Việt Nam một nước nhiệt đới với nền kinh tế đi lên từ nông nghiệp có điều kiện sản xuất nhiên liệu sinh học (NLSH) từ nguồn sinh khối của sản xuất nông nghiệp. Theo tính toán, nguồn nguyên liệu cho sản xuất NLSH có thể đạt 1,8 triệu tấn/năm, tương đương 5% nhu cầu sản phẩm dầu mỏ của Việt Nam năm 2020 (theo phương án cao).
Trong thời gian qua chúng ta đã bước đầu tiếp cận các nghiên cứu, triển khai trong lĩnh vực sản xuất và sử dụng NLSH và đã thu được một số kết quả quan trọng.
Nhiên liệu sinh học - xu thế của thế giới
Sản xuất và sử dụng NLSH đã trở thành một xu thế phổ biến trên thế giới, thúc đẩy việc tìm kiếm các nguồn nhiên liệu có khả năng tái tạo. Nhiều quốc gia đã thu được những thành công rực rỡ trong lĩnh vực này như Bra-xin, Mỹ, Ðức, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái-lan,... Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi từ những bài học được đúc rút trong quá trình nghiên cứu, sản xuất, sử dụng của các nước đi trước. Nhu cầu dầu mỏ trên thế giới vẫn liên tục tăng khiến giá dầu mỏ thị trường thế giới luôn ở mức cao đã tạo khả năng thương mại và tính khả thi trong sản xuất, sử dụng NLSH. Tuy nhiên để phát triển sản xuất, sử dụng NLSH ở Việt Nam chúng ta cũng phải khắc phục một số trở ngại.
Hầu hết các cơ sở sản xuất cồn trong nước hiện nay đều sử dụng công nghệ cũ lạc hậu, thiết bị chắp vá thiếu đồng bộ, công suất nhỏ, tiêu hao nhiều năng lượng trên một đơn vị sản phẩm, hiệu suất tổng thu hồi so với lý thuyết chỉ đạt khoảng 80% (các nước tiên tiến đạt hơn 90%), chỉ sử dụng nguồn nguyên liệu sinh khối truyền thống (ngũ cốc, rỉ đường) khiến giá thành sản phẩm cao. Các cơ sở sản xuất dầu, mỡ động vật, thực vật có công nghệ thiết bị tách dầu, mỡ lạc hậu, tỷ lệ thu hồi thấp. Việc nghiên cứu phát triển công nghệ phối trộn cồn và dầu, mỡ động, thực vật vào xăng, dầu khoáng mới chỉ ở bước thử nghiệm.
Lực lượng cán bộ khoa học và kỹ thuật viên lành nghề còn quá
ít về số lượng, hạn chế về trình độ khi tiếp cận công nghệ hiện đại để sản xuất
NLSH. Thiếu các chuyên gia đầu ngành có trình độ cao, chưa bắt kịp với tốc độ
phát triển của công nghệ hiện đại.
Hoạt động đầu tư phát triển và ứng dụng NLSH đòi hỏi lâu dài bao gồm hoạt động nghiên cứu, triển khai sản xuất, mạng lưới tiêu thụ, đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực và cơ sở vật chất, nhập khẩu công nghệ và thiết bị hiện đại, nâng cao nhận thức của cộng đồng. Nhưng nguồn kinh phí đầu tư hiện nay còn rất hạn hẹp, chủ yếu từ nguồn ngân sách Nhà nước cho các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm, chưa khai thác sự đóng góp của các loại hình kinh tế cho đầu tư phát triển. Mức độ đầu tư ứng dụng NLSH của Việt Nam còn ở mức rất thấp.
Sự phối hợp giữa các ngành có liên quan trong nghiên cứu triển khai và ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất, khai thác cơ sở vật chất hiện có chưa hiệu quả. Nội dung nghiên cứu triển khai còn dàn trải, kết quả nghiên cứu phần lớn vẫn dừng ở quy mô phòng thí nghiệm và xưởng thực nghiệm, chưa thật sự xuất phát từ nhu cầu thị trường và xác định được những điểm 'đột phá' để NLSH có thể thay thế một phần cho nhiên liệu hóa thạch. Nguồn nguyên liệu sinh khối vẫn sản xuất bằng giống và quy trình canh tác còn thấp cho nên năng suất thấp, chất lượng không cao, chưa có những giống cây trồng và quy trình canh tác phù hợp để phát triển các vùng nguyên liệu với năng suất cao, có chất lượng ổn định phù hợp với công nghệ và đáp ứng yêu cầu của sản xuất, nhất là sản xuất ở quy mô công nghiệp.
Hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của NLSH, các quy định về môi trường theo hướng khuyến khích sử dụng nhiên liệu sạch cũng như cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư, thu hút và phát triển nguồn nhân lực, phát triển vùng nguyên liệu, chuyển giao và phát triển công nghệ, bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, quyền lợi của nhà đầu tư để phát triển và ứng dụng NLSH hiện nay chưa đồng bộ. Chương trình hợp tác quốc tế về nghiên cứu, phát triển, sản xuất và ứng dụng NLSH bao gồm: xây dựng cơ sở pháp lý cho việc sản xuất, sử dụng NLSH, nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ và thiết bị còn ít và chưa đạt được hiệu quả mong muốn.
