Việt Nam có những lợi thế tự nhiên về sản xuất sắn, cho phép sản xuất ethanol quy mô lớn, với giá cạnh tranh.
Lợi thế lớn
Theo báo cáo của Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện diện tích trồng sắn trong cả nước đạt 496 ngàn ha. Ngoài gạo, sắn đang là sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ lực với 4-4,5 triệu tấn/năm, đạt giá trị khoảng 800 triệu USD, đứng thứ 2 khu vực.
Ông Phan Đăng Tuất, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, Việt Nam sở hữu nhiều vùng đất rất thích hợp trồng sắn, có thể tạo ra năng suất cao. Hơn nữa, đầu tư vào sắn chỉ rẻ bằng ½ so với mía, bằng 2/3 so với lúa. Lợi thế trồng sắn cho phép chúng ta phát triển với quy mô lớn, gia tăng năng lực cạnh tranh theo quy mô sau năm 2020. Còn nhìn trước mắt trong 5-10 năm nữa, cũng chưa có cây nguyên liệu nào có thể thay thế cây sắn trong sản xuất ethanol.
“Lợi thế tự nhiên, thế mạnh đặc thù của mỗi vùng đất bản thân đã chứa đựng năng lực cạnh tranh mà không nơi nào có được song Việt Nam hiện chưa đầu tư nhiều cho cây sắn”, ông Tuất khẳng định.
Dự kiến, đến hết năm 2012, cả nước sẽ có 6 nhà máy sản xuất ethanol với tổng công suất thiết kế 550 triệu lít/năm. Khi các nhà máy này đi vào hoạt động, nhu cầu nguyên liệu cần khoảng 3,5-3,7 triệu tấn sắn tươi/năm.
Chú trọng công tác quy hoạch
Ông Phạm Huy Thông, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, mặc dù trong 10 năm qua, năng suất sắn
tăng khá nhanh (bình quân 9,4%/ năm) và năm 2010 đã đạt bình quân 17,2 tấn/ha,
cao hơn mức bình quân của thê giới (12,2 tấn/ha) nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu
quy hoạch và thấp hơn nhiều so với năng suất của một số nước trong khu vực như
Thái Lan (21,09 tấn/ha), Ấn Độ (34,43 tấn/ha)…
Sản xuất sắn ở nhiều nơi mang nặng tính tự phát, không theo
quy hoạch, trồng sắn trên các vùng đất có độ dốc cao, lấn sang đất quy hoạch
các cây trồng khác như mía, điều, cây lâm nghiệp… Trừ một số tỉnh vùng Đông Nam
bộ đã chú trọng đầu tư thâm canh, còn lại phần lớn diện tích sắn ở các địa
phương chưa chú trọng thâm canh hợp lý, chủ yếu trồng quảng canh theo kiểu “bóc
màu”, không thực hiện đúng kỹ thuật canh tác đất dốc làm cho đất đai bị xói
mòn, rửa trôi mạnh. Vì vậy, độ chênh lệch năng suất giữa các vùng và và giữa
các hộ trong cùng 1 tiểu vùng còn khá lớn.
Theo ông Thông, nếu muốn mở thêm các nhà máy chế biến sắn hoặc
sản xuất ethanol từ sắn cần có phương án đầu tư vùng nguyên liệu để thâm canh
tăng năng suất sắn và có cơ chế liên kết, tiêu thụ sản phẩm hợp lý, đảm bảo hài
hòa lợi ích của người sản xuất và cơ sở chế biến để người sản xuất yên tâm, gắn
bó với nhà máy.
Trên cơ sở quy hoạch định hướng chung của toàn quốc, từng tỉnh,
thành phố, rà soát, điều chỉnh quy hoạch, phân vùng sắn nguyên liệu cho từng
nhà máy chế biến. Căn cứ quy hoạch, từng nhà máy phải xây dự án phát triển vùng
nguyên liệu chủ lực của mình. Đồng thời, tổ chức các mô hình liên kết sản xuất
sắn nguyên liệu như người dân góp cổ phần bằng giá trị quyền sử dụng đất, công
ty đầu tư giống, vật tư và quản ký kỹ thuật…
Bên cạnh đó, phát triển nhanh các giống sắn tốt vào sản xuất, đẩy mạnh công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác sắn bền vững cho nông dân. Từng địa phương, từng nhà máy xây dựng các mô hình mẫu về trồng sắn thâm canh bền vững theo hướng áp dụng các kỹ thuật tiên tiến. Đảm bảo giá thu mua sắn nguyên liệu hợp lý, đặt trong thế cạnh tranh đối với các cây trồng khác và cạnh tranh với giá sắn xuất khẩu.
Theo VEN.vn