quá thấp; đèn sáng ổn định đúng thông số kỹ thuật của nhà sản xuất do có ổn áp tự động góp phần tăng tuổi thọ đèn.
Lắp đặt đơn giản
Với thiết bị nguồn điều chỉnh quang thông tự động thì việc lắp
đặt rất đơn giản. Cụ thể là chỉ cần lắp đặt thiết bị vào sau lưng các tủ đóng
ngắt điện ngoài đường hay tại các trạm biến áp. Sau đó, các cán bộ kỹ thuật đặt
các thông số tự động điều chỉnh cho thiết bị để nó tự hoạt động.
Các tính năng kỹ thuật của thiết bị này cho phép ổn áp tự động
đối với hệ thống chiếu sáng tự động bật đèn khi trời tối và tự động tắt đèn khi
trời sáng; tự động giảm công suất 20% - 40% vào ban đêm. Rơ - le thời
gian hoạt động chính xác kể cả trong thời gian mất điện mà không phải đặt lại
giờ, có khả năng điều chỉnh mức công suất theo yêu cầu. Chế độ chuyển mức
công suất chậm cho phép khắc phục hiện tượng tắt đèn ở các bóng
đèn già đã hết tuổi thọ. Kết quả, mức tiết kiệm điện năng trung bình của
hệ thống thiết bị này đạt từ 30%-40% hoặc cao hơn.
Kỹ sư Thành cho biết hiện thiết bị đã được lắp đặt rộng rãi tại các tỉnh: Phú Thọ, Thừa Thiên - Huế, Long An, Hòa Bình và đều phát huy hiệu quả.
Theo Người Lao động