[In trang]
Doanh nghiệp chung tay tiết kiệm điện
Thứ ba, 10/05/2011 - 09:15
Ðể chủ động đối phó giá điện, xăng dầu và giá than tăng, nhiều doanh nghiệp xi-măng đã 'tự cứu lấy mình' bằng việc đầu tư đổi mới công nghệ, nâng công suất lên từ 1,5 đến 2 triệu tấn/năm. Hiện nay một số nhà máy xi-măng phía nam đã áp dụng công nghệ thu nhiệt thừa để tái sản xuất xi-măng, giảm bình quân từ 25 đến 30 kWh điện/tấn (một tấn xi-măng tiêu hao từ 95 đến 100 kWh).

Mùa khô năm nay, tình hình cung ứng điện được dự báo gặp nhiều khó khăn. Ðiều đó tạo sức ép đối với các doanh nghiệp sử dụng, tiêu hao nguồn điện lớn như xi-măng, thép, khoáng sản vừa phải đối phó với tình trạng thiếu điện trong sản xuất, vừa nghiên cứu, đưa ra những sáng kiến, giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hợp lý để bảo đảm doanh thu và việc làm cho người lao động.


Cùng chúng tôi xuống khu nghiền thuộc Trạm nghiền Phú Hữu (Công ty cổ phần xi-măng Hà Tiên 1) ở quận 9, TP Hồ Chí Minh dưới trời nắng nóng 40oC, anh Cường cán bộ phòng kỹ thuật điện nói trong tiếng ồn của động cơ mô-tơ:


'Ðây là bộ phận 'ngốn' điện năng nhiều nhất nên chúng tôi kiểm soát chặt suất tiêu hao điện trên từng sản phẩm để tiết kiệm từng kW điện. Nhờ đó, riêng khu nghiền, điện năng giảm từ 38,71 kWh/tấn xuống còn 36 kWh/tấn và trong ba tháng đầu năm, toàn Trạm tiết kiệm được 162 nghìn kWh điện'. 


nhan dan.jpg


Trạm nghiền Phú Hữu có công suất 2 triệu tấn xi-măng PCB/năm, điện năng tiêu thụ dự kiến năm 2011 của Trạm khoảng 57 triệu kWh, trong đó khu nghiền tiêu thụ điện chiếm hơn 85%, khu cấp rút liệu chiếm 8%... Từ khi đưa vào hoạt động, Trạm đã áp dụng nhiều biện pháp như: hạn chế sử dụng điện trong giờ cao điểm, ban hành quy chế khoán quản lý điện, sử dụng các bóng đèn tiết kiệm điện... Quá trình vận hành sản xuất xi-măng tiêu hao điện rất lớn nên bộ phận kỹ thuật đã nghiên cứu thay thế thiết bị tiết kiệm điện Power Boss cho động cơ, giúp tiết kiệm điện năng hơn 40%; cải tiến máy móc, áp dụng công nghệ của Ðức. Với cách làm này, năng lực của Trạm nghiền được nâng cao về năng suất và chất lượng theo tiêu chuẩn châu Âu, đồng thời tiết kiệm tối đa năng lượng tiêu thụ.


Ðể chủ động đối phó giá điện, xăng dầu và giá than tăng, nhiều doanh nghiệp xi-măng đã 'tự cứu lấy mình' bằng việc đầu tư đổi mới công nghệ, nâng công suất lên từ 1,5 đến 2 triệu tấn/năm. Hiện nay một số nhà máy xi-măng phía nam đã áp dụng công nghệ thu nhiệt thừa để tái sản xuất xi-măng, giảm bình quân từ 25 đến 30 kWh điện/tấn (một tấn xi-măng tiêu hao từ 95 đến 100 kWh).