Kết quả bước đầu thực hiện đề án
Ngày 20-11-2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 177/2007/QÐ-TTg phê duyệt 'Ðề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015 tầm nhìn 2025' nhằm thúc đẩy việc hình thành và phát triển ngành công nghiệp sản xuất NLSH ở Việt Nam theo hướng bền vững, có hiệu quả, rút ngắn được khoảng cách tụt hậu so với nhiều quốc gia trong khu vực và chủ động hội nhập quốc tế với mục tiêu chung là: phát triển NLSH để thay thế một phần nhiên liệu truyền thống, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.
Sau ba năm thực hiện đề án, văn phòng giúp việc Ban điều hành đề án đã tổng hợp và có một số đánh giá bước đầu về kết quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ. Kể từ khi đề án được triển khai, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động, các bộ, ngành liên quan như Công thương, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Ðầu tư, Giáo dục và Ðào tạo... đã tích cực chủ động triển khai thực hiện các mục tiêu. Trong đó quan trọng nhất là xây dựng hành lang pháp lý để thúc đẩy nghiên cứu, thử nghiệm, đầu tư sản xuất và sử dụng NLSH. Nổi bật là xây dựng khung pháp lý cho nghiên cứu, thử nghiệm về sản xuất và sử dụng NLSH, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các chính sách ưu đãi, chương trình hợp tác quốc tế với những nước có nhiều kinh nghiệm. Sau ba năm thực hiện, đề án đã thu được một số kết quả quan trọng, nhiều chỉ tiêu đặt ra trong đề án cho giai đoạn 2007 - 2010 đã được thực hiện vượt mức.
Ðể tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia nghiên cứu phát triển sản xuất NLSH của tất cả các tổ chức, cơ quan, Bộ Công thương đã tổ chức đăng ký, tuyển chọn và phê duyệt các nội dung nghiên cứu triển khai, các dự án sản xuất thử nghiệm NLSH sử dụng ngân sách nhà nước về khoa học công nghệ theo quy trình của Bộ Khoa học và Công nghệ. Các đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ thuộc đề án đang được triển khai tập trung vào các vấn đề kỹ thuật nhằm giải quyết yêu cầu thực tiễn của Việt Nam trong xây dựng và phát triển ngành công nghiệp NLSH.
Sau khi đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Công thương đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan, chính quyền các địa phương hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư. Ðến nay, nước ta đã có một số dự án đã hoàn thiện các thủ tục, được phê duyệt và khởi công xây dựng nhà máy.
Công ty cổ phần Ðồng Xanh khởi công Nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu tháng 7-2007, trên diện tích 16 ha, tại xã Ðại Tân, huyện Ðại Lộc (Quảng Nam) với tổng vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng, trong đó có 100 tỷ đồng được Nhà nước cho vay ưu đãi đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Ðây được coi là nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu thành công đầu tiên của Việt Nam, có công suất 100.000 tấn/năm (tương đương 130 triệu lít/năm), áp dụng công nghệ sản xuất sạch và bảo vệ môi trường nghiêm ngặt.
Nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu do Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) làm chủ đầu tư đã được khởi công xây dựng tháng 6-2009 tại huyện Tam Nông (Phú Thọ), với tổng mức đầu tư khoảng 80 triệu USD. Ðây là nhà máy sản xuất NLSH đầu tiên được xây dựng ở miền bắc, sử dụng khoảng 260 nghìn tấn nguyên liệu sắn lát/năm để sản xuất khoảng 100 triệu lít ethanol. Theo kế hoạch nhà máy sẽ đi vào sản xuất trong năm 2011. Sản phẩm của nhà máy bao gồm ethanol nồng độ cồn 99,7%, phân vi sinh, CO2 thực phẩm, khí đốt sinh học tiêu thụ tại thị trường phía bắc.
Nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu Dung Quất có tổng mức đầu tư khoảng 80 triệu USD, do các công ty của PVN gồm PV Oil, BSR, PVFC, Petrosetco đầu tư. Sản phẩm của nhà máy gồm ethanol, thức ăn chăn nuôi, CO2 thực phẩm và khí đốt sinh học. Dự kiến, nhà máy có sản phẩm xuất xưởng vào quý III-2011 và sẽ được pha chế với xăng của Nhà máy lọc dầu Dung Quất, cung cấp cho thị trường miền trung.
Nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu tại huyện Bù Ðăng (Bình Phước) có công suất 100 triệu lít/năm, sử dụng khoảng 260 nghìn tấn sắn lát, tổng mức đầu tư khoảng 100 triệu USD. Trong đó PV Oil tham gia 29%, LICOGI16 22% và 49% của đối tác ITOCHU (Nhật Bản). Hợp đồng EPC đang được Liên danh nhà thầu Tổng công ty CP Tư vấn đầu tư và thiết kế dầu khí PVE và Toyota Thai Corp của Thái-lan triển khai. Sản phẩm của nhà máy là ethanol nồng độ cồn hơn 99,7%, thức ăn chăn nuôi, CO2 thực phẩm và khí đốt sinh học. Dự kiến nhà máy sẽ hoàn thành và đi vào sản xuất quý II-2012 tiêu thụ tại thị trường phía nam.
