Theo một nghiên cứu mới công bố của Phòng thí nghiệm Quốc gia Tây Bắc Thái Bình Dương (NPPL) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ, nhiên liệu từ tảo có thể thay thế 17% tổng dầu nhập khẩu của Mỹ tới năm 2022. Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Water Resources Research, nhưng cũng cảnh báo rằng hoạt động sản xuất nhiên liệu sinh học, bao gồm cả nhiên liệu sinh học từ tảo cần nhiều nước, vì thế việc tính toán một cách thông minh nơi trồng tảo có thể giảm lượng nước cần thiết. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng nếu trồng tảo ở nơi thời tiết nắng nhất và ẩm nhất như tại bờ biển Gulf, vùng ven biển Đông Nam và vùng Ngũ Đại Hồ thì sẽ giảm đáng kể lượng nước tiêu thụ.
Ông Mark Wigmosta, nhà thủy văn học của PNNL, trưởng nhóm tác
giả cho biết: “Tảo là một trong những chủ đề nóng tại các cuộc thảo luận về nhiên
liệu sinh học gần đây, nhưng cho tới nay, chưa có ai xem xét một cách kĩ lưỡng
những khả năng mà Mỹ có thể tạo ra, lượng đất và nước nó cần. Nghiên cứu này mang
lại những cơ sở nền tảng và ước tính ban đầu, nhằm cung cấp thông tin cần thiết
một cách tốt hơn cho những quyết định về năng lượng tái tạo”.
Mục tiêu của nhóm nghiên cứu là cung cấp những đánh giá chuyên sâu đầu tiên về tiềm năng của nhiên liệu sinh học từ tảo, dựa trên lượng nước và đất sẵn có. Nghiên cứu cũng tính đến lượng nước bị mất đi do bay hơi trong vòng 30 năm. Nghiên cứu đã thống kê các số liệu được công bố trước đây để đưa ra quyết định về số lượng tảo có thể trồng ngoài trời, tại các hồ nước sạch khi sử dụng công nghệ hiện nay. Nghiên cứu không tính tới tảo được trồng trong nước mặn hoặt các ao bị che phủ.
Khi cân nhắc nhiều yếu tố, nhóm nghiên cứu đã kết luận rằng tới năm 2022 sẽ sản xuất được 21 tỉ gallon dầu từ tảo, tương đương với loại nhiên liệu sinh học tiên tiến theo Chuẩn nhiên liệu sinh học RFS2.
Các nhà nghiên cứu cũng cho biết 21 tỉ gallon dầu tảo, tương đương với mục tiêu nhiên liệu sinh học tiên tiến năm 2022 của Đạo luật độc lập và an ninh năng lượng có thể được sản xuất từ tảo trồng tại Mỹ. Con số này tương đương với 17% lượng dầu nhập khẩu dành cho giao thông vận tải tại Mỹ năm 2008. Để đạt tới con số này, các nhà nghiên cứu đã ước tính rằng lượng đất cần có phải xấp xỉ diện tích bang South Carolina. Họ cũng cho biết cần phải có 350 gallon nước/1 gallon dầu - hoặc ¼ lượng nước mà nước này dùng cho hoạt động tưới tiêu trong nông nghiệp hiện nay - để sản xuất 21 gallon nhiên liệu sinh học tảo.
Nghiên cứu cũng kết luận rằng tới 48% dầu nhập khẩu cho giao thông vận tải hiện nay có thể được thay thế bằng tảo, nhưng mức sản xuất cao hơn này có thể sẽ đòi hòi số lượng nước và đất nhiều hơn đáng kể. Vì thế, các tác giả tập trung vào những khu vực cần ít nước để trồng tảo.
Theo nghiên cứu, lượng nước sử dụng cho tảo tương đương với các các nguồn nhiên liệu sinh học khác. Tuy vậy, tảo có một vài ích lợi hơn các nguồn nhiêu liệu khác. Họ nhấn mạnh rằng lượng dầu sản xuất từ tảo cao gấp hơn 80 lần từ ngô tính trên 1 ha/năm, và cũng như ngô hay đậu nành, tảo không cạnh tranh với nguồn thực phẩm. Thêm vào đó, tác giả cũng chỉ ra rằng tảo là loại sinh vật tiêu thụ carbon dioxide, vì thế chúng được coi như nguồn trung hòa carbon. Tảo có thể hấp thụ khí carbon phát thải từ các nhà máy năng lượng hoặc các nhà máy tinh chế theo phương pháp sinh học khác, ngăn chặn chúng phát thải vào không khí. Tảo cũng hấp thụ nitơ và phốt pho, những chất thường xuất hiện trong các tác nhân gây ô nhiễm nước. Điều đó có nghĩa là việc trồng tảo trong nguồn nước bẩn tại các khu vực có thể giúp làm sạch chúng.
Ông Wigmosta nói: “Nước là một trong những yếu tố quan trọng cần phải tính đến khi lựa chọn nguồn nhiên liệu sinh học. Tảo có thể trở thành một phần trong giải pháp cho vấn đề năng lượng của Mỹ, nếu chúng ta biết nơi đặt các hồ nuôi trồng và giải quyết được thách thức về mặt công nghệ để sản xuất thành công nhiêu liệu sinh học từ tảo với quy mô thương mại”.
Lê My (theo domesticfuel.com)