 Ông Mai Văn Yên, Phó Giám đốc Công ty xi-măng Hà Tiên 1 cho biết, để cùng chung tay với thành phố Hồ Chí Minh trong việc tiết kiệm điện, Công ty xi-măng Hà Tiên 1 đã đầu tư lắp đặt công nghệ thu nhiệt thừa và hiệu quả đem lại cao, giảm được điện năng rất lớn cho nhà máy. Ðây là giải pháp tối ưu vừa giảm chi phí, giá thành cho nhà máy, đồng thời thu hồi vốn nhanh.


xi mang ht1.JPG


Khu công nghiệp Tằng Loỏng tỉnh Lào Cai hiện có hàng chục nhà máy, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực chế biến khoáng sản, sản xuất hóa chất và phân bón phục vụ nông nghiệp. Ðây là khu công nghiệp 'xương sống', tạo nguồn thu ngân sách và giải quyết việc làm quan trọng của tỉnh. Theo kế hoạch của Tổng công ty điện miền bắc, từ tháng 3 đến tháng 6, tỉnh Lào Cai được phân bổ 215 triệu kW, so với nhu cầu tiêu thụ thực tế thiếu khoảng 28 triệu kW. Trên cơ sở đó, Sở Công thương và Công ty điện lực Lào Cai đã điều chỉnh sản lượng điện và định mức yêu cầu tiết giảm đối với sáu nhà máy chế biến khoáng sản (tiêu thụ tới 80% sản lượng điện toàn tỉnh) tại khu công nghiệp này.


Nhà máy tuyển quặng a-pa-tít Tằng Loỏng, do Liên Xô (trước đây) giúp xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước là thí dụ điển hình. Nhà máy hiện có ba dây chuyền tuyển, với tổng công suất hơn 800 nghìn tấn tinh quặng/năm, cung cấp nguyên liệu sản xuất phân bón cho các nhà máy trong nước. Hiện nay nhà máy tiêu thụ điện lớn nhất tỉnh khoảng 200 MW/ngày và mỗi năm nhà máy trả hơn 200 tỷ đồng tiền điện. Theo lịch phân bổ của ngành chức năng, nhà máy phải tiết giảm khoảng 10MW/ngày, gấp hai lần sản lượng điện tiêu thụ của một nhà máy sản xuất phốt-pho vàng cỡ nhỏ.


Chia sẻ kinh nghiệm, ông Nguyễn Trọng Phú, Giám đốc nhà máy tuyển cho hay: Tiết giảm điện năng nhưng không ảnh hưởng đến sản xuất, doanh thu, nhà máy phải áp dụng đồng bộ các biện pháp tiết kiệm điện, giảm chi phí điện năng trên tấn sản phẩm, ổn định sản xuất... Hai hệ thống thiết bị sản xuất tiêu tốn nhiều điện năng nhất là máy nghiền (tiêu tốn 600 kWh) và dàn máy bơm hàng trăm cái, công suất từ 18 đến 40 kWh của phân xưởng tuyển nổi. Ðể khắc phục, nhà máy đầu tư hàng chục tỷ đồng thay thế hơn 100 máy bơm công nghệ tiên tiến giảm tiêu thụ điện; lắp đặt thêm ba máy đập phản kích, tận dụng gia tốc văng để đập nhỏ quặng không phải dùng điện; thay thế máy lọc cánh vải bằng máy lọc gốm để tiết kiệm điện, tăng hiệu suất lọc quặng...


Ngoài việc tiết giảm, nhà máy còn phát động phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm tiết kiệm điện tối đa. Hai sáng kiến được áp dụng vào sản xuất đó là: Cải tạo hệ thống bình phong vũ vét quặng tuyển bằng phương pháp tự chảy và bơm thẳng nước tuần hoàn vào hệ thống tuyển vét 2, đã cắt bỏ được các thiết bị tiêu tốn điện trung gian, làm lợi hàng trăm triệu đồng. Nhờ chủ động đối phó với thiếu hụt điện năng, nhà máy bảo đảm sản xuất khoảng 680 nghìn tấn quặng tinh theo kế hoạch. Ðồng thời, tiêu hao điện năng giảm từ 234 kW xuống 135 kW/tấn sản phẩm, tiết kiệm được khoảng sáu tỷ đồng tiền điện trong năm nay...


Từ tháng 5 và các tháng sắp tới dự báo nguồn điện sẽ còn khó khăn, do đó các doanh nghiệp, địa phương như TP Hồ Chí Minh, Lào Cai, Hà Nội... tiếp tục huy động sức mạnh của hệ thống chính trị, tầng lớp nhân dân thực hành tiết kiệm điện nhằm khắc phục tối đa ảnh hưởng của tình trạng thiếu điện trong sản xuất và đời sống, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô mà trong đó việc sử dụng năng lượng tiết kiệm là một biện pháp quan trọng.


Theo Nhân dân cuối tuần