Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, đây là mức tăng giá điện bình quân đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, nhằm giảm thiểu các tác động của tăng giá điện lên nền kinh tế.
Như vậy, từ 1.3 tới, giá điện bình quân sẽ tăng từ
1.077đ/kWh hiện nay lên 1.242đ/kWh, tương đương tăng 15,28%. Với mức tăng giá
này, nhiều chi phí của EVN tiếp tục bị “treo lại” chưa phân bổ vào giá thành, tỉ
suất lợi nhuận trên vốn nhà nước của EVN bằng 0 và giá than chưa tăng trong cơ
cấu giá điện.
Giá điện tăng 165đ/kWh
“Với tốc độ tăng giá nêu trên, thực chất giá điện bình quân tăng 165đ/kWh (so với mức 194đ/kWh của phương án tăng 18% do Bộ Công Thương đề xuất). Đây là mức tăng giá kiềm chế nhất mà Chính phủ đã cân nhắc thấu đáo để không gây ảnh hưởng lớn tới tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và đời sống nhân dân. Đồng thời, đây cũng là biện pháp giảm bớt một phần khó khăn cho EVN do các yếu tố đầu vào tăng” - ông Vượng cho biết.
Như vậy, so với phương án giá điện tăng ở mức 18% trước đó
như đề xuất của Bộ Công Thương, Chính phủ cũng thống nhất chưa tăng giá than
bán cho điện năm 2011, vẫn lấy mức bằng giá than 2010; không phân bổ hầu hết
các khoản chi phí tăng thêm do phát điện giá cao của năm 2010 vào giá điện
2011; kể cả chi phí tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn... Ngoài ra, với đề xuất
của Bộ Công Thương, tỉ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước các khâu phát điện,
truyền tải, phân phối chỉ lấy ở mức tối thiểu là 1%; thì với giá điện mới dự kiến
sẽ áp dụng, tỉ suất lợi nhuận trên vốn của EVN sẽ bằng 0.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động ngay sau khi có thông tin giá điện năm 2011 được Chính phủ cho phép điều chỉnh ở mức 15,28%, ông Đinh Quang Tri - Phó TGĐ phụ trách tài chính EVN - cho biết: Năm 2010, hàng loạt các yếu tố đầu vào biến động, khiến chi phí của EVN bị đội lên. Chỉ tính riêng việc chênh lệch tỉ giá đã tăng chi phí lên 17.000 tỉ đồng, chi phí tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn đến hết năm 2010 là 1.500 tỉ đồng; chưa kể khoản hơn 8.000 tỉ đồng chi phí mua và sản xuất điện từ các nguồn giá thành cao để đảm bảo điện cho nền kinh tế... “Chúng tôi đề xuất năm nay, chí ít cũng phải phân bổ vào giá thành 400 tỉ đồng do chi phí đầu vào tăng... Nếu không được phân bổ thì các chi phí vẫn phải treo lại, trong khi lợi nhuận sẽ bằng 0” - ông Tri than phiền.
Hộ nghèo được hỗ trợ 40% giá điện
Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - ông Phạm Mạnh Thắng - trả lời báo chí mới đây khẳng định, giá điện ở VN hiện nay là rất thấp so với khu vực. Nếu chưa tính việc điều chỉnh tỉ giá thì còn khoảng 5,3UScent/kWh, còn nếu cộng cả tỉ giá thì chỉ còn trên dưới 4UScent/kWh. Trong khi đó, giá điện nhập khẩu mua từ Trung Quốc đã ở mức bình quân là 6 UScent/kWh (năm 2011, phía Trung Quốc đang đòi mức 6,2 UScent/kWh). Giá điện mua của các nhà máy điện độc lập như nhiệt điện Cà Mau, Nhơn Trạch 1 có thời điểm đã lên đến 8UScent/kWh... Việc phải mua cao, bán thấp, trong bối cảnh phải đảm bảo tối đa nhu cầu điện cho nền kinh tế khiến tình hình tài chính của EVN lâm vào khó khăn nghiêm trọng.
Với tỉ suất lợi nhuận thấp (hằng năm chỉ từ 1-2%), giá điện hiện nay cũng không đủ để EVN đáp ứng việc tái đầu tư mở rộng hệ thống điện. Giá điện cũng không hấp dẫn các nhà đầu tư đầu tư vào điện. Kể từ năm 1997 đến nay, trừ các dự án BOT Chính phủ cam kết sẽ thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường, hầu hết các dự án điện độc lập đều không gọi được vốn đầu tư. Không có nhiều nhà đầu tư đầu tư vào điện thì không thể có đủ điện.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhận định, giá điện hiện nay cũng đang mâu thuẫn với nhu cầu sử dụng điện đang tăng mạnh. Năm 2011, các chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh điện sẽ tiếp tục tăng cao; tỉ trọng các nguồn thuỷ điện giá rẻ ngày càng giảm, tỉ trọng các nguồn điện mới có giá cao ngày càng tăng. Trong khi đó, nhu cầu đầu tư vào nguồn, lưới điện tăng rất lớn nhằm đảm bảo ổn định cung cấp điện đáp ứng nhu cầu điện tăng với tốc độ cao. Thế nhưng sức chịu đựng giá điện của nền kinh tế không tăng tương ứng. Vì vậy, cùng với việc điều chỉnh giá điện và xây dựng lộ trình thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường, đó sẽ là chìa khóa để đảm bảo đủ điện cho nền kinh tế, từ đó, có tác động tương hỗ phát triển kinh tế, kiềm chế tốc độ tăng giá ở tầm vĩ mô.
Về phía chính sách xã hội, Bộ Công Thương cũng cho biết, với giá điện mới, Chính phủ vẫn tính đến phương án hỗ trợ cho hộ nghèo. Phương án hỗ trợ sẽ là các hộ dân vẫn trả tiền điện theo mức kWh sử dụng, nhưng được hoàn trả lại từ quỹ chính sách xã hội. Đại diện EVN cũng cho biết, biểu giá điện cụ thể cho từng đối tượng sử dụng vẫn đang được tính toán, nhưng nguyên tắc là, các hộ nghèo sẽ được trợ giá 40% trong 50kWh điện bậc thang đầu tiên. EVN sẽ cắt thẳng số tiền này cho đơn vị chính sách thuộc Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội để chi trả cho các hộ thuộc đúng đối tượng được hỗ trợ.
Theo Lao Dộng