Theo khảo sát của Bộ Công Thương, tiềm năng tiết kiệm năng lượng của các cơ sở sản xuất trung bình đạt 20%, một số ngành như xây dựng, giao thông vận tải... có thể đạt 30-35%. Trong khi đó, đầu tư cho tiết kiệm năng lượng rẻ hơn bốn lần so với đầu tư một công suất phát điện mới.
Hiệu quả từ tiết kiệm điện
Với giá điện tăng như hiện nay, để giảm chi phí sản xuất buộc
doanh nghiệp phải tính đến bài toán thay đổi công nghệ sản xuất. Theo ý kiến của
nhiều nhà quản lý, việc tăng giá điện là một bước đi đúng nhằm thực hiện thị
trường hóa điện, đồng thời đây cũng là dịp để các doanh nghiệp tăng cường hơn
việc tiết kiệm điện, đổi mới công nghệ, giảm tiêu hao điện năng.
Thực tế cho thấy tiềm năng tiết kiệm điện năng tại các doanh nghiệp là rất lớn. Đơn cử như tại Tập đoàn Than khoáng sản Việt nam, báo cáo mới đây cho thấy, tiềm năng tiết kiệm điện trung bình tại các mỏ hầm lò đạt 10,8% tương đương chi phí tiết kiệm 31,5 tỷ đồng/năm, tại các mỏ lộ thiên 14,7%/năm tương đương chi phí tiết kiệm 19,8 tỷ đồng/năm, các đơn vị sàng tuyển 10,5% với chi phí tiết kiệm khoảng 6 tỷ đồng/ năm…
Hiện tại TKV đang triển khai áp dụng nhiều giải pháp bao gồm
cải tạo hệ thống điều khiển của máy xúc EKG, đầu tư hệ thống quản lý giám sát
điện năng tự động, sử dụng hợp lý biến tần.
Trong khi đó, với đặc trưng tiêu tốn nhiều năng lượng, những
năm qua, nhiều nhà máy gang thép đã áp dụng những giải pháp công nghệ đồng bộ để
sử dụng năng lượng hiệu quả. Tại Nhà máy luyện gang thuộc Công ty Gang thép
Thái Nguyên các phân xưởng, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của công ty thường xuyên
bám sát họat động sản xuất, kiểm soát chặt chẽ các nguồn nguyên liệu đầu vào để
có chế độ vận hành hợp lý. Với nguyên liệu đầu vào chủ yếu là gang, nhà máy đã
sử dụng giải pháp chuyển đổi dòng điện, bên cạnh đó hạn chế tối đa thời gian ngừng
họat động và thời gian chạy không tải hạn chế tổn hao nhiều năng lượng.
Tiềm năng tiết kiệm năng lượng của các cơ sở sản xuất trung bình đạt 20%, riêng một số ngành xây dựng, giao thông vận tải, tiềm năng tiết kiệm năng lượng có thể đạt 30-35%. Mặc dù việc tiết kiệm năng lượng trong thời gian qua bước đầu đạt hiệu quả, nhưng các doanh nghiệp mới chỉ dừng ở giải pháp quản lý nên hiệu quả tiết kiệm không cao, đạt 5-7%.
Theo Bộ Công Thương, , bên cạnh tạo lập hành vi sử dụng tiết kiệm điện hằng ngày của doanh nghiệp, mẫu chốt là các doanh nghiệp phải quyết tâm đổi mới công nghệ.
Doanh nghiệp đổi mới công nghệ thiết bị
Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có hiệu lực chính là cơ sở pháp lý tạo cú hích cho các doanh nghiệp tích cực thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ thiết bị hiện đại, tiêu hao ít năng lượng.
Bên cạnh đó, nghị định quy định xử phạt vi phạm hành
chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ buộc các doanh nghiệp phải
chấp hành.
Điểm đáng chú ý trong nghị định này là mức xử phạt đối với hành vi vi phạm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có thể tới 100 triệu đồng. Ngoài ra trong một số lĩnh vực có thể buộc chấm dứt hoạt động nếu như không loại bỏ phương tiện có công nghệ quá lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng.
Hoàng Minh