Trong mỗi Chương trình Mục tiêu quốc gia thì giải pháp
truyền thông bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu. Chương trình Mục tiêu quốc gia
về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng không phải là ngoại lệ. Giải
pháp truyền thông đa phương tiện đã được đặc biệt chú trọng và phát huy có hiệu
quả Chương trình này trong giai đoạn 2006-2010.
Trong những năm đầu mới thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, không nhiều người biết đến chương trình này và nhất là khái niệm Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả lại càng ít người biết đến. Do đó, để thực hiện mục tiêu của Chương trình là tiết kiệm từ 3-5% tổng lượng tiêu thụ năng lượng trong giai đoạn 2006-2010 là không hề đơn giản. Mặt khác, với việc đặt Văn phòng Tiết kiệm năng lượng tại Vụ Khoa học công nghệ của Bộ Công Thương (trước là Bộ Công nghiệp), thì hầu hết các cán bộ ở đây đều phải làm kiêm nhiệm thêm các nội dung của Chương trình này. Chính vì thế, các cán bộ trong Văn phòng TKNL đã phải nỗ lực tìm tòi các biện pháp, giải pháp… tối ưu để thực hiện hiệu quả Chương trình. Và một trong các giải pháp đó là phát huy tối đa hiệu quả các hoạt động truyền thông, thông qua các phương tiện báo chí như: Truyền hình, phát thanh, báo viết, báo mạng.
Bắt đầu từ việc lựa chọn các kênh truyền thông quốc gia như: Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam để thực hiện các chương trình tuyên truyền lớn, dài hơi; sau đó là đến các báo, tạp chí chuyên ngành để tuyên truyền các nội dung, hoạt động cụ thể của Chương trình.
Thứ nhất là tuyên truyền trên Truyền hình: Trong năm 2008 đã xây dựng chương trình truyền hình giải trí tiết kiệm năng lượng có tên Cùng lợi ích cộng đồng phát trên VTV1, VTV3; Năm 2009 là chương trình Công nghệ thế kỷ 21 phát trên VTV2 và Tạp chí TKNL phát trên InvesTV... Ngoài ra, còn tổ chức xây dựng và phát hình nhiều video clip, phim, phóng sự tài liệu tuyên truyền cho các hoạt động TKNL trên các sóng của Đài Truyền hình Việt Nam.
Thứ hai là tuyên truyền trên Phát thanh: Từ năm 2007 đến năm 2010, Đài Tiếng nói Việt Nam đã thực hiện bình quân 500 tin, bài chuyên mục/năm về Tiết kiệm năng lượng; Xây dựng và phát sóng được hàng chục thông điệp cổ động tuyên truyền về Tiết kiệm năng lượng; Bên cạnh đó, Đài đã tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu và phổ biến kiến thức về Tiết kiệm năng lượng cho các phóng viên chuyên và không chuyên; Ngoài ra, còn tổ chức tập huấn về TKNL cho hơn 150 phóng viên Đài PT-TH các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Thứ ba là tuyên truyền trên báo: Cũng từ năm 2008, Văn phòng
TKNL đã tổ chức xuất bản Bản tin "Tiết kiệm năng lượng" định kỳ hàng
quý và từ năm 2010 đã nâng lên 2 tháng/kỳ; thiết lập và vận hành mạng lưới
chuyên gia cung cấp thông tin, tài liệu kỹ thuật TKNL cho các phóng viên hàng
chục báo, tạp chí đưa tin bài về hoạt động TKNL.
Thứ tư là tuyên truyền trên mạng Internet: Xây dựng và vận hành ổn định trang thông tin điện tử của Chương trình (http://www.vneec.gov.vn; http://www.tietkiemnangluong.com.vn), với nhiều nội dung phong phú, cập nhật thường xuyên các văn bản quy phạm pháp luật về TKNL, các giải pháp liên quan đến các công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tư vấn tiết kiệm năng lượng. Tính đến thời điểm hiện nay, đã có hơn 2 triệu lượt người truy cập trang thông tin điện tử của Chương trình. Ngoài ra, còn có nhiều phỏng vấn, phóng sự về TKNL trên các trang mạng điện tử khác.
Với việc sử dụng truyền thông đa phương tiện với các loại hình truyền thông ở trên, Chương trình Mục tiêu quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã đạt được thành công nhiều hơn mong đợi. Đó là, từ chỗ cộng đồng chưa có khái niệm về hoạt động tiết kiệm năng lượng và Chương trình Mục tiêu quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thì nay họ đã biết tầm quan trọng của hoạt động tiết kiệm năng lượng và sự có mặt của một Chương trình Mục tiêu quốc gia về Sử dụng năng lượng và hiệu quả với các thông điệp cụ thể, gần với cuộc sống như tiết kiệm điện, tiết kiệm chi phí sản xuất và tiêu dùng…
Thông qua tuyên truyền một cách tích cực và hiệu quả đã góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng (người dân và doanh nghiệp) về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là sử dụng một cách tiết kiệm và hợp lý các nguồn năng lượng chứ không phải là cắt giảm, không sử dụng các nguồn năng lượng đó.
Từ đây, người dân và các doanh nghiệp đã thông suốt và thấm nhuần các chính sách về tiết kiệm năng lượng; Họ bắt đầu xây dựng thói quen hành xử, phong cách sinh hoạt và làm việc tiết kiệm năng lượng như một bản năng trong tiềm thức; Từ đó, mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp tự giác chọn lựa các giải pháp, thiết bị tiết kiệm năng lượng.
Với những thành công trên, giải pháp truyền thông đã góp phần không nhỏ vào kết quả đạt được mức năng lượng tiết kiệm 3,4% tổng mức tiêu thụ năng lượng quốc gia giai đoạn 2006-2010. Con số 3,4% tuy đạt so với yêu cầu đề ra (từ 3-5%), tuy nhiên, cần phải đẩy mạnh các giải pháp truyền thông hơn nữa, khi mà mục tiêu tiết kiệm đặt ra cao hơn từ 5-8% tổng nhu cầu năng lượng giai đoạn 2011-2015. Để đạt được mục tiêu đó, cần phải triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp, trong đó giải pháp truyền thông cũng cần được chú trọng hơn. Đó là các phương tiện truyền thông cần có nhiều hình thức, nội dung tuyên truyền đa dạng, phong phú như tuyên truyền mạnh mẽ việc thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2010 và bắt đầu có hiệu lực từ 01/01/2011; Giới thiệu, phổ biến các trang thiết bị hiệu suất cao tiết kiệm năng lượng trong doanh nghiệp cũng như hộ gia đình… thông qua các chuyên mục, phóng sự, video clip… hay, hấp dẫn trên các phương tiện truyền thông đại chúng; Sự phối hợp, tuyên truyền tổng thể của các phương tiện truyền thông về một chủ đề tạo ra các vệt tuyên truyền lớn, tạo ra sự hưởng ứng mạnh mẽ, tích cực của cả cộng đồng và xã hội; Đầu tư mạnh mẽ cho các hoạt động truyền thông.
Hy vọng rằng, với sự nỗ lực và trách nhiệm của từng cá nhân và cộng đồng, chúng ta sẽ có đủ nguồn năng lượng để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới ./.
Hữu Hải (VOV)