Ðối với lĩnh vực sản xuất đi-ê-den sinh học, cho đến nay chỉ
có một số ít dự án thử nghiệm đang triển khai và chưa có dự án quy mô lớn. Theo
báo cáo của các tỉnh, thành phố, hiện cả nước chỉ có một doanh nghiệp đầu tư sản
xuất NLSH từ nguyên liệu chính là mỡ cá da trơn với sản lượng các năm 2008,
2009, 2010 là 400, 900, và 600 tấn. Nguyên nhân chính là do nguồn nguyên liệu
sinh khối chưa sẵn sàng.
Cho đến nay Dự án phát triển cây cọc rào do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì vẫn đang trong giai đoạn định hướng phát triển vùng nguyên liệu. Bộ Công thương đã tiếp nhận và đang xem xét các hồ sơ dự án của các Công ty TNHH Trường Thịnh, Công ty Ðầu tư phát triển Lũng Lô 5... xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu trồng cây Jatropha (còn gọi là cây cọc rào, dầu gai), đồng thời xây dựng nhà máy chế biến dầu đi-ê-den sinh học. Công ty Năng lượng xanh với dự án hợp tác giữa PV Oil với Công ty Idemitsu - Nhật Bản và một số địa phương triển khai trồng thử nghiệm cây Jatropha từ tháng 10-2010, làm cơ sở phát triển nguyên liệu cho sản xuất đi-ê-den sinh học.
Song song với triển khai xây dựng các nhà máy sản xuất cồn sinh học, Bộ Công thương đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn PVN triển khai kinh doanh thử nghiệm, áp dụng các biện pháp kỹ thuật, lập kế hoạch và dự toán nâng cấp hệ thống kho, cửa hàng hiện có của Tập đoàn Dầu khí để kinh doanh thương mại xăng E5. Số cửa hàng bán xăng E5 thí điểm của PV Oil và PETEC hiện nay đã đạt 35 cửa hàng, trên địa bàn sáu tỉnh, thành phố lớn là: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Ðà Nẵng, Huế, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Cần Thơ. PVN đã đầu tư bốn cơ sở pha chế xăng E5 tại Ðình Vũ, Nhà Bè, Liên Chiểu, Vũng Tàu. Xăng E5 đã bước đầu thu hút người tiêu dùng và được người tiêu dùng hưởng ứng tích cực. Sau thời gian sử dụng, PVN đã thu thập được các số liệu chứng minh xăng E5 không gây ảnh hưởng tới các đặc tính kỹ thuật của động cơ, không đòi hỏi chỉnh sửa động cơ ô-tô, xe máy, có khả năng sử dụng rộng rãi trên các phương tiện, giảm tiêu hao nhiên liệu hóa thạch và giảm thiểu đáng kể lượng khí thải ô nhiễm môi trường. Ðến cuối năm 2011, cả nước sẽ có bốn cơ sở sản xuất ethanol nhiên liệu đi vào sản xuất và cung ứng sản phẩm cho thị trường với tổng công suất khoảng 295 nghìn tấn E100/năm.
Ðể thực hiện định hướng, kế hoạch sản xuất NLSH, ngày 5-1-2011, PVN đã có văn bản kiến nghị Bộ Công thương báo cáo Chính phủ sớm ban hành lộ trình bắt buộc sử dụng NLSH trên toàn quốc, đề nghị có sự tham gia của tất cả các doanh nghiệp kinh doanh, phân phối xăng, dầu trong nước, đặc biệt là Petrolimex. Từng bước nâng tỷ lệ pha chế ethanol trong xăng lên 10 % sau năm 2013 và có chính sách về xuất khẩu ethanol.
Năm 2011, Bộ Công thương sẽ hỗ trợ Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) triển khai dự án Hoàn thiện quy trình công nghệ phối trộn, sản xuất và xây dựng mạng lưới phân phối thử nghiệm sản phẩm nhiên liệu đi-ê-den sinh học B5 - là dự án sản xuất thử nghiệm thuộc Ðề án phát triển NLSH đến năm 2015, tầm nhìn 2025.
Năm 2009 chính thức đánh dấu năm ra đời của ngành công nghiệp NLSH Việt Nam, với sự khởi đầu thuận lợi và tăng tốc nhanh chóng của nhóm sản xuất ethanol nhiên liệu và tham gia đầu tư tích cực của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, trong đó có Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam cùng với sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước nhanh chóng ban hành cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, ngành công nghiệp non trẻ này bước đầu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tạo tiền đề để xây dựng và phát triển ngành nhiên liệu sạch ở nước ta, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường sống để phát triển bền vững.
Nguyễn Phú Cường
Phó Vụ trưởng Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương